Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Có nhiều nguyên nhân gây ra giãn phế quản. Tuy nhiên, do không có kiến thức về căn bệnh này nên nhiều người đã điều trị bệnh mà không khỏi. Hậu quả của bệnh giãn phế quản gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, sức lao động, học tập, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.
1. Bệnh giãn phế quản là gì?
Bệnh giãn phế quản là tình trạng mà các ống phế quản nằm trong phổi bị tổn thương lớn ra một cách bất thường. Những đường dẫn khí bị tổn thương làm cho vi khuẩn và chất nhầy có cơ hội để ứ lại trong phổi. Cuối cùng, khi các vi khuẩn và chất nhầy đã đi khắp hệ thống phòng thủ của phổi, tình trạng nhiễm trùng và tắc nghẽn trong đường thở sẽ xảy ra.
Bệnh giãn phế quản nếu không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển nặng sang thể bội nhiễm. Khi đó việc chữa trị gặp nhiều khó khăn hơn và dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
2. Nguyên nhân gây giãn phế quản
Bệnh giãn phế quản có thể do nhiều nguyên nhân gây ra:
2.1.Giãn phế quản do mắc phải các bệnh khác nhau
- Viêm đường hô hấp kéo dài: Giãn phế quản là hậu quả của các bệnh như viêm xoang, viêm tai, viêm mũi, viêm vùng răng miệng, nhiễm khuẩn đường hô hấp, một số bệnh nghề nghiệp khác.... Các bệnh này thường gây nhiễm trùng ở các phế quản kéo dài và tái phát nhiều lần dẫn đến tổn thương các sợi cơ, sợi chun và sụn phế quản. Đồng thời , các chất xuất tiết ùn tắc lại trong phế quản và gây ra phản xạ ho dẫn đến tăng áp lực trong lòng phế quản kéo dài và gây ra giãn phế quản.
- Lao phổi: Trong điều trị bệnh lao phổi sau khi lành sẽ gây ra các xơ sẹo, sau đó chúng phát triển sẽ gây biến dạng và chít hẹp phế quản; dẫn tới tổn thương các cấu trúc thành phế quản, cùng kết hợp với phản xạ ho gây tăng áp lực kéo dài sẽ làm phế quản bị giãn ra. Tùy từng thể lao mà khả năng gây giãn phế quản sẽ khác nhau.
- Các bệnh viêm nhiễm virus ở phổi và phế quản: Các bệnh này thường gây ho và tăng áp lực trong lòng phế quản kéo dài. Lúc đầu, giãn phế quản chỉ là tạm thời nhưng nếu không được điều trị tốt thì tổn thương sẽ trở thành không hồi phục và dẫn tới bệnh giãn phế quản.
- Các tổn thương gây hẹp phế quản: Các bệnh lý gây hẹp phế quản bao gồm polyp phế quản, dị vật phế quản, các bệnh lý hạch ở rốn phổi như lao hạch, Hodgkin, Lymphosacom... Khi các phế quản bị hẹp sẽ gây ứ đọng trong lòng phế quản và làm cho phế quản bị viêm nhiễm, xuất tiết kéo dài dẫn tới tổn thương cấu trúc thành phế quản. Đồng thời sự chít hẹp này cũng gây tăng áp trong lòng phế quản và dẫn tới giãn phế quản.
- Giãn phế quản do hóa chất: Những trường hợp này thường gặp ở những người làm việc lâu ngày với các hóa chất bay hơi. Khi hít phải các hóa chất này vào đường hô hấp chúng sẽ gây kích thích, tăng tiết và tổn thương cấu trúc thành phế quản đồng thời gây ra phản xạ ho và tăng áp trong lòng phế quản. Nếu hít phải hóa chất trong một thời gian dài sẽ dẫn tới giãn phế quản.
2.2.Giãn phế quản bẩm sinh
Giãn phế quản bẩm sinh thường là loại giãn phế quản hình túi và có những tổn thương bẩm sinh khác kèm theo.
- Hội chứng Kartagener: Bao gồm các bệnh phối hợp với nhau đó là giãn phế quản lan tỏa + polyp mũi + viêm xoang + đảo lộn phủ tạng. Đây được coi là một phân nhóm của hội chứng rối loạn vận động nhung mao nguyên phát; trong hội chứng này có bất thường về cả cấu trúc và chức năng của nội bào nhung mao, rối loạn thanh thải chất nhầy do vậy dẫn đến nhiễm khuẩn phế quản tái diễn và giãn phế quản. Ngoài ra bệnh nhân có thể mắc viêm mũi mạn tính, viêm tai giữa, vô sinh (nam), bất thường về giác mạc, đau đầu và khứu giác kém.
- Hội chứng Mounier-Kuhn: Đây là hội chứng bao gồm giãn phế quản + viêm xương sàng. Phế quản bị phì đại, đường kính có thể rộng gấp 2 lần bình thường. Trong hội chứng này khí phế quản bị phì đại do khuyết tật cấu trúc của tổ chức liên kết ở thành phế quản dẫn đến giãn phế quản .
- Hội chứng Williams-Campbell: Do khuyết tật ở cấu trúc sụn phế quản khiến phế quản phình ra khi thở vào, xẹp xuống khi thở ra .
- Hội chứng móng tay vàng (yellow nail syndrome): Do giảm sản bẩm sinh hệ thống bạch huyết. Bệnh nhân thường có các biểu hiện móng tay dày, cong, vàng nhạt; có phù bạch huyết nguyên phát và giãn phế quản .
3. Triệu chứng của bệnh giãn phế quản
Bệnh giãn phế quản thường có các biểu hiện lâm sàng khác nhau vì nó còn tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh, mức độ nặng – nhẹ.
Các triệu chứng thường gặp của giãn phế quản là:
- Ho: người bệnh có thể ho khan hay ho có đàm. Ho có đàm, gặp ở 80% bệnh nhân bị giãn phế quản, họ thường khạc đờm nhiều nhất vào buổi sáng, hay có khi khạc đờm rải đều trong ngày. Lượng đờm nhiều ít tùy từng bệnh nhân, thường khạc đờm: từ 20-100 ml/ngày.
- Ho tái phát thỉnh thoảng kèm ho ra máu. Ho ra máu là biến chứng cuối cùng của 50% giãn phế quản. Ho ra máu thường xảy ra sau tình trạng nhiễm trùng nặng và có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm.
- Đau ngực có thể là triệu chứng nổi bật gợp ý nhiễm trùng hô hấp tái phát.
- Khó thở, khò khè thường gặp ở bệnh nhân giai đoạn nặng. Phế quản người bệnh bị hẹp, mất khả năng co dãn và có 1 lượng lớn đàm trong đường dẫn khí khiến không khí lưu thông khó hơn.
4. Biến chứng bệnh giãn phế quản
Nếu để bệnh diễn tiến trong thời gian dài, giãn phế quản có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe như:
4.1 Bị suy hô hấp
Đây là hiện tượng lượng oxy cung cấp từ phổi vào máu không đủ. Tình trạng này sẽ gây ra khó thở, thở nhanh. Nếu bệnh nghiêm trọng, da bệnh nhân sẽ trở nên xanh xao, hoa mắt, chóng mặt, mất ý thức và có thể bị ngất xỉu.
4.2 Xẹp phổi
Là tình trạng thùy phổi hoặc phổi bị xẹp một phần hoặc hoàn toàn do các túi khí nhỏ ở trong phổi bị xẹp. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở, thở gấp và nhịp tim cũng đập mạnh hơn.
4.3 Suy tim
Trong trường hợp giãn phế quản tác động đến toàn bộ đường thở, bệnh có thể gây ra suy tim. Đây là hiện tượng tim không thể bơm đủ máu để nuôi đáp ứng các nhu cầu cần thiết của cơ thể. Nếu rơi vào trường hợp này, các triệu chứng có thể gặp là khó thở, cơ thể mệt mỏi và sưng phù mắt cá chân, bụng, tĩnh mạch cổ.
5. Các biện pháp phòng ngừa bệnh giãn phế quản
Nếu do di truyền, sẽ không có cách nào để phòng ngừa bệnh giãn phế quản. Tuy nhiên, với các nguyên nhân thông thường, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Các biện pháp có thể áp dụng bao gồm:
- Tiêm phòng vắc – xin phòng cúm, bệnh sởi, ho gà hàng năm cho đối tượng là trẻ nhỏ.
- Không nên hút thuốc, sử dụng các chất kích thích như rượu, bia.
- Tránh tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, các chất độc hại trong khoảng thời gian dài.
- Điều trị sớm và tận gốc các căn bệnh của đường hô hấp hoặc đường ruột như viêm ruột, viêm phế quản, hen suyễn...
- Xây dựng một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, hợp lý. Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, các loại ngũ cốc nguyên hạt, sữa không béo hoặc ít béo. Ngoài ra, hãy tránh xa các loại ngũ cốc đã qua tinh chế, thức ăn chứa nhiều muối và đường, đồ ăn được chế biến sẵn, cay nóng...
- Uống nhiều nước mỗi ngày, tạo một không gian sống thoải mái, vui vẻ. Tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
- Vận động cơ thể thường xuyên bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng, bơi lội, chạy bộ cũng là những việc nên làm. Chúng sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn chặn được nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh cho bản thân.
Ngay khi thấy các dấu hiệu bệnh giãn phế quản, người bệnh không nên chủ quan, cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm. Để điều trị giãn phế quản hiệu quả cần dựa vào các nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh nên tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám thường xuyên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.