Các nguy cơ nếu bị sốt xuất huyết (SXH) biến chứng ở trẻ

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Khương - Bác sĩ truyền nhiễm, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Ở nước ta, sốt xuất huyết lưu hành rất phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Các nguy cơ bị sốt xuất huyết (SXH) biến chứng ở trẻ: Gây suy gan, suy thận, xuất huyết võng mạc, xuất huyết não và dẫn đến tử vong như hình dưới đây.

Các nguy cơ nếu bị sốt xuất huyết (SXH) biến chứng ở trẻ

1. Trẻ nào có nguy cơ bị biến chứng khi mắc sốt xuất huyết ?

Đó là những trẻ ở lứa tuổi sơ sinh, nhũ nhi và trẻ thiếu dinh dưỡng cũng như thừa dinh dưỡng, hoặc có bệnh đi kèm như bệnh tiểu đườngtăng huyết áp... hay bị nhiễm trùng thứ phát. Đấy là các yếu tố nguy cơ để bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em nặng hơn.

Trẻ nhỏ khi mắc sốt xuất huyết có thể diễn tiến nặng hơn người lớn, có nhiều nguy cơ bị biến chứng hơn. Sốt xuất huyết ở trẻ thường sốt cao khó hạ, nhất là những ngày đầu do vậy dễ bị mất nước, khô da, khô môi, mệt mỏi ăn kém.


Trẻ suy dinh dưỡng thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao bị biến chứng khi mắc sốt xuất huyết
Trẻ suy dinh dưỡng thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao bị biến chứng khi mắc sốt xuất huyết

2. Điều trị sốt bị biến chứng ở trẻ em như thế nào?

Trẻ em mắc sốt xuất huyết bị biến chứng phải được điều trị ở bệnh viện càng sớm càng tốt đòi hỏi xử trí nhanh, chính xác vì chẩn đoán khó, diễn biến cấp tính, phức tạp ở trẻ em rất dễ tử vong.

Bệnh biểu hiện của nhiễm vi rút như: Khởi đầu trẻ thường sốt cao liên tục 3 - 4 ngày, ho, xung huyết da, đau nhức mình mẩy, đau nhức hốc mắt, nôn và có thể tiêu chảy. Sốt của bệnh sốt xuất huyết khó giảm với thuốc hạ sốt (paracetamol) trong 3 ngày đầu và sau ngày thứ 3-5 khi sốt bắt đầu giảm sẽ xuất hiện, biểu hiện như mệt lả, xuất huyết da dạng chấm, chảy máu cam (chảy máu mũi), chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen... Bệnh nặng từ ngày thứ 3 đến ngày 5, 6 của bệnh.

Do vậy khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp; không để xảy ra biến chứng mới đến viện vì mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi có những biến chứng trầm trọng xảy ra.

3. Hướng dẫn theo dõi tái khám, phòng tránh?

  • Điều đáng chú ý là cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để tiêu diệt mầm bệnh (virus Dengue) và chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu. Vì vậy, bệnh sốt xuất huyết nay được xem là bệnh nguy hiểm vì vừa mang tính chất cấp tính vừa mang tính chất lây lan mạnh.
  • Nên khi trẻ sốt nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay và điều trị theo chỉ dẫn.
  • Nếu được về nhà điều trị thì tái khám mỗi ngày theo hẹn của bác sĩ. Ngay cả sáng, chiều trong những ngày cao điểm của bệnh.

Nếu có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện:

  • Quấy khóc, bứt rứt, trăn trở khó chịu hoặc li bì
  • Đau bụng

Cha mẹ cần chú ý khi trẻ xuất hiện triệu chứng đau bụng
Cha mẹ cần chú ý khi trẻ xuất hiện triệu chứng đau bụng

  • Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen
  • Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống
  • Đặc biệt là trẻ nhỏ đang sống trong vùng (địa phương) có dịch sốt xuất huyết cần hết sức cảnh giác với các biến chứng khó lường trước của bệnh sốt xuất huyết.

Để phòng tránh sốt xuất huyết bị biến chứng ở trẻ em nên chỉ nên điều trị tại nhà trẻ bị sốt xuất huyết sau khi đã khám và được bác sĩ cho phép.

  • Chú ý tái khám theo hẹn. Các bậc cha mẹ cũng đặc biệt lưu tâm đến loại thuốc hạ sốt được phép sử dụng trong bệnh này. Khi trẻ sốt ≥ 38,5oC cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15mg/ kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 -6 giờ/ lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm tại hai bên bẹn, nách, hai bên cổ nơi có mạch lớn để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.
  • Dùng thức ăn lỏng, mềm dễ tiêu
  • Không được dùng aspirin: Trong sốt xuất huyết có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết gây ra không cầm được, làm tăng độ acid của dạ dày (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Riêng với trẻ em càng đặc biệt chú ý việc cấm này vì: aspirin là yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù nãosuy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong khoảng 30-50%, nếu sống sót cũng để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn).
  • Không dùng kháng sinh khi không có chỉ định.
  • Không tự truyền dịch tại nhà.

Để phòng tránh sốt xuất huyết cần dọn dẹp sạch nhà cửa, không để nước tù đọng để không có nơi muỗi đẻ trứng. Tránh muỗi đốt, khi ngủ nên mắc màn kể cả ban ngày. Phun thuốc diệt muỗi nơi ở.


Khi phát hiện trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay
Khi phát hiện trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết tham khảo nguồn: Bộ Y tế

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe