Tia xạ trong y khoa (chủ yếu phát ra từ các thiết bị như máy chụp X-quang, máy xạ trị) và có thể gây ra một số vấn đề bất lợi đối với sức khỏe người bệnh, y bác sĩ.
1. Tia xạ trong y khoa là gì?
Bức xạ tia ion hóa bao gồm:
- Các sóng điện từ năng lượng cao: Tia gamma, tia X
- Các loại hạt: Hạt alpha, hạt beta và neutron.
Trong y khoa, bức xạ ion hóa chủ yếu phát ra từ các nguyên tố phóng xạ và các thiết bị như máy chụp X-quang và các thiết bị xạ trị.
Hầu hết các phương tiện chẩn đoán hình ảnh sử dụng bức xạ ion hóa (chụp X-quang, chụp CT hoặc xạ hình) đều gây phơi nhiễm cho người bệnh ở liều phóng xạ tương đối thấp, nhìn chung được coi là an toàn. Tuy nhiên, mọi loại bức xạ ion hóa đều có khả năng gây hại cho sức khỏe. Hiện vẫn không có ngưỡng an toàn nào có thể loại trừ hết các tác động có hại. Do vậy, cần tập trung nỗ lực để đưa mức phơi nhiễm xạ trong y khoa xuống thấp nhất.
Cách đo độ phơi nhiễm phóng xạ:
- Liều hấp thụ: Lượng bức xạ hấp thụ trên 1 đơn vị khối lượng, có đơn vị là gray (Gy) và miligray (mGy). Trước đây, nó sử dụng đơn vị liều hấp thụ bức xạ (rad): 1mGy - 0,1 rad.
- Liều tương đương: Là liều hấp thụ nhân với hệ số trọng lượng bức xạ được điều chỉnh cho những tác động trên mô, dựa trên loại bức xạ. Đơn vị sử dụng là sieverts (Sv) và millisieverts (mSv). Trước đây, nó sử dụng đơn vị từ trường tương đương roentgen ở người (rem; 1 mSv = 0,1 rem). Đối với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có sử dụng tia X, hệ số trọng lượng bức xạ là 1.
- Liều hiệu dụng: Là 1 trong những thước đo nguy cơ ung thư. Nó giúp điều chỉnh liều tương đương dựa trên tính nhạy cảm của những mô bị phơi nhiễm (ví dụ hệ sinh dục là cơ quan dễ bị tổn thương nhất). Sử dụng đơn vị Sv và mSv. Liều hiệu dụng sẽ cao hơn đối với nhóm đối tượng trẻ tuổi.
2. Nguy cơ tia xạ trong y khoa
Tia xạ trong y khoa có thể gây hại nếu tổng liều tích lũy cao. Ví dụ như chụp CT nhiều lần (chụp CT cần sử dụng liều bức xạ cao hơn so với hầu hết các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác). Ngoài ra, phơi nhiễm bức xạ trong y khoa cũng cần quan tâm trong một số trường hợp nguy cơ cao như: Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ 1 - 4 tuổi, phụ nữ trẻ cần chụp nhũ ảnh chẩn đoán ung thư vú.
2.1 Bức xạ và ung thư
Các nhà khoa học đánh giá là có nguy cơ ung thư do phơi nhiễm bức xạ trong chẩn đoán hình ảnh. Nguy cơ này tuy có tỷ lệ khá thấp nhưng vẫn luôn tồn tại nếu liều bức xạ sử dụng đạt ngưỡng hàng chục mGy (tương đương ngưỡng bức xạ dùng trong chụp CT). Việc chụp CT mạch phổi (phát hiện tắc mạch phổi) phát ra liều bức xạ tới 2 vú cao gấp khoảng 10 - 25 lần chụp nhũ ảnh 2 tư thế.
Bệnh nhân trẻ có nguy cơ cao ung thư do tia xạ trong y khoa vì:
- Thời gian sống dài hơn nên ung thư có nhiều thời gian phát triển hơn;
- Tốc độ tăng trưởng tế bào mạnh hơn so với người lớn tuổi nên nhạy cảm với các tổn thương DNA hơn.
Với trẻ nhỏ 1 tuổi, nếu chụp CT vùng bụng thì nguy cơ phát triển ung thư trong suốt cuộc đời là khoảng 0,18%. Nguy cơ này sẽ thấp hơn nếu chụp CT vùng bụng ở bệnh nhân lớn tuổi.
Ngoài ra, nguy cơ ung thư phụ thuộc vào việc mô nào được chiếu xạ. Các mô bạch huyết, máu, tủy xương, buồng trứng tinh hoàn và ruột đều rất nhạy cảm với bức xạ. Ở người trưởng thành, hệ cơ xương khớp và hệ thần kinh trung ương có khả năng kháng tia xạ tương đối tốt.
2.2 Bức xạ trong thai kỳ
Nguy cơ bức xạ phụ thuộc vào: Liều, phương tiện chẩn đoán hình ảnh là gì và vùng cơ thể nào được thực hiện chụp chẩn đoán. Thai nhi sẽ phơi nhiễm bức xạ ít hơn so với người mẹ. Bên cạnh đó, thai nhi sẽ phơi nhiễm bức xạ không đáng kể nếu người mẹ: Chụp vùng đầu, chụp cột sống cổ, chụp các chi và chụp X-quang vú trong khi tử cung đã được chắn xạ.
Ngoài ra, mức độ phơi nhiễm bức xạ của tử cung còn phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi thai và kích thước của tử cung. Tác động của bức xạ sẽ phụ thuộc vào tuổi thai (tính từ thời điểm thụ thai).
3. Biểu hiện khi bị nhiễm xạ
Khi bị nhiễm xạ, người bệnh thường có các biểu hiện sau:
- Thể nhẹ: Rối loạn điều hòa thần kinh, mạch nhanh, huyết áp động mạch hạ, loạn nhịp xoang, rối loạn nhu động ruột và chức năng mật, dễ bị kích thích
- Thể tiến triển: Có biểu hiện lâm sàng và điện timo của chứng loạn dưỡng cơ tim, huyết áp động mạch hạ kéo dài, giảm sản tủy xương kéo dài, giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng buồng trứng, nữ giới ít kinh nguyệt;
- Viêm da mạn tính do nhiễm xạ: Có các triệu chứng gồm đau, ngứa, da khô, loạn cảm giác, loạn dưỡng móng tay, tăng sừng hóa, sung huyết, loét da, nứt nẻ,...;
- Dấu hiệu muộn: Ung thư xương, ung thư da, bạch cầu tủy, ung thư thượng bì phổi,...
4. Biện pháp phòng ngừa nhiễm xạ trong y khoa
Ở Mỹ, CT scan chỉ chiếm 15% tổng số lần chụp chiếu nhưng kỹ thuật này chiếm tỷ lệ tới 70% tổng số bức xạ phát ra của toàn bộ các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. So với CT đơn dãy thì CT đa dãy có lượng bức xạ lớn hơn 40 - 70%. Tuy nhiên, các tiến bộ của khoa học kỹ thuật gần đây như kiểm soát phơi nhiễm tự động hay các thuật toán tái tạo lặp lại và các dãy đầu thu CT thế hệ thứ 3,... đã góp phần làm giảm đáng kể liều bức xạ dùng trong mỗi lần chụp CT.
Đứng trước lo ngại về nguy cơ gia tăng phơi nhiễm bức xạ khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, Hiệp hội Điện quang Hoa Kỳ (tên tiếng Anh: American College of Radiology) đã khởi xướng các chương trình là: Image Wisely (dành cho người lớn) và Image Gently (dành cho trẻ em). Đây là các chương trình cung cấp nguồn lực và thông tin về giảm thiểu phơi nhiễm bức xạ cho các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ lâm sàng, nhân viên y tế chuyên ngành khác và bệnh nhân.
Để giảm nguy cơ phơi nhiễm tia xạ trong y khoa, chỉ nên chỉ định các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có bức xạ ion khi cần thiết. Các bác sĩ nên cân nhắc tới các phương án thay thế. Ví dụ, ở trẻ nhỏ, nếu có chấn thương nhẹ vùng đầu thì có thể chẩn đoán và điều trị dựa trên lâm sàng. Tình trạng viêm ruột thừa có thể chẩn đoán bằng phương pháp siêu âm. Tuy nhiên, nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra thì các bác sĩ cũng không nên chần chừ, nếu cần thiết phải chụp ngay, kể cả khi liều bức xạ cao như thực hiện phương pháp chụp CT.
Trước khi tiến hành thực hiện các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có bức xạ ion trên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cần lưu ý tới vấn đề thai nhi (nguy cơ phơi nhiễm bức xạ cao nhất trong 3 tháng đầu - thời điểm ít người nhận ra mình đang mang thai). Nếu cần thiết phải chụp chẩn đoán, cần lưu ý che chắn tử cung cho các đối tượng trên (nếu có thể).
Bên cạnh đó, bệnh nhiễm xạ nghề nghiệp không có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng cần trị liệu toàn diện, thực hiện tốt việc nghỉ dưỡng đầy đủ, ăn uống đủ chất (đạm, vitamin B12, B6), dùng thuốc chống chảy máu, truyền máu,... Để dự phòng, nên tránh xa nguồn phóng xạ khi thao tác, có tường và màn che phù hợp với từng loại tia xạ khác nhau. Bên cạnh đó, cần chú ý tới thời gian an toàn được khuyến nghị cho từng loại tia phóng xạ.
Nhân viên y tế khi làm việc hoặc thao tác với chất phóng xạ cần mặc đồ bảo hộ lao động, trang bị đồ phòng hộ khác, đeo tấm chì, đi găng tay cao su pha chì, mặc quần áo không thấm nước, tắm giặt ngay sau giờ làm việc (giúp bảo vệ chống nhiễm xạ ngoại chiếu, nội chiếu và chống lại sự chiếu xạ). Đồng thời, cần khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần, chú ý xét nghiệm máu nhằm phát hiện sớm các biểu hiện bệnh lý do phóng xạ. Đặc biệt, nên chú ý tới các tổn thương mạn tính ngoài da (nếu thường xuyên tiếp xúc với nguồn phát xạ).
Tia xạ trong y khoa có thể xâm nhập cơ thể qua da, đường tiêu hóa hoặc hơi thở. Y bác sĩ và bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ các quy định an toàn để giảm tối đa nguy cơ nhiễm xạ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.