Sa tử cung có thể gây tình trạng tử cung sa xuống, thập thò vùng âm đạo, tử cung lộ ra ngoài âm đạo, thân nằm trong âm đạo và mức độ nặng nhất là toàn bộ tử cung sa hẳn ra ngoài âm đạo.
1. Sa sinh dục
Sa sinh dục hay còn gọi là sa tử cung xảy ra khi cơ sàn chậu và dây chằng căng ra và suy yếu, hỗ trợ không đầy đủ cho tử cung. Tử cung tụt xuống vào trong ống âm đạo. Hẹp khung xương chậu là một trong những khiếm khuyết về khung xương dẫn đến hiện tượng sa nội tạng và sa tử cung.
Sa sinh dục thường gặp ở lứa tuổi 40-50 tuổi trở lên, khá phổ biến ở phụ nữ Việt Nam làm việc nặng, sinh đẻ nhiều, đẻ không an toàn. Sa sinh dục thường được gọi là sa dạ con hay sa tử cung. Tuy là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ, đặc biệt là gây cản trở trong quan hệ vợ chồng và các rối loạn tiểu tiện như tiểu không hết nước tiểu hoặc khó tiểu.
2. Các cấp độ sa sinh dục
Sa sinh dục có ba mức độ khác nhau, nếu ở mức độ nhẹ nhất thì chỉ có một số ít biểu hiện lâm sàng. Ở mức độ thứ 2 hay còn gọi là mức độ trung bình thì lúc này tử cung đã sa xuống sâu hơn, thậm chí là thân tử cung nằm trong âm đạo và có thể là có trường hợp lộ ra ngoài âm đạo. Còn trường hợp nặng nhất thì toàn bộ tử cung sa hẳn ra ngoài âm đạo.
Sa sinh dục độ 1: Tử cung sa xuống, thập thò vùng âm đạo.
- Sa thành trước âm đạo (kết hợp sa bàng quang)
- Sa thành sau (kết hợp sa trực tràng)
Sa sinh dục độ 2: Tử cung lộ ra ngoài âm đạo, thân nằm trong âm đạo.
- Sa thành trước âm đạo (kết hợp sa bàng quang)
- Sa thành sau (kết hợp sa trực tràng)
Sa sinh dục độ 3: Toàn bộ tử cung sa hẳn ra ngoài âm đạo.
- Sa thành trước âm đạo (kết hợp sa bàng quang)
- Sa thành sau (kết hợp sa trực tràng)
3. Dấu hiệu nhận biết sa sinh dục
Tùy theo từng người, tùy mức độ sa nhiều hay sa ít, mới sa hay sa từ lâu, sa đơn thuần hay còn có thương tổn phối hợp mà xuất hiện những dấu hiệu như: Khó chịu, cảm giác tức nặng vùng cửa mình, ở bụng dưới, nhất là khi đứng, nhưng khi nằm thì hết cảm giác trên.
Đôi khi có cảm giác muốn rặn đẻ vì các tĩnh mạch ở vùng đáy chậu bị sa sung huyết, đồng thời do áp lực trong thành bụng dồn xuống vùng đáy chậu đã bị suy yếu; hay bị đau vùng sau thắt lưng.
Nếu kèm theo sa bàng quang thì có dấu hiệu: Đi đái khó, đái dắt, són đái khi cười to, khi ho mạnh hay khi bị rùng mình, thường đái không hết nước tiểu nên bàng quang dễ bị viêm gây ra đái buốt. Trường hợp sa bàng quang nhiều thì lúc đầu đi tiểu rất khó khăn, phải dùng ngón tay đẩy bàng quang lên trên và vào trong mới đi tiểu được. Đôi khi bệnh nhân đến viện vì bí đái cấp.
Nếu kèm theo sa trực tràng thì đại tiện có cảm giác vẫn còn chưa hết phân ở trực tràng, có thể bị táo bón. Nhiều người sa sinh dục nhưng kinh nguyệt vẫn bình thường và vẫn có khả năng có thai. Những phụ nữ này dễ bị sẩy thai và đẻ non. Chảy máu, khí hư ra nhiều do cổ tử cung viêm nhiễm, cọ xát làm người bệnh đi lại khó khăn.
4. Cách phòng tránh sa sinh dục
Phụ nữ nên đến các cơ quan y tế đủ điều kiện về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nơi có đội ngũ các bác sĩ và nữ hộ sinh chuyên nghiệp. Cuộc sống hiện đại , do đó không nên đẻ nhiều, đẻ quá sớm hoặc đẻ dày.
Thực hiện các thủ thuật phải đảm bảo đủ kiều kiện, đúng chỉ định và đúng kỹ thuật. Không để chuyển dạ kéo dài, không rặn đẻ quá lâu..
Các tổn thương đường sinh dục phải được phục hồi đúng kỹ thuật nơi uy tín chất lượng
Sau khi đẻ thì các bà mẹ không nên lao động quá sớm và làm việc quá nặng, tránh căng thẳng. Cố gắng luyện tập các bài tập cơ vùng bụng làm cho vòng eo được săn chắc tốt hơn. Bên cạnh đó vùng cơ đáy chậu, cơ vùng khung chậu cũng được chắc lại, làm cho tử cung được đẩy cao hơn hay nói cách khác là dạ con sẽ trở lại bình thường
Ăn uống đầy đủ chất xơ, rau củ quả, tránh tình trạng táo bón vì khi táo bón, phải rặn trong quá trình đại tiện thì cũng là nguyên nhân làm cho các cơ nó yếu cũng như là rất dễ sa sinh dục nhiều hơn.
Cần phát hiện và điều trị sớm các bệnh mãn tính gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên (táo bón trường diễn, ho kéo dài...) là nguyên nhân dẫn đến sa sinh dục.
Hiện nay điều trị sa sinh dục có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị hiệu quả khác nhau. Tùy vào mức độ mà bác sĩ thăm khám sẽ chỉ định nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật. Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng phẫu thuật nội soi bằng robot là phương pháp tối ưu đối với sa sinh dục nào. Với phương pháp này người bệnh sẽ có được những ưu điểm như bệnh không tái phát, bảo tồn tử cung và giải quyết được những triệu chứng tiểu kèm theo của bệnh.
Robot Da Vinci sản xuất tại Hoa Kỳ là robot tân tiến, cấu trúc tinh vi, hiện đại, có 4 cánh tay mô phỏng gần như hoàn hảo các động tác bàn tay con người, đáp ứng nhu cầu phẫu thuật với các yêu cầu cao nhất. Nhờ đặc tính này, robot phẫu thuật có thể xâm nhập những vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận, giải quyết được những hạn chế của phẫu thuật mổ hở và nội soi cổ điển. Với các ưu thế vượt trội: An toàn, giảm thiểu tối đa các nguy cơ biến chứng và nhiễm trùng phẫu thuật, giảm đau, ít mất máu, hồi phục nhanh, đảm bảo thẩm mỹ, robot có thể sử dụng cho hầu hết các trường hợp phải điều trị bằng phương pháp nội soi đặc biệt trong điều trị ung thư.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.