Tăng huyết áp không chỉ là bệnh lý ở người già, thanh thếu niên mà còn có thể gặp ở trẻ em. Tăng huyết áp trẻ em rất nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị hợp lý.
1. Tăng huyết áp ở trẻ em là gì?
Tăng huyết áp trẻ em cần được chẩn đoán sớm để hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Chẩn đoán tăng huyết áp trẻ em thường gặp nhiều khó khăn trên lâm sàng vì chỉ số huyết áp thường thay đổi theo độ tuổi cũng như giới tính và chiều cao. Vì vậy, để chẩn đoán được tăng huyết áp ở trẻ em thì cần có những kinh nghiệm cũng như kỹ năng đặc biệt trong lĩnh vực này.
Với những trẻ độ tuổi càng nhỏ bị tăng huyết áp thì nguyên nhân chủ yếu được tìm thấy là do bệnh lý thận gây ra. Một số nguyên nhân khác cũng dẫn đến tăng huyết áp trẻ em đó là dị dạng mạch máu, hẹp eo động mạch thận hoặc bệnh lý Takayasu.
Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp trẻ em như:
- Gia đình có tiền sử mắc phải tăng huyết áp;
- Trẻ thừa cân, béo phì;
- Trẻ mắc phải bệnh lý đái tháo đường type 2;
- Mắc phải bệnh lý tăng Cholesterol...
Trẻ em cần được thăm khám lâm sàng, thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra được nguyên nhân tăng huyết áp trong độ tuổi này, vì đó sẽ là cơ sở cho việc điều trị thành công.
Một số trường hợp đặc biệt mà bố mẹ cần theo dõi chỉ số huyết áp của con mình thường xuyên hơn như trẻ sinh non, rất nhẹ cân, có những biến chứng trong giai đoạn sơ sinh mà phải trải qua hồi sức tích cực, bị tim bẩm sinh, mắc phải bệnh lý thận, dị dạng đường tiết niệu, đã ghép tạng hay mắc những bệnh lý ác tính, uống thuốc có thể làm tăng huyết áp...
Triệu chứng của tăng huyết áp trẻ em có thể nhận biết được bao gồm:
- Đau đầu, nôn ói, chóng mặt;
- Mặt đỏ bừng, vã mồ hôi, hay hồi hộp, đánh trống ngực;
- Giảm thị lực, co giật, phù ngoại biên...
Một số biến chứng có thể gặp phải nếu không phát hiện kịp thời như suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não...
2. Cách điều trị tăng huyết áp trẻ em
Tùy vào nguyên nhân bệnh mà cách điều trị tăng huyết áp ở trẻ em sẽ thay đổi theo từng trường hợp:
- Đối với trẻ bị tăng huyết áp do nguyên nhân viêm cầu thận cấp thì cần điều trị với thuốc lợi tiểu, kháng sinh;
- Nguyên nhân do hẹp động mạch thận và bệnh Takayasu thì điều trị với thuốc kháng viêm, có thể thực hiện nong hoặc đặt stent động mạch thận và bắc cầu mạch máu;
- Với bệnh nhi bị hẹp động mạch và xơ hóa mạch máu thận thì thực hiện nong, đặt stent động và bắc cầu mạch máu;
- Bệnh nhi bị tăng huyết áp do u tủy thượng thận thì phẫu thuật cắt khối u;
- Với nguyên nhân rối loạn nội tiết thì cần cân nhắc cụ thể từng trường hợp khác nhau.
Ngoài ra, cần có một chế độ ăn uống thích hợp đối với tăng huyết áp ở trẻ em như sau:
- Cha mẹ nên ưu tiên cá nhiều hơn các loại thịt trong bữa ăn hàng ngày của trẻ;
- Khi trẻ ăn thịt thì cần chú ý loại bỏ da;
- Bổ sung các loại đậu và hạt khác thay vì chỉ ăn thịt;
- Nên cho trẻ uống sữa để tăng cường calci cho cơ thể;
- Cha mẹ cũng hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn có chứa nhiều muối và đồ ăn quá ngọt, hay được chế biến với quá nhiều dầu mỡ.
Đồng thời, cần phải xây dựng cho trẻ một thói quen luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để giữ cân nặng ở mức hợp lý. Uống thuốc mà bác sĩ chỉ định đúng giờ, đúng liều lượng để đạt được hiệu quả cao nhất.
3. Kết luận
Tăng huyết áp ở trẻ em là tình trạng bệnh lý không quá hiếm gặp ngày nay, mang đến những mối nguy cơ về sức khỏe khiến cha mẹ và trẻ em rất lo lắng. Bên cạnh việc tuân thủ điều trị tăng huyết áp ở trẻ em thì cần chú ý nhiều hơn đến việc thiết lập một lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh tật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.