Các loại viêm gan mạn tính, cấp tính và nguyên nhân

Viêm gan mãn tính và viêm gan cấp tính là hai tình trạng của bệnh viêm gan mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Bệnh viêm gan do nhiều nguyên nhân gây ra và có thể bị lây nhiễm nếu tiếp xúc với virus viêm gan. Bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm để đánh giá mức độ viêm đến đâu và bị nhiễm viêm gan mãn tính hay viêm gan cấp tính.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Ths. BS. Nguyễn Tung Hoành, bác sĩ Tim mạch can thiệp tại khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Các loại viêm gan mãn tính và viêm gan cấp tính

Các loại virus gây viêm gan mãn tính hoặc cấp tính có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng và thời gian virus tồn tại trong cơ thể. Sau đây là danh sách các loại viêm gan mãn tính và viêm gan cấp tính:

1.1. Viêm gan A

Virus viêm gan A có thể lây nhiễm nếu ăn hoặc uống phải những thứ bị nhiễm loại virus này. Đây được coi là loại virus gây rủi ro thấp nhất vì hầu hết những người nhiễm virus viêm gan A thường sẽ tự hồi phục sau một thời gian.  

Tuy nhiên, khoảng 20% số người bị viêm gan A sẽ trải qua các triệu chứng nghiêm trọng, cần phải nhập viện để điều trị. Hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa viêm gan A.

1.2. Viêm gan B

Viêm gan B có thể lây lan qua nhiều đường khác nhau. Người bình thường có thể bị nhiễm bệnh khi truyền máu, khi quan hệ tình dục với người nhiễm virus hoặc thông qua việc sử dụng chung kim tiêm. Virus này cũng có khả năng truyền từ mẹ sang con. Ngoài ra, chỉ một tỷ lệ nhỏ những người mắc viêm gan B có thể tiếp tục lây bệnh cho người khác sau khi các triệu chứng đã biến mất. 

1.3. Viêm gan C

Virus viêm gan C có thể lây nhiễm qua việc tiếp xúc với máu bị nhiễm bẩn, sử dụng chung kim tiêm, hoặc khi xăm mình. Nhiều người mắc viêm gan C không có triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ gặp các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm virus viêm gan C có thể phát triển thành xơ gan. 


Viêm gan C ít có nguy cơ bị xơ gan hơn.
Viêm gan C ít có nguy cơ bị xơ gan hơn.

1.4. Viêm gan D

Viêm gan D chỉ xảy ra ở những người đã bị nhiễm viêm gan B và thường làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Viêm gan D có thể lây truyền từ mẹ sang con hoặc qua đường tình dục.

1.5. Viêm gan E

Viêm gan E chủ yếu lây lan ở châu Á, Mexico, Ấn Độ và châu Phi. Trường hợp xuất hiện ở Mỹ thường là những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh này bùng phát. Tương tự như viêm gan A, viêm gan E có thể lây nhiễm qua việc ăn thực phẩm hoặc uống nước bị nhiễm virus.

2. Nguyên nhân gây viêm gan mãn tính và cấp tính

2.1. Nguyên nhân gây viêm gan A

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm gan A bao gồm:

  • Tiếp xúc trực tiếp với những người bị viêm gan A.
  • Du lịch đến các quốc gia có tỷ lệ nhiễm viêm gan A cao.
  • Tiếp xúc gần gũi với người đã từng đến các quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh cao.
  • Quan hệ tình dục đồng giới.
  • Sử dụng chất gây nghiện.
  • Mắc các rối loạn yếu tố đông máu.
  • Làm việc với các loài linh trưởng.

2.2. Nguyên nhân gây viêm gan B

Các nhóm sau đây nên xét nghiệm virus viêm gan B:

  • Những người sinh ra ở các khu vực có HBV là đặc hữu.
  • Người có quan hệ tình dục đồng giới.
  • Người sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch, bao gồm cả người đang sử dụng và người đã từng sử dụng.
  • Những người mắc bệnh thận mãn tính.
  • Người nhiễm HIV.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Thành viên gia đình và bạn tình của những người nhiễm HBV, kể cả những người chỉ quan hệ tình dục một lần.
  • Người có quan hệ tình dục với nhiều người khác nhau trong vòng 6 tháng.
  • Những người sử dụng các loại thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
  • Người bị viêm gan C.
  • Trẻ em sinh ra từ những bà mẹ có nhiễm HBV.

2.3. Nguyên nhân viêm gan C

Theo khuyến cáo của CDC, người có có xuất hiện các yếu tố sau nên làm xét nghiệm máu để kiểm tra viêm gan C:

  • Người đã nhận truyền máu hoặc ghép tạng trước tháng 7 năm 1972.
  • Người đã nhận máu hoặc ghép tạng nhưng sau đó người hiến tặng được chẩn đoán dương tính với bệnh này.
  • Đã từng tiêm thuốc, kể cả khi chỉ tiêm một lần vào nhiều năm trước.
  • Đã nhận sản phẩm máu để điều trị rối loạn đông máu trước năm 1987.
  • Người được sinh ra trong khoảng từ năm 1945 đến năm 1965.
  • Người trải qua quá trình lọc thận lâu dài.
  • Người có triệu chứng của viêm gan.
  • Người nhiễm HIV.
  • Người đã từng tiếp xúc với HCV.
  • Người được xét nghiệm máu có chức năng phát hiện tăng men gan ALT kéo dài gọi là ALT ( nồng độ alanine aminotransferase).
  • Trẻ sinh ra từ mẹ dương tính với HCV.

3. Triệu chứng của viêm gan

Giai đoạn đầu của viêm gan thường khó nhận biết bệnh vì không có triệu chứng rõ ràng hoặc bệnh có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng của cúm. Các triệu chứng thường gặp nhất của viêm gan bao gồm:

  • Chán ăn.
  • Mệt mỏi.
  • Sốt nhẹ.
  • Đau cơ hoặc khớp.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Đau bụng.

Ngoài các triệu chứng thường gặp, một số người mắc viêm gan còn gặp các vấn đề khác như:

  • Nước tiểu đậm màu.
  • Phân màu sáng.
  • Vàng da.
  • Ngứa.
  • Choáng váng hoặc hôn mê.

Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của viêm gan mãn tính hoặc cấp tính, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ ngay lập tức bởi vì nếu không được điều trị, có nguy cơ cao dẫn đến xơ gan, một tổn thương gan nghiêm trọng. Nếu có người thân hoặc bạn bè mắc bệnh, bệnh nhân cũng nên kiểm tra sức khỏe vì khả năng cao bệnh nhân cũng có thể nhiễm bệnh.

Hãy đặc biệt cảnh giác với các triệu chứng của viêm gan mãn tính hoặc cấp tính nếu bệnh nhân đã từng đi du lịch đến các khu vực phổ biến căn bệnh này. Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu nghi ngờ mình bị mắc bệnh. 


Vàng da là triệu chứng điển hình của viêm gan.
Vàng da là triệu chứng điển hình của viêm gan.

4. Chẩn đoán và điều trị viêm gan mãn tính

4.1 Chẩn đoán

Nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc dấu hiệu của virus viêm gan, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm máu để kiểm tra kháng thể.  

Trường hợp bị viêm gan B hoặc C cần thực hiện thêm các xét nghiệm máu. Điều này là cần thiết bởi vì ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất, việc theo dõi các biến chứng và xác định bệnh nhân có bị chuyển từ giai đoạn cấp tính (nhiễm bệnh trong vòng sáu tháng) sang viêm gan mãn tính (virus tồn tại hơn sáu tháng) hay không là rất quan trọng.  

Đa số người mắc viêm gan không hề nhận thấy triệu chứng nào hoặc các triệu chứng không rõ ràng, vì vậy viêm gan virus thường được mô tả như một "căn bệnh thầm lặng”.

Bác sĩ có thể yêu cầu làm sinh thiết gan để xác định mức độ tổn thương gan. Quá trình này được thực hiện bằng cách đưa một cây kim vào gan để lấy mẫu mô, sau đó mẫu này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

4.2 Điều trị

Phương pháp điều trị viêm gan virus phụ thuộc vào loại virus gây bệnh và giai đoạn của nhiễm trùng. Trong những năm gần đây, các phương pháp điều trị cho cả viêm gan B và C đã được phát triển. Nhiều phương pháp điều trị mới vẫn đang được nghiên cứu.  

Nếu mắc phải viêm gan mãn tính, bệnh nhân cần được điều trị bởi một bác sĩ chuyên khoa gan hoặc tiêu hóa, những người chuyên về các vấn đề liên quan đến gan. Không cần thiết phải nhập viện trừ khi bệnh nhân gặp khó khăn trong việc ăn uống hoặc bị nôn mửa không kiểm soát được.

Viêm gan A không cần quá nhiều biện pháp điều trị và gan có khả năng tự phục hồi trong khoảng 2 tháng. Hiện nay, đã có vắc-xin ngăn ngừa viêm gan A và một khi bệnh nhân đã mắc bệnh thì sẽ không bị nhiễm lại.

Viêm gan B và C có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc. Phương pháp điều trị tiêu chuẩn gần đây cho viêm gan C mạn tính bao gồm liệu trình peginterferon kết hợp với ribavirin cho những người mang kiểu gen 2, 3 và peginterferon kết hợp với ribavirin cùng thuốc ức chế protease cho những người mang kiểu gen 1. Những phương pháp này có hiệu quả từ 50% đến 80% đối với những người bị nhiễm viêm gan C, tuy nhiên, tác dụng phụ có thể gây khó chịu cho nhiều người.

Hiện nay, điều trị viêm gan C chủ yếu dựa vào các loại thuốc chống virus tác dụng trực tiếp (DAA). Các loại thuốc này hiệu quả cao cho đa số người bị viêm gan C và thường không sử dụng interferon hoặc ribavirin. Điều này có nghĩa là chúng có ít tác dụng phụ hơn so với các phương pháp điều trị trước đây. Phương pháp điều trị bằng DAA thường đơn giản hơn, sử dụng ít thuốc hơn và trong thời gian ngắn hơn.

DAA có sẵn dưới dạng thuốc đơn hoặc kết hợp với các loại thuốc khác trong cùng một viên thuốc. Ví dụ điển hình bao gồm:  

  • Elbasvir-Grazoprevir (Zepatier).
  • Ledipasvir-Sofosbuvir (Harvoni).
  • Sofosbuvir-Velpatasvir (Epclusa).
  • Một lần dùng thuốc kết hợp hàng ngày.  

Tùy thuộc vào loại nhiễm trùng viêm gan C, bệnh nhân có thể được chữa khỏi trong khoảng thời gian từ 8 đến 12 tuần.

Nếu đang mang thai, bác sĩ sẽ kiểm tra xem người mẹ có bị viêm gan B hay không. Nếu nhiễm virus, em bé sẽ được tiêm globulin miễn dịch và vắc-xin viêm gan B ngay sau khi sinh để giúp bảo vệ bé một cách tốt nhất. Hơn nữa, các bà mẹ có HBV hoạt động nên được điều trị bằng thuốc kháng virus trong ba tháng đầu của thai kỳ để giảm nguy cơ truyền virus cho em bé.

Viêm gan E rất nguy hiểm cho phụ nữ trong ba tháng cuối thai kỳ và có thể gây tử vong. Nếu người mẹ bị viêm gan B, em bé cũng có nguy cơ cao mắc bệnh khi sinh ra.

Nếu bị viêm gan ở giai đoạn viêm gan cấp tính (xảy ra trong vòng sáu tháng qua), dù bệnh do virus hay không, bệnh nhân không nên sử dụng đồ uống có cồn để tránh tình trạng gan làm việc quá tải, làm tổn thương gan nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm viêm gan B do quan hệ tình dục cũng rất là cao. Trong khi đó, viêm gan C khó lây qua quan hệ tình dục hơn, trừ khi có tiếp xúc với máu của người bệnh. Hầu hết người lớn sẽ hồi phục hoàn toàn sau khi mắc viêm gan A và B cấp tính trong vòng sáu tháng.

5. Các biện pháp phòng ngừa viêm gan mãn tính

Nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm gan mãn tính, mọi người nên tự bảo vệ bản thân bằng các biện pháp phòng ngừa sau:  

  • Tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan A và B.
  • Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
  • Tránh sử dụng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng và dao cạo râu.
  • Hạn chế tiêu thụ, lạm dụng rượu bia để tránh dẫn đến viêm gan mãn tính.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống cân bằng, nghỉ ngơi và tập luyện thường xuyên.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm. 
Duy trì chế độ ăn lành mạnh để phòng ngừa mắc viêm gan mãn tính hoặc cấp tính.
Duy trì chế độ ăn lành mạnh để phòng ngừa mắc viêm gan mãn tính hoặc cấp tính.

Các bệnh viêm gan cấp tính và viêm gan mãn tính có thể gây biến chứng nặng nề, nhưng do triệu chứng không rõ ràng nên nhiều người không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh. Chuyên gia y tế khuyến cáo rằng những người có tiền sử gia đình mắc bệnh viêm gan hoặc những người thường xuyên tiêu thụ rượu bia và các đồ uống có cồn nên thực hiện kiểm tra sức khỏe gan định kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe