Cắt u máu, u bạch huyết đường kính dưới 5 cm

U mạch máu và u bạch huyết đều là khối u lành tính không gây ung thư thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ. Các khối u thường xuất hiện trên da ở các vị trí phổ biến như mặt, đầu, cổ... Chúng có thể gây ra các tổn thương cho các cơ quan xung quanh. Vì thế, chúng sẽ được đề nghị phẫu thuật cắt bỏ để tránh làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của cơ thể cũng như những ảnh hưởng không cần thiết liên quan đến cuộc sống hàng ngày.

1. Cắt u mạch máu đường kính dưới 5cm

1.1. U mạch máu

U máu là một tập hợp các mạch máu thừa và thường là một trong những vấn đề về da hay gặp ở trẻ em dưới 1 tuổi. Thông thường u máu sẽ không xuất hiện ngay lúc mới sinh mà có thể hai tháng sau sinh mới có. Đối với những trẻ bị vào thời điểm này gọi là u máu trẻ sơ sinh. U máu thường không gây đau đớn trừ khi vị trí xuất hiện u bị lở loét.

Nếu chỗ u máu ở trẻ có màu đỏ thì đó là u ở lớp da ngoài cùng. Còn nếu có màu xanh có nghĩa là u nằm sâu hoặc nằm dưới da. Nhiều trẻ em có thể có hai dạng cùng một lúc gọi là u máu hỗn hợp. U mạch máu có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể.

U máu ở trẻ sơ sinh có thể phát triển trong vài tháng và hiếm khi tiếp tục phát triển sau một tuổi. Sau đó u mạch máu sẽ bắt đầu giai đoạn dần dần biến mất (thoái triển). Giai đoạn này có thể diễn ra từ 3-12 năm. Có khoảng 50% u máu biến mất khi trẻ tròn 5 tuổi và 70% biến mất hoàn toàn khi trẻ tròn 7 tuổi. Mặc dù các u máu hầu hết sẽ dần dần mất đi nhưng vùng da đó có thể không hoàn toàn bình thường trở lại. Các di chứng có thể để lại là những vùng da bị đỏ, thay đổi kết cấu, có khối mỡ thừa hoặc những u máu dạng lồi thường sẽ để lại thẹo trên cơ thể.


U máu có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể trẻ
U máu có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể trẻ

Ngoài ra, kèm theo u mạch máu sẽ có những tình trạng như chảy máu và các vết lở.

  • Chảy máu: Nếu vùng da phía trên u máu chẳng may bị thương thì có thể chảy máu. Có thể ấn vào vết thương 5-10 phút sẽ làm cho máu ngưng chảy. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp máu chảy nhiều (trường hợp rất hiếm), cần phải đưa trẻ đi cấp cứu ngay .
  • Vết lở: Nếu ở vùng da bị u máu có chất màu nâu hay vàng và gây đau cho trẻ thì vị trí này đã bị lở loét. Vết lở này sẽ để lại thẹo đồng thời phải được điều trị kịp thời.

1.2. Cắt u mạch máu

Mặc dù một số trường hợp u máu không cần điều trị, nhưng các trường hợp u máu khác có thể gây ra vấn đề về thị lực, khả năng thở, khả năng ăn uống hoặc cơ thể biến dạng thì cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Với trẻ sơ sinh bị nhiều u mạch máu (đa u máu) ngoài quy trình phẫu thuật cắt bỏ u, trẻ nên được kiểm tra nội tạng xem có bị tổn thương không hoặc các vấn đề khác như suy tuyến giáp hay không.

2. Cắt u bạch huyết đường kính dưới 5cm

2.1. U bạch huyết

U bạch huyết là dị tật hệ thống bạch huyết. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và ở mọi vị trí trên cơ thể. Tuy nhiên, có 90% trường hợp là xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi và hay gặp ở vùng đầu, cổ. U bạch huyết có thể là do bẩn sinh và được chẩn đoán trước sinh trong thời kỳ bào thai thông qua siêu âm. Còn u bạch huyết tự mắc thường xuất hiện sau sang chấn, viêm hoặc tắc nghẽn bạch huyết.


U bạch huyết thường xuất hiện ở vùng đầu, cổ
U bạch huyết thường xuất hiện ở vùng đầu, cổ

Mức độ của bệnh u bạch huyết thường tùy thuộc vào kích thước và độ sâu của các mạch bạch huyết. U bạch huyết dạng hang thường thấy ở trẻ mới sinh (thỉnh thoảng gặp ở lứa tuổi lớn hơn). Tổn thương này thường nằm sâu dưới da và tạo một khối lồi nhô lên trên bề mặt da, hay gặp ở vùng cổ, lưỡi môi có kích thước từ vài milimet đến dưới 5 centimet (đây là các u bạch huyết dạng nang và mỗi khối u có thể có một hoặc nhiều nang). Các tổn thương do u bạch huyết gây nên thường không gây đau hoặc đau nhẹ.

2.2. Cắt u bạch huyết

Bệnh u bạch huyết sẽ được chẩn đoán dựa vào thăm khám lâm sàng, siêu âm và xét nghiệm tế bào dịch chọc hút tổn thương u. Bệnh có thể gây ra một số biến chứng như chảy máu, viêm mô tế bào tái phát và rò rỉ dịch bạch huyết. Nên trong trường hợp u bạch huyết ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như gây tổn thương ở các cơ quan quan trọng (ví dụ như suy hô hấp do khối u chèn ép đường hô hấp) hoặc có thể gây ra biến chứng thì sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ u bạch huyết.

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ u bạch huyết dạng nang có thể gặp một số biến chứng do tổn thương cấu trúc cơ quan vùng cổ, nhiễm trùng và tái phát. Do đó, quá trình tiến hành phẫu thuật phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, kiểm tra cẩn thận kỹ lưỡng để giảm các khả năng biến chứng xảy ra.

video đề xuất:

Tầm soát thai nhi - Bé khỏe chào đời

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe