Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Hiện nay tỷ lệ mắc sỏi đường tiết niệu chiếm khoảng 2-12% dân số, Việt Nam nằm trong khu vực các nước có tỷ lệ mắc sỏi cao. Sỏi đường tiết niệu có nhiều loại khác nhau mỗi loại sỏi có cách điều trị và cách đối phó khác nhau.
1. Phân loại sỏi đường tiết niệu
Có nhiều cách phân loại sỏi, dưới đây trình bày 2 cách phân loại sỏi thường được ứng dụng trong lâm sàng.
1.1 Phân loại dựa vào đặc điểm và tính chất của sỏi
Cách phân loại sỏi này quan trọng được ứng dụng trong điều trị, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Phân loại theo vị trí sỏi:
- Sỏi thận: Gồm sỏi bể thận, sỏi đài bể thận, sỏi đài thận, sỏi san hô và sỏi bán san hô.
- Sỏi niệu quản: Chia nhỏ thành sỏi 1⁄3 trên, 1⁄3 giữa và 1⁄3 dưới.
- Sỏi bàng quang
- Sỏi niệu đạo
1.2 Phân loại dựa vào thần phần hóa học của sỏi
Gồm 2 loại sỏi là sỏi vô cơ và sỏi hữu cơ
Sỏi vô cơ
- Sỏi oxalat canxi: Là loại sỏi chủ yếu, hay gặp ở Việt Nam chiếm > 80%
- Sỏi phosphat canxi: Có màu vàng nhạt hoặc trắng bẩn và dễ vỡ
- Sỏi cacbonat canxi: Màu trắng như sữa, dễ vỡ.
Sỏi hữu cơ
- Sỏi urat: Thường gặp trên những người có tăng acid uric máu, người bệnh gout.
- Sỏi systin: Nhẵn màu vàng nhạt, hay tái phát
- Sỏi struvite: Màu vàng trắng, thường do nhiễm khuẩn đường tiết niệu
2. Triệu chứng sỏi đường tiết niệu
- Đau vùng hố thắt lưng mạn tính: Đau cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng một hoặc hai bên, đau tăng khi vận động.
- Đau cấp tính: Điển hình là cơn đau quặn thận, đau xuất hiện đột ngột sau lao động, đau từ thắt lưng lan xuống vùng bẹn và bộ phận sinh dục, đau dữ dội không có tư thế chống đau. Nguyên nhân do sỏi thận rơi xuống niệu quản gây sỏi niệu quản.
- Đái máu: Có thể người bệnh tiểu ra nước có màu đỏ nhạt như nước rửa thịt.
- Đái ra sỏi: Ít gặp nhưng có giá trị chẩn đoán.
- Đái ra mủ: Nước tiểu đục, gặp trên những bệnh nhân có ứ mủ bể thận.
- Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu do sỏi gây ứ nước có các triệu chứng: Sốt cao rét run, đái buốt, đái rắt, nhức đầu, nôn và buồn nôn.
Triệu chứng sỏi bàng quang: Thường do sỏi niệu đạo rơi xuống.
- Triệu chứng nổi bật là đái ngắt ngừng: Bệnh nhân đang đi tiểu đột nhiên tia tiểu tắc lại và đau.
- Đái rắt
- Đái buốt và đái máu ở cuối bãi.
Triệu chứng sỏi niệu đạo
- Đái khó, có thể bệnh nhân bị bí đái cấp tính.
- Đái rắt
- Đái buốt ở đầu bãi
3. Điều trị sỏi đường tiết niệu
Điều trị tùy vào vị trí và kích thước của sỏi chọn phương pháp điều trị phù hợp.
3.1. Điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản
Điều trị nội khoa trong trường hợp:
- Kích thước sỏi nhỏ hơn 5mm
- Chức năng thận còn tốt, lưu thông niệu quản tốt
- Sỏi chưa gây biến chứng, toàn thân không quá yếu, không có bệnh mạn tính
- Điều trị: Dùng thuốc giãn cơ trơn, tăng cường vận động, uống nhiều nước
Điều trị nội khoa khi có biến chứng
- Trường hợp sỏi to, gây ảnh hưởng chức năng thận
- Tình trạng người bệnh yếu.
- Không sử dụng phương pháp phẫu thuật được
- Điều trị: kháng sinh, giảm đau chống viêm, giãn cơ.
Điều trị Phẫu thuật mổ hở: trên thế giới hiện nay ít áp dụng, tuy nhiên ở Việt Nam do thường đến muộn tình trạng nặng nên vẫn thường được áp dụng.
- Khi có nhiều sỏi san hô
- Xảy ra tai biến ở phương pháp tán sỏi
- Sỏi kèm hẹp đường tiết niệu
- Các phương pháp điều trị bao gồm: Mở bể thận, mở niệu quản lấy sỏi, dẫn lưu thận khi ứ mủ, cắt thận khi thận không còn chức năng.
Điều trị các phương pháp ít sang chấn: Là phương pháp hiệu quả được áp dụng rộng rãi trên thế giới bao gồm các phương pháp:
- Tán sỏi ngoài cơ thể: Áp dụng khi sỏi thận hay sỏi niệu quản < 2cm, chức năng thận còn tốt, lưu thông bể thận niệu quản bình thường, không có bệnh lý ở thận như u thận...
- Tán sỏi qua nội soi niệu quản với nguồn tán sỏi Laser: Áp dụng khi sỏi < 2 cm, chức năng thận còn tốt.
- Lấy sỏi qua da: Là sỏi san hô, sỏi thận hay sỏi 1⁄3 trên niệu quản có kèm dị dạng đường tiết niệu.
- Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi: Với những loại sỏi kích thước to > 1cm, hay điều trị bằng các phương pháp trên thất bại.
3.2 Điều trị sỏi bàng quang
- Điều trị nội khoa: Sỏi nhỏ, mới từ niệu quản rơi xuống, sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau chống viêm, giãn cơ.
- Điều trị bằng phương pháp ít xâm lấn
Lấy sỏi qua nội soi: Khi sỏi nhỏ< 3cm, không đái ra sỏi được
- Điều trị phẫu thuật: Chỉ định khi sỏi to > 3cm, sỏi bàng quang kèm các bệnh gây hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt...
3.3 Điều trị sỏi niệu đạo
Căn cứ vào vị trí sỏi để có phương pháp điều trị phù hợp
- Sỏi ở niệu đạo trước: Gắp sỏi niệu đạo qua miệng sáo
- Sỏi ở niệu đạo sau đẩy ngược vào bàng quang và điều trị như sỏi bàng quang
- Phẫu thuật áp dụng khi: Sỏi kẹt ở niệu đạo không gắp và không đẩy được vào bàng quang, sỏi ở túi thừa bàng quang hay có hẹp niệu đạo.
4. Cách đối phó với các loại sỏi đường tiết niệu
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Với sỏi oxalat canxi: Kiểm soát lượng canxi tiêu thụ < 900mg mỗi ngày, cung cấp đủ vitamin D
- Đối với sỏi acid uric: Sỏi urat sẽ tan trong môi trường kiềm, nên người mắc sỏi urat cần hạn chế các thức ăn gây acid nước tiểu như thịt, cá, trứng... tăng sử dụng các thực phẩm gây kiềm hóa nước tiểu như nước uống có nhiều bicarbonat, rau xanh, khoai tây, các loại quả.
- Thường xuyên tập thể dục, thể thao tránh việc lắng đọng gây sỏi.
Sỏi đường tiết niệu gây nhiều biến chứng ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của thận, nên chủ động phòng tránh sỏi và kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm sỏi để có biện pháp điều trị tránh để quá muộn gây biến chứng nặng nề.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.