Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp và Gây mê.
Sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến, chiếm gần một nửa trong số các bệnh tiết niệu. Bệnh có khả năng gây ra nhiều biến chứng nặng nề như ứ nước, ứ mủ, suy thận, nhiễm trùng, thậm chí tử vong và rất hay tái phát. Đau do sỏi tiết niệu là triệu chứng đầu tiên mà người bệnh cảm nhận được. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận diện những cơn đau do sỏi tiết niệu gây ra.
Tùy vị trí và kích thước của sỏi mà tính chất đau cũng khác nhau. Chủ yếu có các dạng đau do sỏi tiết niệu như sau:
1. Đau vùng thắt lưng nhiều ngày (Cơn đau quặn thận không điển hình)
Sỏi thận, sỏi niệu quản xuất hiện ở vị trí nằm giữa xương sườn 12 và cột sống, gây ra những cơn đau dai dẳng.
Đặc điểm: Đau âm ỉ, căng tức vùng hố thận hay vùng mạn sườn thắt lưng. Những cơn đau có xu hướng tăng lên sau các đợt vận động gắng sức. Có thể kèm theo các rối loạn tiểu tiện: Đái buốt, rắt, đái máu,... Nguyên nhân gây đau là do sỏi làm cản trở sự lưu thông nước tiểu của thận, niệu quản.
2. Đau đột ngột, dữ dội vùng thắt lưng, mạn sườn (Cơn đau quặn thận điển hình)
- Đặc điểm: Cơn đau quặn thận bắt đầu ở vùng mạn sườn thắt lưng, có xu hướng lan ra trước và xuống dưới vùng bẹn, cơ quan sinh dục cùng bên. Cơn đau thường kéo dài vài phút và sẽ đỡ dần nếu dùng thuốc giảm đau, giãn cơ hoặc nghỉ ngơi. Điểm khởi phát của cơn đau vùng mạn sườn thắt lưng là ở vùng nằm giữa xương sườn 12 và cột sống. Cơn đau do bệnh liên quan đến thận có vị trí cao hơn so với cơn đau do bệnh niệu quản. Cơn đau lan truyền ra trước và xuống dưới, đau do sỏi niệu quản có thể lan xuống dưới nhiều hơn cơn đau quặn thận.
- Những cơn đau thường xuất hiện đột ngột, có thể là tiền đề để chẩn đoán nguyên nhân gây sỏi đường tiết niệu.
- Hầu hết, những cơn đau quặn thận thường đi kèm với rối loạn hệ tiết niệu như đái máu, đái đục hoặc đái rắt, đái buốt và đi kèm với các rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, chướng bụng. Nguyên nhân là do sự kích thích hệ thần kinh thực vật, cụ thể là đài bể thận và 1/3 phía trên niệu quản, các cơ quan tiêu hóa như dạ dày, đại tràng, tiểu tràng, gan, tụy, lá lách cùng hệ giao cảm ngực (D5 - D12) chỉ huy. Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa này đôi khi sẽ làm ảnh hưởng đến việc chẩn đoán chính xác.
- Cơn đau quặn thận xảy ra do tăng áp lực đột ngột trong hệ thống đài bể thận, nhu mô thận bị ép đột ngột, bao thận căng đột ngột. Từ đó kích thích cấp tính thần kinh giao cảm có rất nhiều vùng vỏ thận gây cơn đau.
3. Đau ở vùng hạ vị (vùng bụng dưới, bàng quang)
- Đau cấp tính: Ít gặp, nếu gặp thì chủ yếu là trong trường hợp bí đái cấp, cầu bàng quang căng to do sỏi niệu đạo gây ra.
- Đau mãn tính: Đau mãn tính vùng bàng quang thường liên quan đến rối loạn tiểu tiện như đái rắt, đái buốt.
Trong trường hợp không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ gây ra biến chứng viêm bàng quang bởi sỏi to sẽ làm tổn thương niêm mạc bàng quang. Khi co bóp, sỏi cọ xát nhiều lần vào niêm mạc gây viêm, loét và nhiễm khuẩn, thậm chí chảy máu.Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể để có thể đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, khi bị sỏi, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa, có uy tín với trang thiết bị đầy đủ để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm, tránh trường hợp để bệnh quá nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.