Các loại liệt và những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Liệt là tình trạng mất chức năng và mất kiểm soát một hoặc một nhóm cơ của cơ thể. Tình trạng liệt có thể xuất hiện ở một phần hoặc toàn bộ cơ thể trong trạng thái tạm thời hoặc vĩnh viễn. Liệt ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, vì thế cần có những hiểu biết nhất định về vấn đề này.

1. Các loại liệt thường gặp

Liệt (liệt vận động) là tình trạng mất chức năng hoạt động của một hay nhiều cơ trên cơ thể mà nguyên nhân chủ yếu là do những tổn thương ở não bộ. Liệt có thể xuất hiện tạm thời hoặc vĩnh viễn làm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của cơ thể như lưu thông máu, hô hấp, nói, nhai nuốt, tình dục và kiểm soát đại tiểu tiện... tùy theo vị trí và mức độ liệt.

Các kiểu liệt có thể được phân thành 4 loại như sau:

  • Liệt một chi: Là tình trạng liệt chỉ xảy ra ở một bộ phận duy nhất trong cơ thể thường là tay hoặc chân. Liệt một chi có thể xảy ra tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nguyên nhân chủ yếu của liệt một chi thường là bại não khi dây thần kinh bị tổn thương hoặc chèn ép quá mức ở một vị trí cụ thể. Monoplegia cũng có thể xảy ra sau đột quỵ, ung thư và một số bệnh khác. Trong một số trường hợp, tình trạng liệt sẽ giảm đi khi cơ thể bệnh nhân dần hồi phục.
  • Liệt nửa người: Loại liệt này còn được gọi là chứng bán thân bất toại. Đây là một dạng liệt ảnh hưởng đến các cơ ở một bên của cơ thể. Liệt nửa người thường do những tổn thương ở não bộ như chấn thương sọ não, thiếu máu một bên não hay những bệnh lý bẩm sinh như bại não... hoặc do các tổn thương cột sống. Điều trị liệt nửa người thường dựa vào các nguyên nhân gây liệt, các phương pháp có thể áp dụng rất đa dạng từ vật lý trị liệu đến phẫu thuật.

Liệt nửa người là một dạng liệt ảnh hưởng đến các cơ ở một bên của cơ thể
Liệt nửa người là một dạng liệt ảnh hưởng đến các cơ ở một bên của cơ thể
  • Liệt chi dưới: Là tình trạng liệt các cơ tính từ thắt lưng trở xuống của cơ thể. Paraplegia cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác như ruột và bàng quang. Đây là hội chứng liệt hiếm gặp và nghiêm trọng nhất. Nguyên nhân chủ yếu của liệt chi dưới là các tổn thương tủy sống tại vùng dưới thắt lưng do nhiễm trùng, tai nạn.... Ngoài ra, đột quỵ hoặc các khối u não cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến liệt chi dưới.
  • Liệt tứ chi: Là tình trạng liệt cả 4 chi và các vùng cơ thuộc phần thân của cơ thể tính từ cổ trở xuống. Trong trường hợp liệt do đột quỵ các cơ có thể dần hồi phục nếu người bệnh áp dụng các phương pháp phục hồi chức năng hợp lý. Tuy nhiên trong hầu hết trường hợp liệt tứ chi là liệt vĩnh viễn.

Chấn thương tủy sống do tai nạn là nguyên nhân chính dẫn tới liệt tứ chi. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác có thể liệt kê ra như: chấn thương sọ não, khối u não, khối u cột sống...

Một cách phân loại khác là dựa vào mức độ liệt, bao gồm:

  • Liệt hoàn toàn: Là tình trạng mất kiểm soát hoàn toàn các cơ bị liệt. Người bệnh gần như sẽ không cảm thấy sự tồn tại của các cơ đó.
  • Liệt một phần hay liệt không hoàn toàn: Người bệnh vẫn có cảm giác và có thể kiểm soát được vận động của các cơ bị liệt.

Chấn thương tủy sống là nguyên nhân gây liệt
Chấn thương tủy sống là nguyên nhân gây liệt

2. Những điều cần biết về bệnh liệt

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng liệt, nhưng thường gặp nhất là đột quỵ. Các tế bào não tổn thương sau đột quỵ có thể ảnh hưởng đến các cơ dẫn đến liệt một bộ phận nào đó hoặc thậm chí liệt một bên cơ thể. Liệt sau đột quỵ hoàn toàn có thể được cải thiện bằng các phương pháp phục hồi chức năng hợp lý giúp cơ bị liệt dần lấy lại được hoạt động bình thường

Ngoài ra, liệt cũng có thể xảy ra do một số bệnh cụ thể như:

  • Bệnh suy giảm myelin: Myelin là lớp vỏ bảo vệ tế bào thần kinh, khi lớp vỏ này bị hư hại, các tế bào thần kinh sẽ gặp khó khăn trong việc gửi và nhận tín hiệu từ đó dẫn tới làm suy yếu các cơ và cuối cùng gây liệt. Có nhiều bệnh liên quan đến suy giảm myelin trong đó phổ biến nhất là đa xơ cứng.
  • Bệnh thần kinh vận động: Tế bào thần kinh vận động có chức năng điều khiển hoạt động của các cơ bắp. Chúng gồm 2 loại: Tế bào thần kinh vận động trên, đảm nhiệm việc gửi tín hiệu từ não đến tủy sống và tế bào thần kinh vận động dưới có nhiệm vụ nhận tín hiệu từ tủy sống và gửi đến các cơ bắp để điều khiển hoạt động của cơ thế. Một số bệnh có thể khiến các tế bào này mất hoặc giảm khả năng của chúng như:

+ Các bệnh thần kinh vận động trên ví dụ xơ cứng bì nguyên phát ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh vận động trên gây co cứng cơ bắp, lâu dần dẫn đến liệt.

+ Các bệnh thần kinh vận động dưới ví dụ teo cơ cột sống ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh vận động dưới khiến các cơ bắp trở lên mềm và yếu, đôi khi xuất hiện co giật không kiểm soát được.


Teo cơ cột sống khiến tình trạng liệt xảy ra
Teo cơ cột sống khiến tình trạng liệt xảy ra

Bệnh thần kinh vận động phổ biến nhất là xơ cứng teo cơ một bên (ALS hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig). Bệnh ảnh hưởng đến cả tế bào thần kinh vận động trên và dưới. Những người mắc ALS thường chỉ có thể sống thêm từ 2-4 năm, chỉ một số rất nhỏ sống được trên 10 năm. Hầu hết các ca bệnh tử vong do suy hô hấp khi cơ hô hấp ngừng hoạt động.

  • Bệnh liệt chu kỳ: Xảy ra khi có những biến đổi gen. Người bệnh sẽ gặp những cơn liệt khi tiếp xúc với một loại chất nào đó có trong thực phẩm.
  • Bóng đè: Bóng đè tên khoa học là sleep paralysis (chứng liệt toàn thân khi ngủ) xảy ra khi cơ thể ở chuyển tiếp giữa giai đoạn thức và ngủ. Bạn sẽ có cảm giác không thể cử động bất kỳ bộ phận nào dù cơ thể vẫn tỉnh táo. Hiện tượng này thường gặp ở những người suy nhược cơ thể, mệt mỏi kéo dài, ngủ không đủ giấc hay thường xuyên lo lắng quá mức.
  • Một số loại virus có thể là tác nhân dẫn đến bệnh liệt dây thần kinh mặt khiến một bên mặt có dấu hiệu xệ xuống. Đây được coi là tình trạng liệt nhẹ và thường giảm trong vài tuần hoặc vài tháng.
  • Liệt do bọ ve: Một số loại bọ ve chứa độc tố thần kinh trong tuyến nước bọt có thể gây liệt nếu bị chúng đốt. Tình trạng liệt sẽ mất khi lượng độc tố bị loại bỏ. Bọ ve đôi khi còn mang mầm bệnh Lyme – bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây liệt mặt hoặc chân, tay.
  • Bệnh loạn dưỡng cơ: Là sự biến đổi gen gây ảnh hưởng đến tổng hợp một số loại protein cần thiết trong việc hình thành các cơ bắp. Lâu dần sẽ khiến cơ bắp yếu đi và cuối cùng là liệt.

Suy nhược cơ thể là nguyên nhân gây ra tình trạng bóng đè
Suy nhược cơ thể là nguyên nhân gây ra tình trạng bóng đè

Liệt là tình trạng mất chức năng của cơ ở một số nhóm cơ thuộc các bộ phận của cơ thể. Liệt có thể xảy ra tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tùy theo mức độ, liệt mang lại những gánh nặng cho cuộc sống của người bệnh, khiến họ mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân hàng ngày, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Liệt sau tai biến mạch máu não có thể được cải thiện bằng các bài tập hỗ trợ phục hồi chức năng với điều kiện người bệnh phải nỗ lực, kiên trì mới có thể đạt được hiệu quả tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, sciprogress.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe