Các loại hậu môn nhân tạo thường được sử dụng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại Tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phải làm hậu môn nhân tạo nhằm đưa phân và khí thoát ra khỏi cơ thể mà không đi qua trực tràng. Bệnh nhân ung thư đại tràng, trực tràng ở các giai đoạn tiến triển và/hoặc có biến chứng cần phải mở hậu môn nhân tạo.

1. Tìm hiểu về hậu môn nhân tạo

Mở hậu môn nhân tạo là một trong những cuộc phẫu thuật lớn nhằm tạo ra một con đường dẫn chất thải từ đại tràng ra ngoài thành bụng thoát khỏi cơ thể mà không cần đi qua trực tràng. Việc này được thực hiện chủ động trên cơ thể với mục đích vĩnh viễn hoặc tạm thời chờ sự hồi phục của đại tràng.

Mở hậu môn nhân tạo trong các trường hợp:

Bệnh nhân ung thư đại tràng, trực tràng ở các giai đoạn tiến triển và/hoặc có biến chứng cần phải mở hậu môn nhân tạo.

Một số trường hợp khác, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo nếu:

  • Tắc ruột, hoại tử ruột do các nguyên nhân
  • Khối u phần thấp của trực tràng
  • Vỡ đại tràng gây nhiễm trùng ổ bụng nặng

Mở hậu môn nhân tạo là một trong những cuộc phẫu thuật lớn
Mở hậu môn nhân tạo là một trong những cuộc phẫu thuật lớn

2. Có mấy loại hậu môn nhân tạo?

Vị trí làm hậu môn nhân tạo phải đạt được các yêu cầu sau:

  • Ở phần thành bụng phẳng (để dễ gắn túi chứa phân)
  • Nằm trên vị trí thắt lưng
  • Người bệnh dễ quan sát và tự chăm sóc

Kiểu hậu môn nhân tạo được đặt tên theo vị trí giải phẫu của đại tràng

Hậu môn nhân tạo đại tràng sigma: Đây là loại phổ biến nhất. Nằm gần cuối của đại tràng, ngay trước trực tràng. Khi làm hậu môn nhân tạo đại tràng sigma sẽ cho phân cứng hơn và phù hợp sinh lý tương tự như phân bình thường.

Hậu môn nhân tạo đại tràng ngang: Đại tràng ngang nằm ngang phía trên vùng thượng vị. Do phần đại tràng này hấp thu nước ít hơn đoạn thấp của đại tràng nên phân ở đại tràng ngang thường mềm hơn. Có 3 kiểu mở hậu môn nhân tạo thường gặp ở đại tràng ngang.


Vị trí làm hậu môn nhân tạo phải đạt được các yêu cầu nhất định
Vị trí làm hậu môn nhân tạo phải đạt được các yêu cầu nhất định

  • Hậu môn nhân tạo kiểu quai: Hậu môn nhân tạo kiểu quai được thực hiện nhanh hơn kiểu đầu tận và thường có tính chất tạm thời, kiểu hậu môn nhân tạo này sẽ tạo đường hầm thành bụng lớn hơn nên sẽ có nguy cơ thoát vị cạnh hậu môn nhân tạo. Vị trí để làm hậu môn nhân tạo kiểu này là khoảng 1⁄4 trên vùng bụng phải (tương đương đại tràng ngang) hoặc hố chậu trái (tương đương đại tràng xích-ma). Thi thoảng vẫn sẽ có phân hoặc khí đi qua trực tràng do đại tràng vẫn còn liên tục với trực tràng.
  • Hậu môn nhân tạo kiểu đầu tận: Đây thường là kiểu hậu môn nhân tạo có tính chất vĩnh viễn, được làm sau phẫu thuật cắt đại tràng bao gồm cả trực tràng và phần đại tràng dưới vị trí mở hậu môn nhân. Phần đưa ra làm hậu môn nhân tạo là đoạn cuối hồi tràng, sát van hồi manh tràng, nhằm đảm bảo đủ chiều dài của tiểu tràng, bảo tồn tối đa chức năng tiêu hóa, hấp thu của tiểu tràng cũng như “để dành” chỗ cho việc tạo túi chứa sau này.
  • Hậu môn nhân tạo kiểu nòng súng: Được làm nhanh hơn kiểu đầu tận và thường mang tính chất tạm thời. Đầu gần được đưa ra ngoài thành bụng là một hậu môn tạm thời để đưa chất thải ra ngoài. Đầu xa cũng được đưa ra ngoài thành bụng, có một ít chất nhầy chảy ra. Hậu môn nhân tạo kiểu nòng súng sẽ được thực hiện đóng lại ở thì sau.

Hậu môn nhân tạo đại tràng xuống: Được mở ở phần bên trái của ổ bụng. Phân từ kiểu hậu môn này thường rắn do đã đi qua gần hết toàn bộ khung đại tràng. Thường thực hiện cho các ung thư trực tràng.

Hậu môn nhân tạo đại tràng lên: Cách làm hậu môn nhân tạo từ vị trí đại tràng lên này thì chỉ có một phần của đại tràng thực hiện chức năng tiêu hóa, hấp thu dẫn đến chất thải vẫn còn tỉ lệ nước cao, phân tiết ra ngoài thường lỏng, gây khó khăn cho việc chăm sóc. Mở kiểu hậu môn nhân tạo từ đại tràng lên rất ít được thực hiện, thay vào đó kiểu mở hồi tràng ra ngoài thành bụng sẽ được làm nhiều hơn, thích hợp hơn, kèm theo có một túi nhỏ đựng chất thải bài tiết ra ngoài.

3. Phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo có biến chứng không?


Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi có biểu hiện bất thường
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi có biểu hiện bất thường

  • Xuất huyết đại tràng
  • Tổn thương các mô xung quanh
  • Nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm trùng ổ bụng
  • Chảy máu từ lỗ mở hậu môn nhân tạo
  • Xuất hiện lỗ rò từ đại tràng vào ổ bụng, thành bụng

Bệnh nhân sẽ được chăm sóc và theo dõi khoảng một tuần sau phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo và phục hồi hoàn toàn có thể mất tới 2 tháng. Khi đang trong thời gian hồi phục, bệnh nhân cần kiêng một số loại thức ăn nhất định.

Nếu mở hậu môn nhân tạo tạm thời, bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo sau khi đại tràng đã hồi phục. Phẫu thuật này thường diễn ra khoảng 12 tuần sau đó tùy thuộc vào mục đích mở hậu môn nhân tạo. Việc đóng hậu môn nhân tạo cần được sự theo dõi và chỉ định của bác sĩ, phẫu thuật viên thực hiện chính cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe