Các loại cận thị thường gặp và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Tật khúc xạ nói chung ,cận thị nói riêng là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực trên thế giới hiện nay. Rối loạn thị giác này có thể nặng hơn theo thời gian. Ngoài việc gây suy yếu thị lực, cận thị có thể làm thay đổi cấu trúc của mắt, khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh về mắt trong tương lai. Người bị cận thị nên biết cách phân biệt các dạng cận thị khác nhau để có phương pháp điều trị phù hợp.

1. Tật khúc xạ cận thị là gì?

Cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất, người bị cận thường chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng khó khăn khi nhìn vật ở xa. Do hình ảnh quan sát được hội tụ trước võng mạc, vì vậy khi người cận thị nhìn vật ở xa thường phải nheo mắt.


Ngày nay, cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất
Ngày nay, cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất

2. Triệu chứng của bệnh cận thị

Khi bị cận thị, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi quan sát các vật ở xa. Các dấu hiệu và triệu chứng khác của cận thị gồm:

  • Nhìn mờ khi nhìn vào vật thể ở xa;
  • Thường xuyên nheo mắt;
  • Nhức đầu do mỏi mắt;
  • Khó nhìn thấy vào ban đêm.

Thông thường cận thị có thể được phát hiện sớm ở lứa tuổi học sinh (cận thị học đường hay cận thị bẩm sinh). Đặc biệt, các dấu hiệu nhận biết cận thị ở trẻ em như sau:

  • Khi xem tivi, trẻ phải lại gần mới xem được;
  • Đọc bài hay bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc;
  • Ở lớp trẻ phải lại gần bảng mới nhìn được;
  • Khi viết, nhiều chữ viết sai, thiếu hoặc phải chép bài của bạn;
  • Hay cúi gần nhìn sách;
  • Nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa;
  • Hay dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ;
  • Thường kêu mỏi mắt, nhức đầu hay chảy nước mắt;
  • Sợ ánh sáng hoặc bị chói mắt, không thích các hoạt động phải nhìn xa....

Cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử sớm gây ra nguyên nhân cận thị
Cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử sớm gây ra nguyên nhân cận thị

3. Phân loại cận thị

3.1. Cận thị đơn thuần (Simple Myopia)

Đây là loại cận thị phổ biến nhất, thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi đi học, từ 10 đến 18 tuổi. Người bị cận đơn thuần thường có độ cận dưới 6 diop và thường đi kèm với loạn thị. Nguyên nhân cận đơn thuần do mắt thường xuyên làm việc trong khoảng cách gần ,nơi làm việc-học tập thiếu ánh sáng hoặc cường độ ánh sáng yếu . Cận thị đơn thuần thường do chế độ làm việc và di truyền. Bệnh có xu hướng phát triển trong một thời gian và ngưng lại ở một mức độ nhất định.

3.2. Cận thị thứ phát (Induced Myopia Or Acquired Myopia)

Nguyên nhân là do sơ hóa thủy tinh thể (nuclear sclerosis), do tác dụng phụ khi tiếp xúc với một số thuốc kê đơn, do đường huyết tăng cao (bệnh tiểu đường) và một số nguyên nhân khác.

3.3. Cận thị giả (Pseudo Myopia)

Xảy ra khi mắt gia tăng điều tiết, các cơ thể mi phụ trách chỉnh khả năng điều tiết của mắt bị co quắp, khiến tầm nhìn xa bị suy giảm tạm thời. Biểu hiện của cận thị giả cũng giống như cận thị bình thường, tuy nhiên mắt sẽ hồi phục tầm nhìn sau một thời gian nghỉ ngơi.


Dựa trên sự phản xạ hình ảnh trong mắt, cận thị được chia thành nhiều loại
Dựa trên sự phản xạ hình ảnh trong mắt, cận thị được chia thành nhiều loại

3.4. Cận thị thoái hóa (Degenerative Myopia Or Pathological Myopia)

Đây là loại cận thị nặng nhất, người bệnh thường có độ cận trên 6 diop kèm theo thoái hóa võng mạc thuộc bán phần sau nhãn cầu. Khi mắc cận thị thoái hóa, trục nhãn cầu liên tục bị dài ra, khiến độ cận liên tục tăng, tình trạng cận ngày một nặng hơn. Thậm chí bệnh sẽ nguy hiểm hơn nếu không được điều trị kịp thời, gây các bệnh như thoái hóa võng mạc, bong võng mạc, glôcôm... ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mắt. Tuy nhiên, bệnh loại này là khá hiếm và thường phát triển khi còn nhỏ, vì thế các bậc phụ huynh nên thường xuyên đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện mắt uy tín để kịp thời phát hiện cận thị học đường và điều trị.

4. Cận thị có chữa được không?

Cận thị có thể chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật mắt. Tuy nhiên, trẻ dưới 18 tuổi chưa đủ tuổi để phẫu thuật tật khúc xạ. Vì vậy phương pháp điều trị cận thị tối ưu nhất là đeo kính gọng hoặc khính orth-k (kính áp tròng đêm ) Với những trẻ bị cận thị, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ (3-6 tháng /1 lần) để kiểm tra tiến triển của tật cận thị, thay kính kịp thời để giúp trẻ nhìn rõ hơn. Việc không thay kính định kỳ sẽ khiến thị lực của trẻ giảm sút, đeo kính sai độ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, độ cận tăng nhanh hơn.

Một số phương pháp điều trị cận thị hiện nay gồm:

4.1. Đeo kính gọng


Đeo kính gọng là phương pháp điều chỉnh tật cận thị thông dụng nhất
Đeo kính gọng là phương pháp điều chỉnh tật cận thị thông dụng nhất

Đây là giải pháp thông dụng nhất, ít tốn kém nhất để điều chỉnh tật cận thị. Người bị cận thị thường sử dụng thấu kính phân kỳ. Tuy nhiên kính gọng sẽ đem lại những bất tiện cho người sử dụng như: Ít tham gia được các hoạt động thể thao mạnh, tầm nhìn bị mờ khi trời mưa. Thêm vào đó, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không điều trị triệt để và chỉ có thể sử dụng được trong một thời gian nhất định, phải thay kính mới khi độ cận tăng.

4.2. Đeo kính áp tròng

Kính áp tròng mềm cũng là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Ưu điểm của kính áp tròng là thẩm mỹ cao, nhược điểm là có thể bị dị ứng với kính áp tròng nếu mắt mẫn cảm, mắt dễ bị khô. Ngoài ra, kính áp tròng không được vệ sinh đúng cách có thể gây viêm nhiễm mắt. Bệnh nhân phải thay kính khi hết hạn sử dụng và chi phí mỗi lần thay kính tương đối cao.

4.3. Chỉnh hình giác mạc tạm thời bằng Ortho K


Ortho K là kính áp tròng ban đêm
Ortho K là kính áp tròng ban đêm

Phương pháp này sử dụng để trị cận thị cho người chưa đủ tuổi phẫu thuật (dưới 18 tuổi) hoặc người không muốn phẫu thuật. Ortho K là kính áp tròng ban đêm, khử độ cận tạm thời bởi khả năng chỉnh hình giác mạc. Tuy nhiên khi ngừng sử dụng, giác mạc sẽ dần quay về trạng thái cong ban đầu, không điều chỉnh triệt để được tật khúc xạ cận thị. Thêm vào đó, phương pháp này còn có nhược điểm là ít hiệu quả với độ cận nặng, chỉ có tác dụng tạm thời, giá kính Ortho K đắt đỏ và vẫn có khả năng bị viêm nhiễm mắt.

4.4. Phẫu thuật tật khúc xạ

Ưu điểm là hiệu quả đem lại tốt, độ an toàn cao, thời gian phục hồi sau phẫu thuật ngắn và có thể điều trị triệt để tật khúc xạ. Tuy nhiên giá cả phẫu thuật còn cao và nhiều người còn e ngại đối với việc động “dao kéo” ở vùng mắt.

4.5. Phẫu thuật Phakic

Phương pháp này còn gọi là đặt kính nội nhãn, thường áp dụng cho những bệnh nhân có độ cận cao nhưng không đủ điều kiện phẫu thuật khúc xạ. Nhược điểm là có nguy cơ tăng nhãn áp, có khả năng viêm nhiễm, thời gian phục hồi lâu hơn phương pháp phẫu thuật khúc xạ.

4.6. Phẫu thuật thay thủy tinh thể

Phương pháp cuối cùng trong điều trị tật khúc xạ này chỉ được chỉ định khi bệnh nhân có độ cận quá cao, không thể phẫu thuật bằng các phương pháp khác.

5. Chữa cận thị ở đâu uy tín?


Điều trị và phẫu thuật mắt với các kỹ thuật nhãn khoa chất lượng cao, chuyên sâu mang lại sự hiệu quả, an tâm cho khách hàng
Điều trị và phẫu thuật mắt với các kỹ thuật nhãn khoa chất lượng cao, chuyên sâu mang lại sự hiệu quả, an tâm cho khách hàng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe