Bị cận thị: Khi nào cần đeo kính?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng có kinh nghiệm 13 năm là bác sĩ điều trị bệnh về mắt.

Cận thị là tình trạng thị lực chỉ có thể nhìn rõ vật thể ở gần, nhìn mờ vật ở xa. Kính cận giúp điều chỉnh hình ảnh hội tụ đúng trên võng mạc để người bị cận nhìn rõ hơn. Nhưng không nhất thiết bị cận thị là phải đeo kính, vậy cận thị mấy độ thì nên đeo kính?

1. Tổng quan về cận thị

Cận thị xảy ra khi nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc quá cong. Kết quả là, ánh sáng đi vào mắt không tập trung chính xác, khiến các vật ở xa trông mờ đi. Những người bị cận thị sẽ gặp khó khăn để nhìn rõ màn chiếu phim hoặc TV, bảng trắng ở trường hoặc con đường khi lái xe.

Đây là một tật khúc xạ rất phổ biến, ảnh hưởng đến gần 30% dân số Hoa Kỳ. Mặc dù chưa biết nguyên nhân chính xác, nhưng có bằng chứng cho thấy nhiều người bị cận thị là do di truyền. Nếu có cha và/hoặc mẹ bị cận thị, nhiều khả năng bạn cũng sẽ mắc phải tật khúc xạ này.

Bên cạnh đó, cách bạn sử dụng đôi mắt của mình cũng ảnh hưởng đến nguy cơ bị cận thị. Người dành nhiều thời gian đọc, làm việc trên máy tính hoặc những công việc khác cần quan sát kỹ càng, sử dụng mắt nhiều,... sẽ dễ bị cận thị hơn. Nhìn chung, cận thị thường xuất hiện ở trẻ em trong độ tuổi đi học cho đến khoảng 20 tuổi. Có trường hợp cận thị cũng phát triển ở người lớn, do căng thẳng thị giác hoặc tình trạng sức khỏe. Cận thị cũng có thể xảy ra do các yếu tố môi trường hoặc các vấn đề sức khỏe khác, cụ thể là:

  • Một số người chỉ bị nhìn mờ vào ban đêm. Với “cận thị ban đêm”, ánh sáng yếu khiến mắt khó tập trung đúng cách, hoặc kích thước đồng tử tăng lên trong điều kiện tối khiến nhiều tia sáng ngoại vi, không tập trung chiếu vào mắt.
  • Những người làm công việc cần quan sát tỉ mỉ có thể bị “cận thị giả”. Tầm nhìn xa mờ là do sử dụng quá mức cơ chế điều tiết của mắt. Sau thời gian dài làm việc, mắt họ không thể tập trung để nhìn rõ ở xa. Nếu nghỉ ngơi mắt thì có thể nhìn rõ lại như thường. Tuy nhiên, căng thẳng thị giác liên tục có thể dẫn đến giảm khả năng nhìn xa vĩnh viễn theo thời gian;
  • Các triệu chứng cận thị cũng có thể là dấu hiệu sớm của đục thủy tinh thể.

Bác sĩ chuyên khoa mắt có thể xác định nguyên nhân của các vấn đề về thị lực thông qua kiểm tra mắt toàn diện.

2. Cận thị đeo kính gì?


Đối với một số cá nhân, kính áp tròng mang lại tầm nhìn rõ ràng hơn và rộng hơn so với kính mắt thông thường
Đối với một số cá nhân, kính áp tròng mang lại tầm nhìn rõ ràng hơn và rộng hơn so với kính mắt thông thường

Hiện nay, kính gọng và kính áp tròng là hai loại thấu kính phân kì chính cho người cận thị. Kính gọng được chia ra làm nhiều loại, bao gồm kính cận đổi màu, kính mát cho người cận. Kính áp tròng cũng có 2 loại là cứng và mềm. Mỗi loại kính đều có những ưu và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn cận thị đeo kính gì sẽ tùy thuộc vào đặc tính nghề nghiệp và thẩm mỹ cá nhân.

2.1. Kính gọng

Đối với hầu hết những người bị cận thị, kính mắt là lựa chọn chính để điều chỉnh tầm nhìn. Tùy thuộc vào mức độ cận thị, bạn có thể chỉ cần đeo kính trong một số hoạt động nhất định, như khi xem phim hoặc lái xe. Nếu bị cận thị mức độ nặng, bạn có thể cần phải đeo kính mọi lúc. Tuy nhiên tốt nhất là nên mang kính thường xuyên kể cả khi cận thị nhẹ.

Nhìn chung, một thấu kính nhìn đơn sẽ được chỉ định để mang đến tầm nhìn rõ ràng ở mọi khoảng cách. Tuy nhiên, bệnh nhân trên 40 tuổi, hoặc trẻ em và người lớn bị cận thị do tính chất của công việc, có thể cần một thấu kính đa tròng hoặc lũy tiến. Các thấu kính đa tiêu cự này cho phép người dùng nhìn rõ ở cả khoảng cách xa và gần.

2.2. Kính áp tròng

Đối với một số cá nhân, kính áp tròng mang lại tầm nhìn rõ ràng hơn và rộng hơn so với kính mắt thông thường. Trên thực tế kính áp tròng vẫn sử dụng tốt và tiên lợi hơn kính gọng, tuy nhiên, vì kính áp tròng được đeo trực tiếp vào giác mạc, nên cần được sử dụng và chăm sóc đúng cách để bảo vệ sức khỏe của mắt.

3. Cận thị mấy độ thì nên đeo kính?

Thực tế, đôi mắt sẽ luôn cố gắng hoạt động hết khả năng cho dù bạn có keo kính thường xuyên hay không. Tình trạng cận thị sẽ không cải thiện hoặc thuyên giảm nếu bạn cố gắng luyện tập bỏ kính vì bất cứ lý do cá nhân nào. Tuy nhiên nếu người bị cận thị không đeo kính thì sẽ không thể nhìn rõ như khi có chiếc kính hỗ trợ.

Trả lời cho câu hỏi “Cận thị mấy độ thì nên đeo kính?”, các bác sĩ cho biết cụ thể như sau:

  • 0,25 độ: Là độ cận thị nhỏ nhất, không ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống hàng ngày nên bạn không cần đeo kính;
  • 0,50 độ: Khiến bạn nhìn xa mờ hơn một chút, nhưng vẫn có thể nhìn tốt mà không cần đeo kính;
  • 0,75 độ: Nên bắt đầu đeo kính để tránh ảnh hưởng tới công việc hàng ngày, nhưng không cần phải dùng thường xuyên;
  • 1,00 độ: Khiến người bệnh gặp khó khăn khi nhìn xa, bắt buộc phải đeo kính khi làm các công việc cần quan sát như lái xe, may vá,...
  • 1,50 độ: Nên đeo kính thường xuyên để tránh ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống hàng ngày
  • 2,00 độ: Bắt buộc phải đeo kính khi học tập và làm việc
  • Trên 3,00 độ: Là trường hợp cận nặng, nếu không sử dụng kính sẽ khiến mắt liên tục điều tiết để nhìn rõ hơn, dẫn đến tăng nhanh độ cận, nguy hiểm hơn là thoái hóa võng mạc.

4. Cận thị có nên đeo kính thường xuyên?


Đeo kính cận thường xuyên hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu của từng người
Đeo kính cận thường xuyên hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu của từng người

Cận thị có nên đeo kính thường xuyên không, trên thực tế sẽ tùy vào nhu cầu khác nhau của từng người. Ví dụ, người ở độ tuổi trung niên hoặc làm công việc không cần phải nhìn xa (nhân viên văn phòng) thì không cần phải đeo kính trong suốt cả ngày.

Người cận từ 1 - 2 độ thì chỉ nên đeo kính khi nhìn xa, không cần dùng trong suốt cả ngày. Nếu không sẽ khiến mắt giảm khả năng điều tiết khi nhìn gần, lâu dần phụ thuộc hoàn toàn vào kính. Với những người phải làm việc nhiều, nên cho mắt thư giãn, nghỉ ngơi khoảng 1 - 2 phút xen kẽ mỗi 30 phút làm việc tập trung. Cần ngồi làm việc ở nơi có đủ ánh sáng và không đọc tài liệu trong thời gian dài để tránh ảnh hưởng tới thị lực. Người bị bị cận thị hoặc các tật khúc xạ khác cần đi khám mắt định kỳ để điều chỉnh đúng độ kính của mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: aao.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe