Kiểm tra sức khỏe tuổi 50 cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ ngay cả khi sức khỏe bình thường. Mục đích của việc kiểm tra là giúp đánh giá sức khỏe của bạn, xác định nguy cơ mắc bệnh trong tương lai và được tư vấn về lối sống lành mạnh, khoa học hơn.
1. Các kiểm tra sức khỏe tuổi 50
Trên 50 tuổi khám gì? Đó là:
1.1 Kiểm tra huyết áp
Bạn nên kiểm tra huyết áp ít nhất 2 năm/lần. Nếu huyết áp tâm thu từ 120 - 139 mmHg, huyết áp tâm trương từ 80 - 89 mmHg thì bạn nên đi kiểm tra hằng năm. Nếu huyết áp tâm thu là 130 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 80 mmHg trở lên thì bạn nên gặp bác sĩ để tìm cách giảm huyết áp.
Nếu bạn bị tiểu đường, bệnh tim, vấn đề về thận hoặc một số bệnh lý khác, bạn cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn, ít nhất 1 lần/năm.
1.2 Kiểm tra cholesterol và phòng bệnh tim mạch
Tuổi bắt đầu được khuyến nghị kiểm tra cholesterol là 35 tuổi, không có yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành. Khi đã bắt đầu tầm soát cholesterol, bạn nên kiểm tra 5 năm/lần. Bạn có thể lặp lại xét nghiệm sớm hơn nếu có những thay đổi trong lối sống (tăng cân, chế độ ăn uống).
Nếu có mức cholesterol cao, bệnh tim, tiểu đường, mắc các vấn đề về thận hoặc một số bệnh lý khác, bạn cần kiểm tra sức khỏe tuổi 50 thường xuyên hơn.
1.3 Tầm soát ung thư
Nếu bạn dưới 45 tuổi thì cần trao đổi với bác sĩ về việc khám sàng lọc các bệnh thường gặp ở tuổi 50, trong đó có ung thư ruột kết. Bạn có thể cần được kiểm tra nếu có tiền sử gia đình bị polyp hoặc ung thư ruột kết. Việc tầm soát cũng có thể được xem xét nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như tiền sử polyp hoặc bệnh viêm ruột.
Nếu bạn ở độ tuổi 45 - 75, bạn cần tầm soát ung thư đại trực tràng với các xét nghiệm sàng lọc sau:
- Xét nghiệm máu ẩn trong phân hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân hằng năm;
- Xét nghiệm DNA trong phân sau 1 - 3 năm;
- Nội soi đại tràng sigma linh hoạt 5 năm hoặc 10 năm 1 lần, xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân hằng năm;
- Chụp CT đại tràng (nội soi đại tràng ảo) 5 năm/lần;
- Nội soi đại tràng 10 năm/lần. Bạn có thể cần nội soi thường xuyên hơn nếu có các yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng như: Viêm đại tràng, tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư đại trực tràng, polyp tuyến.
Ngoài ra, bạn nên thực hiện tầm soát ung thư phổi hằng năm bằng cách chụp cắt lớp vi tính liều thấp nếu: Bạn có tiền sử hút thuốc trong 20 năm, hiện đang hút thuốc lá hoặc đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm qua.
Nam giới từ 55 – 69 tuổi cũng cần thực hiện tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Người dưới 55 tuổi có thể tầm soát nếu có các yếu tố nguy cơ như: Tiền sử gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt (đặc biệt là anh trai hoặc bố).
Phụ nữ trên 50 tuổi cần thực hiện các tầm soát sau:
- Khám vùng chậu và phết tế bào cổ tử cung, kết hợp xét nghiệm PAP với xét nghiệm virus gây u nhú ở người (HPV). Các lần kiểm tra có khoảng cách 3 – 5 năm/lần ở độ tuổi 30 – 65. Phụ nữ trên 65 tuổi có thể ngừng tầm soát nếu có ít nhất 3 lần xét nghiệm PAP âm tính liên tiếp hoặc ít nhất 2 lần xét nghiệm HPV âm tính trong vòng 10 năm trước đó. Với phụ nữ có các yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung (hút thuốc, tiền sử nhiễm HPV hoặc chẩn đoán tiền ung thư) nên tiếp tục được kiểm tra;
- Chụp X-quang tuyến vú định kỳ để phát hiện dấu hiệu sớm của ung thư vú. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn biết tần suất lặp lại xét nghiệm phù hợp.
1.4 Kiểm tra bệnh tiểu đường
Trên 50 tuổi khám gì? Nếu bạn trên 44 tuổi, bạn nên kiểm tra tiểu đường 3 năm/lần. Nếu có chỉ số BMI trên 25 tức là bạn đang bị thừa cân. Nếu bị thừa cân, bạn nên kiểm tra tiểu đường ngay từ khi được 35 tuổi.
Nếu có huyết áp trên 130/80 mmHg hoặc có các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tiểu đường, bác sĩ có thể kiểm tra mức đường huyết của bạn để đánh giá khả năng mắc bệnh.
1.5 Các kiểm tra sức khỏe tuổi 50 khác
- Kiểm tra răng miệng: Bạn nên đến nha sĩ 1 – 2 lần/năm để khám răng và làm sạch răng miệng;
- Kiểm tra mắt: Ở độ tuổi 40 – 55, bạn nên khám mắt định kỳ mỗi 2 – 4 năm/lần. Ở độ tuổi 55 – 64, bạn nên đi khám mắt định kỳ mỗi 1 – 3 năm/lần. Bác sĩ có thể đề nghị bạn đi khám mắt thường xuyên hơn nếu bạn có vấn đề về thị lực hoặc có nguy cơ tăng nhãn áp. Nếu bị tiểu đường, bạn nên đi khám mắt ít nhất 1 lần/năm;
- Khám bệnh truyền nhiễm: Người trên 50 tuổi nên đi tầm soát bệnh viêm gan C. Tùy thuộc vào lối sống và tiền sử bệnh, bạn có thể tầm soát các bệnh nhiễm trùng khác như giang mai, chlamydia, HIV,...;
- Khám xương: Nếu bạn ở độ tuổi 50 – 70 và có các yếu tố nguy cơ bị loãng xương, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc tầm soát. Các yếu tố nguy cơ gồm: Sử dụng steroid lâu dài, hút thuốc lá, cân nặng thấp, sử dụng rượu nặng, tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc bị gãy xương sau 50 tuổi;
- Kiểm tra da: Bác sĩ sẽ kiểm tra da của bạn để tìm dấu hiệu ung thư da nếu bạn có nguy cơ cao (từng bị ung thư da, có họ hàng gần bị ung thư da hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch);
- Sàng lọc trầm cảm: Nếu bạn cảm thấy buồn bã, tuyệt vọng hoặc không hứng thú với những thứ bạn từng yêu thích, hãy trao đổi với bác sĩ. Chuyên gia sẽ cho bạn làm 1 bảng câu hỏi để đánh giá xem bạn có bị trầm cảm hay không.
2. Khuyến nghị lối sống lành mạnh cho người trên 50 tuổi
Song song với việc kiểm tra sức khỏe tuổi 50, người lớn tuổi cần duy trì một số lưu ý sau để có một sức khỏe tốt. Cụ thể:
- Bỏ thuốc lá vì khói thuốc là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, ung thư,...;
- Ăn uống cân bằng, duy trì mức cân nặng hợp lý. Bạn nên chọn thực phẩm bổ dưỡng như trái cây, rau củ, ngũ cốc, thịt nạc, thịt gia cầm, cá, sữa, sữa chua và phô mai. Bạn cần hạn chế thực phẩm có chứa chất béo bão hòa, muối, đường và rượu;
- Hạn chế uống rượu bia. Nếu sức khỏe có một số vấn đề, bạn có thể không được uống bất kỳ giọt rượu nào;
- Hoạt động thể chất thường xuyên hơn bằng cách dành ra tối thiểu 30 phút/ngày hoạt động với cường độ vừa phải, thực hiện đều đặn trong cả tuần. Vận động vừa phải mang lại cho bạn năng lượng, giúp tăng nhịp tim nhưng không làm bạn khó thở;
- Chủng ngừa: Khi bước qua tuổi 50, bạn có nhiều nguy cơ mắc một số bệnh lý và các biến chứng của bệnh. Do đó, bạn có thể cần tiêm chủng hoặc tiêm phòng nhắc lại các mũi: Sởi, quai bị, rubella, bạch hầu, uốn ván, ho gà, phế cầu khuẩn, bệnh zona, herpes,...
Bạn nên thực hiện các bài kiểm tra sức khỏe tuổi 50 theo khuyến nghị của bác sĩ để kịp thời phát hiện các vấn đề sức khỏe và nhận được lời khuyên phù hợp. Đồng thời, người lớn tuổi cần chú ý thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và vận động để có một sức khỏe tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.