Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch.
U tim là khối tế bào bất thường hình thành ở trong tim, trong cơ tim hoặc bên ngoài thành tim có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Trong đó u nhầy là loại u nguyên phát thường gặp nhất, lành tính của tim, các trường hợp u ác tính thường hiếm gặp hơn với dưới 10% các trường hợp u tim nguyên phát.
1. Các dạng u lành tính phổ biến ở tim
Có nhiều dạng khối u lành tính ở tim gặp ở trẻ em, phổ biến nhất là Rhabdomyomas và Fibromas, ngoài ra còn có các dạng u lành tính khác như: Myxomas, teratomas, lipomas,...
- Rhabdomyomas: là dạng u phát triển trong cơ tim hoặc lớp nội tâm mạc, thường bao gồm nhiều khối u nhỏ, thường gặp ở trẻ em dưới 1 tuổi và không gây ra triệu chứng, đôi khi có thể xuất hiện tiếng thổi tim, loạn nhịp hoặc suy tim.
- Fibromas: là u sợ phát triển ở cơ tim và lớp nội tâm mạc, thường ảnh hưởng đến thất trái, khi u lớn lên có thể xâm lấn sang van hai lá và van động mạch chủ gây tắc hay hở van. Dạng u này thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi và cần phải phẫu thuật can thiệp
- Myxomas: là khối u trong tâm nhĩ, phổ biến hơn ở người trưởng thành
- Teratomas: thường hình thành trong các buồng tim
- Lipomas: khối u mô mỡ
Trong khi đó, u nhầy (Myxomas) là loại u nguyên phát thường gặp nhất ở người trưởng thành, chiếm một nửa các khối u lành tính ở tim và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Đa phần các u nhầy ở tim tồn tại đơn độc, vị trí thường gặp nhất là trong nhĩ trái, dính vào vách liên nhĩ gần lỗ bầu dục. U nhầy tim mọc ra từ bề mặt nội mạc tim ở bất kỳ vị trí nào nên có thể gặp ở những buồng tim khác hay trên van tim.
2. Các triệu chứng của u lành tính ở tim
Sự hình thành triệu chứng của bệnh u tim phụ thuộc vào vị trí hình thành khối u cũng như kích thước khối u. Đôi khi u tim có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng gì hoặc gây ra các triệu chứng tương tự như các bệnh tim mạch hay tim bẩm sinh như suy tim, loạn nhịp tim.
Đối với u nhầy, biểu hiện lâm sàng của bệnh gồm tam chức kinh điển thứ phát do u nhầy gây ra gồm:
- Suy tim do tắc nghẽn van tim
- Đột quỵ do thuyên tắc
- Các triệu chứng giống bệnh thấp tim do u tiết ra các cytokine gây viêm như IL-6
Biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất của u nhầy ở tim là giống bệnh van 2 lá, thường là hẹp 2 lá do u sa vào van 2 lá trong thời kỳ tâm trương hoặc hở van nếu van bị tổn thương do khối u gây ra.
Các u nhầy hiếm gặp ở thất có thể gây tắc nghẽn đường thoát của thất,gây lầm tưởng với hẹp dưới van động mạch chủ hoặc hẹp dưới van động mạch phổi. Nghe tim có thể thấy âm thổi cường độ thấp nghe được ở đầu hoặc giữa tâm trương. U nhầy ở tim còn có thể gây ra một số triệu chứng sau:
- Ngất, cơn thoáng thiếu máu não hoặc đột quỵ do thuyên tắc
- Thuyên tắc mạch ngoại biên hoặc mạch phổi
- Triệu chứng ngoài tim như: sốt, sụt cân, mệt mỏi, yếu sức, đau khớp, nổi ban, thiếu máu, đa hồng cầu, tăng bạch cầu, tăng độ lắng máu hoặc tăng/giảm tiểu cầu.
- U nhầy không có nguy cơ chuyển dạng ác tính.
3. Chẩn đoán u tim như thế nào?
Ngoài các triệu chứng của u tim có thể gây ra, để chẩn đoán u tim còn phải dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ như:
- Xét nghiệm máu: cấy máu để đánh giá khả năng của viêm nội tâm mạc
- X-quang tim phổi: thường không phát hiện được bất thường, một vài trường hợp có bóng tim to hoặc trung thất giãn rộng, vôi hóa ở tim có thể đặc điểm của u sợi (đặc biệt ở trẻ em)
- Siêu âm tim: có thể là xét nghiệm chẩn đoán tốt nhất để đánh giá các bệnh nhân có tiền sử hoặc lâm sàng gợi ý rối loạn chức năng van hoặc khả năng có u khối trong tim. Siêu âm còn có thể phân biệt được các tính chất, vị trí, hình thái và khả năng di động của khối u
- Chụp MRI: chụp cộng hưởng từ rất hữu ích để xác định mức độ lan rộng của khối u và đặc điểm tế bào học tuy nhiên không phân biệt được u lành hay u ác nên cần thêm chẩn đoán mô bệnh học để khẳng định.
- CT Scanner: đánh giá khả năng có khối u ác tính trong lồng ngực và có thể gợi ý một u tim nguyên phát nhưng ít có giá trị chẩn đoán hơn siêu âm tim kỹ lưỡng.
4. Điều trị các u tim lành tính như thế nào?
Về điều trị nội khoa: không được chỉ định trong trường hợp không có triệu chứng, kích thước khối u có thể cho phép cắt bỏ. Ở những bệnh nhân không điều trị ngoại khoa cần được tư vấn thăm dò điện sinh lý tim do có nguy cơ rối loạn nhịp thất ác tính, bác sĩ có thể cân nhắc dự phòng bằng thuốc hoặc máy giúp tạo nhịp phá rung
Về điều trị ngoại khoa:
Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u lành tính là phương pháp điều trị khỏi bệnh nên điều trị sớm vì nguy cơ rối loạn nhịp nguy hiểm cao. Bên cạnh đó, ghép tim có thể được chỉ định trong các trường hợp khối u lớn không thể cắt bỏ được
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, khách hàng có thể đăng ký Gói Sàng lọc Tim mạch - Khám Tim mạch cơ bản của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Gói khám giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề của tim mạch thông qua các xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Gói khám dành cho mọi độ tuổi, giới tính và đặc biệt rất cần thiết cho những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.