Các hình thức gây tê vùng

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Tất Bình - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Gây tê vùng (Regional Anesthesia) là một trong những kỹ thuật gây mê thường được áp dụng để đảm bảo vô cảm cho bệnh nhân khi phẫu thuật. Bằng cách sử dụng thuốc tê, các bác sĩ gây mê sẽ phong bế cảm giác và vận động một vùng lớn của cơ thể (ví dụ: cánh tay, cẳng chân...) của bệnh nhân, nhờ đó các bác sĩ có thể phẫu thuật trong khi bệnh nhân có thể tỉnh táo và trò chuyện. Gây tê vùng bao gồm các kỹ thuật như gây tê tủy sống (hay còn gọi phong bế khoang dưới nhện), gây tê ngoài màng cứng và phong bế thần kinh.

1. Thực hiện gây tê tủy sống như thế nào?

Thông thường, các bác sĩ gây mê sẽ khám, đánh giá tình trạng cột sống và xác định vị trí đốt sống trước khi gây tê. Sau khi sát trùng vị trí gây tê, các bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ để giúp bệnh nhân không đau và sử dụng một kim chuyên dụng rất nhỏ để xuyên qua các mô, tổ chức để đến dịch não tủy và bơm một liều thuốc tê nhỏ vào khoang dịch não tủy này. Khi thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân có thể ở tư thế nằm hoặc ngồi.

Gây tê tủy sống (Spinal Anesthesia) thường được áp dụng cho các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình liên quan đến chi dưới như kết hợp xương, thay khớp gối, thay khớp háng. Phẫu thuật mổ lấy thai hay các phẫu thuật liên quan đường niệu – sinh dục rất thường áp dụng kỹ thuật này.


Gây tê tủy sống trong phẫu thuật thay khớp gối
Gây tê tủy sống trong phẫu thuật thay khớp gối

2. Vì sao các bác sĩ thực hiện gây tê ngoài màng cứng?

Gây tê ngoài màng cứng (Epidural Anesthesia) là một kỹ thuật được thực hiện tương tự như gây tê tủy sống. Tuy nhiên, đích đến của hai phương pháp này khác nhau. Với kỹ thuật ngoài màng cứng, các bác sĩ thường sử dụng một kim lớn hơn để tiếp cận khoang ngoài màng cứng (không vào trong khoang dịch não tủy) và các bác sĩ thường lưu lại một đoạn dây dẫn (catheter) để qua đó có thể truyền thuốc tê một cách liên tục với mục đích giảm đau trong mổ và sau mổ.

Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng thường áp dụng cho các loại phẫu thuật chi dưới và đặc biệt trong giảm đau cho sản phụ khi sinh thường. Đối với một số phẫu thuật đặc biệt, các bác sĩ đôi khi kết hợp cả hai phương pháp gây tê tủy sống kết hợp với gây tê ngoài màng cứng để tăng hiệu quả giảm đau trong và sau mổ cũng như giảm thiểu được tác dụng phụ của hai phương pháp này.


Gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau khi chuyển dạ sinh thường
Gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau khi chuyển dạ sinh thường

3. Khi nào các bác sĩ sẽ gây tê thân thần kinh?

Gây tê thân thần kinh (Nerve Block) là một kỹ thuật sử dụng các loại thuốc gây tê để phong bế một thần kinh cụ thể chi phối một vùng nào đó, ví dụ gây tê thần kinh đùi hay gây tê đám rối thần kinh cánh tay. Với kỹ thuật này đều đáp ứng cho các phẫu thuật ở các chi, đặc biệt là chi trên như các phẫu thuật kết hợp xương ở cánh tay hay xử trí các vết thương phần mềm.

Thông thường, với kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ sử dụng máy siêu âm và/hoặc máy kích thích thần kinh để xác định chính xác vị trí của thần kinh chi phối vùng cần phẫu thuật để đảm bảo hiệu quả vô cảm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành gây mê phẫu thuật an toàn theo các hướng dẫn quốc tế. Với một đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê giàu kinh nghiệm, cùng với các trang thiết bị hiện đại như máy dò thần kinh, máy siêu âm, hệ thống kiểm soát đường thở khó của Karl Storz, hệ thống theo dõi gây mê toàn diện AoA (Adequate of Anesthesia) của GE bao gồm theo dõi độ mê, độ đau và độ giãn cơ sẽ mang lại chất lượng cao và an toàn, giúp bệnh nhân gây mê vừa đủ, không thức tỉnh, không tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ. Hệ thống Y tế Vinmec cũng tự hào là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ký kết với Hiệp hội Gây mê Thế giới (WFSA) hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu tại Đông Nam Á.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe