Các đối tượng có nguy cơ bị hạ đường huyết sơ sinh

Không chỉ người lớn, trẻ nhỏ hay thậm chí là trẻ sơ sinh cũng bị hạ đường huyết. Trường hợp trẻ bị hạ đường huyết mà không được điều trị và chăm sóc kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.

1. Định nghĩa về hạ đường huyết sơ sinh

Hạ đường huyết là một trong những vấn đề thường gặp trong giai đoạn sơ sinh, có thể thoáng qua trong giai đoạn đầu sau sinh bé. Tuy nhiên hạ đường huyết kéo dài có thể gây tổn thương cho não và để lại hậu quả lâu dài.

Hạ đường huyết sơ sinh được xác định theo Hiệp hội khoa Nhi tại Mỹ, là khi Glucose huyết của trẻ dưới mức 2,6 mmol/L (47 mg/dL).

2. Đối tượng có nguy cơ bị hạ đường huyết sơ sinh

Trong vài giờ đầu sau sinh, lượng đường trong máu của bé có xu hướng giảm xuống. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp này đều không gây nguy hiểm. Bé có thể duy trì lượng đường của cơ thể nhờ bú mẹ.

Những bé có mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường có mức insulin khi chào đời cao hơn, làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bé. Ngoài ra, những trẻ sinh non, trẻ bị hạ thân nhiệt đột ngột, bị nhiễm trùng hay trẻ to so với tuổi thai cũng có nguy cơ bị hạ đường huyết sơ sinh.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh như:

Hạ đường huyết do tăng lượng insulin trong máu:

  • Điều này xảy ra khi cơ thể mẹ thay đổi chuyển hoá do bệnh tiểu đường, truyền nước hau thuốc trong thai nhi
  • Tình trạng đột biến gen mã hóa quá trình điều hòa bài tiết Insulin của tế bào Beta đảo tụy như gen Kir6.2, KCNJ11, ABCC8, SUR1,... do yếu tố bẩm sinh
  • Bị ngạt, người mẹ trong thời gian điều trị thuốc Terbutaline, mắc phải hội chứng Beckwith-Wiedemann là tình trạng thuộc nhóm tăng insulin thứ phát
  • Ngừng đột ngột lượng dịch Glucose ở mức độ cao
  • Catheter động mạch rốn sai vị trí
  • Thay máu với lượng máu có nồng độ Glucose cao
  • Khối u sản xuất insulin, tăng tế bào Beta.


Trẻ đẻ non có nguy cơ bị hạ đường huyết sơ sinh
Trẻ đẻ non có nguy cơ bị hạ đường huyết sơ sinh

Giảm sản xuất hay dự trữ Glucose: Xảy ra đối với một số trường hợp

  • Trẻ đẻ non
  • Chậm phát triển trong tử cung
  • Chế độ dinh dưỡng không đủ năng lượng
  • Cho trẻ ăn muộn

Tăng sử dụng hoặc giảm sản xuất Glucose:

  • Stress chi sinh: Bị nhiễm trùng, sốc, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, giai đoạn sau khi hồi sức
  • Rối loạn chuyển hoá bẩm sinh
  • Rối loạn nội tiết: Thiếu hocmon tuyến yên/Glucagon/Cortisol/Adrenaline.
  • Đa hồng cầu: Mẹ sử dụng các thuốc chẹn beta (VD labetalol, propranolol).

3. Dấu hiệu hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng hạ đường huyết sẽ xuất hiện từ 03 - 48 giờ sau sinh, bao gồm các dấu hiệu sau:

  • Thân nhiệt giảm nhanh, da dẻ nhợt nhạt, tím tái, tay chân lạnh
  • Các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, nôn, đói cồn cào, khó chịu
  • Nhịp thở nhanh, gấp, mạnh
  • Trường hợp nặng có thể co giật, hôn mê.

41% trường hợp hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh thường xảy ra ở các bé sinh non, nhẹ cân dưới 2,5 kg. Theo các chuyên gia, bệnh có thể gây tác động nghiêm trọng đến thần kinh của trẻ sau này. Vì vậy, trẻ sơ sinh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

4. Điều trị hạ đường huyết sơ sinh

Đối với những trẻ đẻ non từ 35 - 36 tuần hoặc đẻ đủ tháng, các bà mẹ cần cho con bú sớm ngay sau khi đẻ. Nếu trẻ không bú được cần được bác sĩ chăm sóc bằng việc truyền dung dịch đường (glucose 10%: 6 - 8mg/kg/phút) nhằm tăng đường huyết sơ sinh.

Đối với trẻ lớn, khi phát hiện dấu hiệu trẻ bị hạ đường huyết, cha mẹ cần cho con ăn ngay, các loại thức ăn như bột, cháo, sữa...Những ngày sau, nên cho trẻ ăn nhiều bữa, chia đều khoảng thời gian trong ngày để cho trẻ ăn.

Trường hợp trẻ đẻ non hoặc bệnh nặng thì bắt đầu truyền dung dịch đường (glucose 10%: 6 - 8mg/kg/phút). Những trẻ có biểu hiện hạ đường huyết cần tiêm tĩnh mạch glucose 10% (2 - 3ml/kg glucose 10% trong vòng 1 - 2 phút). Khi cần có thể tiêm nhắc lại. Sau đó, tiếp tục duy trì truyền dung dịch glucose (10% từ 6 - 8mg/kg/phút) cho đến khi đường huyết trở về bình thường và ổn định. Có thể phải tăng nồng độ Glucose hoặc liều lượng để đảm bảo đường máu bình thường.

Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, do vậy cha mẹ nên trang bị những dụng cụ cần thiết tại nhà như máy đo đường huyết, máy đo huyết áp, nhiệt kế điện tử... để theo dõi sức khoẻ cho con thường xuyên. Trong trường hợp khi thấy trẻ có các triệu chứng bất thường, phụ huynh cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe