Theo thống kê, tỉ lệ ung thư dạ dày ở trẻ em chiếm khoảng 0.05% trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa. Các chuyên gia cho biết, bệnh ung thư dạ dày có thể gặp ở trẻ em nhưng tỉ lệ rất hiếm và phần lớn liên quan đến yếu tố di truyền.
1. Ung thư ở trẻ em
Trẻ mắc mới ung thư chiếm < 1% tổng số ung thư phát hiện mỗi năm, tuy nhiên, tỉ lệ này đang có xu hướng tăng nhẹ trong những năm gần đây.
Trên thế giới, ước tính mỗi năm có 160.000 ca mắc ung thư mới ở trẻ em và khoảng 90.000 trẻ tử vong vì ung thư. Ở các nước phát triển, ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở trẻ em dưới 14 tuổi.
Còn ở các nước đang phát triển như nước ta, hơn 50% trẻ em mắc ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn, kết quả sống thêm sau điều trị và tỷ lệ khỏi bệnh còn thấp.
Một số ung thư thường gặp ở trẻ em bao gồm:
- Bệnh bạch cầu cấp.
- U lympho ác tính Hodgkin.
- U ở hệ thống thần kinh trung ương.
- U nguyên bào thần kinh.
- U nguyên bào võng mạc.
- U nguyên bào thận.
- U xương.
- Sarcoma cơ vân.
- U hốc mắt.
- U vùng mũi họng.
2. Trẻ em có bị ung thư dạ dày không?
Ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, thậm chí bệnh còn gặp ở trẻ nhỏ. Thống kê của IARC (Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế) cho thấy mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 1 triệu ca mắc mới ung thư dạ dày, là loại ung thư tiêu hóa phổ biến chỉ sau ung thư trực tràng. Tỉ lệ trẻ em mắc ung thư dạ dày chiếm khoảng 0.05% trong số các ca ung thư tiêu hóa. Như vậy, ung thư dạ dày hoàn toàn có thể gặp ở trẻ, tuy nhiên tỷ lệ rất hiếm. Ung thư dạ dày ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng cũng như sự phát triển của trẻ.
Về nguyên nhân và yếu tố nguy cơ, các loại ung thư ở trẻ em thường khác với người lớn, nó thường không liên quan chặt chẽ đến lối sống hay các yếu tố nguy cơ từ môi trường. Ở Việt Nam, trong một nghiên cứu có trên 90% trẻ dưới 8 tuổi nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) ở dạ dày, mà vi khuẩn HP lại là yếu tố liên quan đến bệnh viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày. Vi khuẩn HP có thể gây viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản, loạn sản và cuối cùng có thể dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, quá trình từ khi một trẻ bị viêm dạ dày do nhiễm HP tới khi mắc ung thư dạ dày thường diễn tiến âm thầm và có thể kéo dài hàng chục năm, điều này giải thích vì sao ung thư dạ dày thường gặp ở độ tuổi sau 50. Nhiễm HP làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, nhưng không có nghĩa là nhiễm HP sẽ đồng thời với việc bị ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày ở trẻ có thể liên quan đến yếu tố gia đình, trẻ em có người thân bị ung thư dạ dày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh. Việc phát hiện và điều trị viêm loét dạ dày do HP ở trẻ có ý nghĩa trong việc phòng ngừa ung thư dạ dày về sau.
2. Dấu hiệu và triệu chứng ung thư dạ dày ở trẻ em
Ung thư dạ dày ở trẻ em nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ tăng tỉ lệ lành bệnh, giảm tỷ lệ tử vong. Còn ở giai đoạn muộn thì tiên lượng thường kém hơn. Do đó phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế khi có các dấu hiệu gợi ý bệnh lý bất thường ở đường tiêu hóa - có thể nằm trong bối cảnh của ung thư dạ dày, để được xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các dấu hiệu ung thư dạ dày ở trẻ em thường không điển hình và gặp trong nhiều bệnh cảnh khác nhau, phụ huynh không nên chủ quan với các triệu chứng này mà nên đưa trẻ đi khám để được tầm soát, sàng lọc các bệnh lý nguy hiểm như ung thư dạ dày.
- Chán ăn: Khi bị ung thư dạ dày, khối u sẽ phát triển dần, ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày, trẻ thường chán ăn, ăn không ngon miệng, dẫn đến gầy gò, chậm tăng cân.
- Đau bụng thượng vị: Trẻ em mắc ung thư dạ dày có thể khởi bệnh với triệu chứng đau bụng vùng thượng vị. Khi khối u dạ dày phát triển sẽ tác động đến phần bụng làm cho trẻ hay đau vùng bụng trên rốn thường xuyên, dai dẳng, âm ỉ, kéo dài, có thể quặn thắt dữ dội từng cơn. Đau có thể trước hoặc sau ăn, và thường đau nhiều về đêm. Đau bụng thượng vị còn có thể gặp trong các bệnh lý khác nhau như viêm dạ dày - ruột, viêm ruột thừa, viêm loét dạ dày,... Trẻ bị viêm loét dạ dày do HP khi có dấu hiệu đau bụng thượng vị thường xuyên, dai dẳng, cơn đau tăng dần, trở nên quặn thắt dữ dội cần đến bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra loại trừ các bệnh lý ác tính đường tiêu hóa.
- Đầy bụng, khó tiêu: Đây lại là triệu chứng thường gặp ở trẻ bị ung thư dạ dày, do khối u dạ dày chèn ép, ảnh hưởng lưu thông tiêu hóa.
- Ợ nóng, ợ chua: Trẻ em rất khó để mô tả triệu chứng này, vậy nên phụ huynh cần chú ý quan sát trẻ thật kỹ. Triệu chứng ợ nóng, ợ chua là một triệu chứng thường gặp của viêm loét dạ dày, và cũng có thể gặp trong ung thư dạ dày.
- Đại tiện phân đen: U dạ dày có thể chảy máu dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa, biểu hiện triệu chứng đi cầu phân đen. Phụ huynh nên quan sát phân của trẻ để phát hiện các dấu hiệu bất thường.
- Buồn nôn, nôn mửa: Buồn nôn, nôn mửa cũng là triệu chứng thường gặp trong ung thư dạ dày ở trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Đó có thể là dấu hiệu của hẹp môn vị do khối u dạ dày gần môn vị chèn vào.
Tóm lại, ung thư dạ dày không phổ biến ở trẻ, tuy nhiên nó đang có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây. Triệu chứng ung thư dạ dày ở trẻ em nhất là ở giai đoạn sớm thường mơ hồ và dễ bị bỏ sót vì gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư dạ dày ở trẻ em có ý nghĩa rất quan trọng để chẩn đoán kịp thời và điều trị hiệu quả.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư dạ dày
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.