Thoát vị bẹn có thể gặp ở mọi đối tượng, đôi khi người bệnh không chú ý và được phát hiện một cách tình cờ. Tuy nhiên, nếu chú ý có thể phát hiện các dấu hiệu điển hình sớm của thoát vị bẹn. Khi bị thoát vị bẹn cần được điều trị sớm, nếu không điều trị lâu dần khối vị có xu hướng to lên và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
1.Thoát vị bẹn là gì?
Ống bẹn có cấu trúc hình ống, nằm giữa các cơ thành bụng nằm chếch theo hướng từ sau ra trước, từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong. Ống bẹn ở người trưởng thành dài khoảng từ 3 – 5 cm, nằm ở phía trên đường nối từ gai chậu trước trên đến gai mu khoảng 2 cm. Có thể tưởng tượng ống bẹn như là một ống hình trụ với hai đầu là lỗ bẹn sâu và lỗ bẹn nông, còn thân ống được bao quanh bởi 4 thành.
Trong ống bẹn chứa các thành phần quan trọng như thừng tinh (ống dẫn tinh, động mạch nuôi tinh hoàn) ở nam và dây chằng tròn ở nữ.
Thoát vị bẹn là tình trạng một phần trong ổ bụng(thường gặp là ruột, mô mềm...) thoát vào ống bẹn vì một nguyên nhân nào đó, có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải.
Khi khối thoát vị lớn sẽ gây ra chèn ép vào các tổ chức quan trọng của ống bẹn, hoặc phần thoát vị bị nghẹt và gây hoại tử rất nguy hiểm.
2.Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây thoát vị bẹn
Những nguyên nhân gây ra thoát vị bẹn:
- Bẩm sinh: Do một cấu trúc trong ống bẹn, đáng lẽ phải đóng ngay sau khi sinh nhưng vì lý do nào đó ống này không đóng. Do đó các thành phần trong ổ bụng chui qua ống này tạo nên túi thoát vị gián tiếp có sẵn.
- Mắc phải: Do sự suy yếu thành bụng, thường gây nên thoát vị trực tiếp. Nguyên nhân gây yếu thành bụng có thể là tuổi già, một số bệnh làm mất collagen trong mô như hội chứng Ehler Danlos, suy dinh dưỡng hoặc béo phì, vết mổ hoặc thương tích vùng bẹn...Là nguyên nhân gây ra thoát vị bẹn trực tiếp.
Yếu tố thuận lợi:
- Do giới tính: Bệnh có thể gặp ở cả hai giới. Tuy nhiên nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
- Tình trạng táo bón: Nếu bị táo bón kéo dài thì đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi gây bệnh chủ yếu của thoát vị bẹn.
- Quá trình mang thai: Khi mang thai sẽ làm tăng áp lực ổ bụng, tăng nguy cơ gây thoát vị bẹn ở phụ nữ.
- Trẻ sinh thiếu tháng: Yếu tố nguy cơ gây thoát vị bẩm sinh ở trẻ em, trẻ sơ sinh...
- Do mắc một số bệnh lý như xơ nang hoặc bệnh gây ho mãn tính.
- Hút thuốc lá thường xuyên.
- Người có ngành nghề hay phải đứng trong thời gian dài.
- Người có tiền sử gia đình đã có người bị thoát vị bẹn.
3.Một số dấu hiệu của thoát vị bẹn
Hầu hết các trường hợp thoát vị bẹn không gây ra triệu chứng khó chịu gì cho bệnh nhân, nên thường được tình cờ phát hiện ra khi thăm khám vùng bẹn. Một số dấu hiệu điển hình của thoát vị bẹn bao gồm:
- Xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn. Khối này đôi khi tự mất đi khi thư giãn, hoặc xuất hiện tăng lên khi tăng áp lực ổ bụng như ho, hắt hơi, khóc, rặn, mang vác nặng...
- Đối với nam, khi khối thoát vị xuống tới tận bìu, sẽ khiến cho một bên bìu to bất thường so với bên còn lại.
- Khi sờ thấy khối thoát vị mềm, di động, đôi khi người bệnh có thể đẩy khối thoát vị lên bằng tay.
- Khối thoát vị thường không đau, đôi khi cảm giác tức nhẹ hoặc nặng.
- Một số dấu hiệu khi xuất hiện biến chứng:
- Thấy khối thoát vị sưng, nóng đỏ, đau nhiều kèm theo sốt đây là tình trạng khối thoát vị bị nghẹt làm giảm máu nuôi dưỡng tới phần nội tạng bị thoát vị, nếu khối thoát vị là ruột người bệnh thấy các triệu chứng khác như nôn, buồn nôn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hoại tử do không đủ máu cung cấp phần thoát vị.
- Chèn ép cấu trúc xung quanh: Ở nam giới khi khối thoát vị lớn chui xuống bìu, chèn ép vào thừng tinh, gây ảnh hưởng tới mạch máu nuôi gây đau và sưng bìu.
Thoát vị bẹn có các dấu hiệu bệnh rất điển hình, hầu như việc chẩn đoán chỉ cần dựa vào yếu tố lâm sàng.
4.Cách điều trị thoát vị bẹn
Điều trị chủ yếu của bệnh thoát vị bẹn là phẫu thuật ngoại khoa. Khi đã được chẩn đoán thoát vị bẹn đa số được chỉ định phẫu thuật trừ một số trường hợp đặc biệt.
Việc phẫu thuật thoát vị bẹn nên tiến hành sớm, nếu để càng lâu thì khối thoát vị càng to ra và nguy cơ cao gây những biến chứng nguy hiểm.
Khi lựa chọn phẫu thuật người bệnh có thể phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mổ mở. Phẫu thuật thoát vị bẹn sẽ đóng lại lỗ thoát vị và tái tạo lại thành bụng bằng cách đặt tấm lưới là phương pháp được sử dụng phổ biến.
Những dấu hiệu của bệnh thoát vị bẹn thường rất điển hình, việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân không chú ý, nên có thể bỏ qua bệnh và phát hiện ra bệnh khi có biến chứng. Chính vì vậy quan sát những thay đổi bất thường của cơ thể là điều quan trọng để phát hiện ra những vấn đề sức khỏe của bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.