Nghiệm pháp Valsalva siêu âm thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn hiện nay đang là căn bệnh rất phổ biến. Nghiệm pháp Valsalva siêu âm thoát vị bẹn là phương pháp hiệu quả để phát hiện bệnh, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

1. Thoát vị bẹn là bệnh gì?

Thoát vị bẹn là tình trạng một phần cơ quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối chui vào lỗ bẹn tạo thành túi thoát vị. Thoát vị bẹn thường gặp ở nam giới do cấu tạo vùng bẹn ở nam có dây thừng tinh chạy qua nên thành bụng nơi này khá yếu. Nữ giới thường ít gặp thoát vị bẹn và thường chỉ bị khi có bệnh lý làm tăng áp lực ổ bụng hoặc sau phẫu thuật.

Hay nói cách khác, vùng bẹn có những lỗ tự nhiên trong quá trình phát triển của bào thai một số cấu trúc giải phẫu đi qua để xuống dưới, như tinh hoàn chạy xuống bìu ở nam giới. Khi những lỗ giải phẫu này rộng, có thể đó là nguồn gốc của thoát vị bẹn, thoát vị đùi, từ đó một phần các tạng trong ổ bụng chui qua lỗ tự nhiên giãn rộng này.

Thoát vị bẹn biểu hiện bằng hiện tượng sưng phồng tại vùng bẹn, phần lớn ở tư thế đứng hoặc khi gắng sức. Thoát vị có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào và thoát vị bẹn thường xảy ra ở nam giới, thoát vị đùi lại thường gặp nhiều hơn ở nữ. Thoát vị ở trẻ em là hậu quả của bất thường bẩm sinh.

2. Biến chứng của bệnh thoát vị bẹn

Khi thoát vị đã hình thành, bệnh nhân sẽ cảm nhận khối thoát vị lớn dần lên, nhanh hay chậm tùy thuộc vào mỗi cá thể, bệnh sẽ không thể tự khỏi nếu không được can thiệp bằng các trị liệu.

Theo thời gian, tiến triển tự nhiên của bệnh sẽ làm tăng khó chịu cho người bệnh. Thoát vị nghẹt là nguy cơ hàng đầu gây nên tình trạng mắc kẹt ruột trong thoát vị, lúc này, khối thoát vị không thể đẩy lên được và rất đau đớn. Bệnh nhân phải được khám và xử trí cấp cứu.


Thoát vị bẹn gây cảm giác đau đớn cho người bệnh
Thoát vị bẹn gây cảm giác đau đớn cho người bệnh

Nguy cơ thoát vị nghẹt thay đổi tùy thuộc vào loại giải phẫu của thoát vị: ít xảy ra hơn với các thoát vị bẹn thể trực tiếp, lại hay xảy ra hơn ở thoát vị đùi. Để hiểu biết về nguy cơ nghẹt, người bệnh cần thảo luận với bác sĩ ngoại khoa khi khám bệnh. Có những bệnh nhân thoát vị có kèm theo đau tại chỗ nhưng không bị nghẹt. Triệu chứng đau này có thể liên quan đến những bệnh khác chưa hẳn do thoát vị và vì vậy chúng có thể vẫn tồn tại sau phẫu thuật thoát vị.

3. Dấu hiệu của thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn có thể xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào khác. Đôi khi, người bệnh cảm thấy đau hoặc căng tức vùng bẹn. Thông thường, người bệnh có thể tự đẩy chỗ túi thoát vị trở vào trong hoặc túi thoát vị này có thể biến mất khi người bệnh nằm xuống. Các em bé có thể có túi thoát vị xuất hiện từng đợt mỗi khi rặn, khóc, ho hoặc đứng.

Các biến chứng bao gồm thoát vị kẹt và thoát vị nghẹt:

  • Thoát vị kẹt là một phần của ruột, mô mỡ hoặc buồng trứng bị kẹt lại trong túi thoát vị. Thoát vị kẹt có thể tạo nên khối chắc, căng đau, gây nôn, táo bón và dễ kích thích.
  • Tình trạng nguy hiểm nhất là thoát vị nghẹt. Thoát vị nghẹt xảy ra khi các mô trong túi thoát vị bị xoắn lại. Tình trạng này có thể dẫn đến hoại tử, nghĩa là các mô trong túi thoát vị chết đi vì không được cung cấp đủ máu. Thoát vị nghẹt có thể gây ra các triệu chứng sốt và vùng thoát vị bị sưng, đỏ, viêm và rất đau.

Thoát vị nghẹt có thể gây ra triệu chứng sốt cho người bệnh
Thoát vị nghẹt có thể gây ra triệu chứng sốt cho người bệnh

4. Nguyên nhân và những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị bẹn

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người già khi mà thành bụng bị suy yếu. Thoát vị bẹn thường được chia thành hai nhóm là bẩm sinh và do bệnh lý.

Trong trường hợp bẩm sinh: Do một cấu trúc trong ống bẹn, đáng lẽ phải đóng sau khi sinh nhưng vì lý do nào đó ống này không đóng. Do đó các thành phần trong ổ bụng chui qua ống này gây thoát vị. Tuy nhiên, không phải ai có ống này cũng chắc chắn mắc bệnh.

Do bệnh lý: Thoát vị bẹn mắc phải nguyên nhân thường gặp là suy yếu thành bụng do tuổi già. Suy dinh dưỡng, béo phì, chấn thương hay phẫu thuật vùng bẹn cũng có thể gây ra thoát vị.

Ngoài ra các yếu tố thuận lợi làm tăng áp lực ổ bụng liên tục hoặc không liên tục trong thời gian dài, làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Ho kéo dài;
  • Táo bón lâu năm;
  • Mang thai có thể làm suy yếu cơ bụng và gây tăng áp lực bên trong bụng của bạn;
  • Khối u lớn trong bụng.

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn, bao gồm:

  • Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới;
  • Tiền sử gia đình: nguy cơ thoát vị bẹn tăng nếu bạn có một người thân, như cha mẹ hoặc anh chị em, bị tình trạng như vậy;
  • Một số bệnh lý: những người bị xơ nang, một bệnh lý gây tổn thương phổi nghiêm trọng, thường bị ho mãn tính và tăng khả năng mắc thoát vị bẹn;
  • Ho mãn tính: chẳng hạn như ở người hút thuốc lá, có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị bẹn;
  • Táo bón mãn tính: rặn khi đi ngoài là một yếu tố nguy cơ phổ biến của chứng thoát vị bẹn;
  • Thừa cân: tạo thêm áp lực lên bụng của người bệnh;
  • Mang thai: điều này có thể làm suy yếu cả các cơ bụng và gây tăng áp lực trong ổ bụng;
  • Một số ngành nghề: có một số công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài hoặc công việc lao động chân tay nặng làm tăng nguy cơ mắc thoát vị bẹn;
  • Sinh non.

Mang thai là một trong nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn
Mang thai là một trong nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn

5. Nghiệm pháp Valsalva siêu âm thoát vị bẹn

Hiện nay có rất nhiều phương pháp để chẩn đoán và khám bệnh thoát vị bẹn nhưng có một phương pháp được sử dụng hơn cả là nghiệm pháp Valsalva được áp dụng trong việc siêu âm thoát vị bẹn.

5.1 Nghiệm pháp Valsalva là gì?

Nghiệm pháp Valsalva là một kỹ thuật thở có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán các vấn đề xảy ra ở hệ thống thần kinh tự trị (hệ thần kinh thực vật). Nghiệm pháp này được đặt theo tên của bác sĩ người Ý ở thế kỷ XVII, Antonio Maria Valsalva. Nguyên lý chung khi thực hiện là người bệnh phải hít vào tối đa và cố gắng thở ra trong khi đường thở bị chặn (nắp thanh môn đóng).

Động tác này được mô tả giống như động tác rặn khi đại tiện, có tác dụng gia tăng áp lực trong lồng ngực. Luồng không khí được đẩy ra đột ngột khi thở qua mũi sẽ làm thay đổi nhịp tim và huyết áp nhanh chóng nên người bệnh cần thực hiện thật nhẹ nhàng. Trong lần đầu tiên, người bệnh sẽ thực hiện kỹ thuật này dưới sự giám sát của bác sĩ để đảm bảo quy trình chính xác trong khoảng thời gian an toàn nhưng hiệu quả.

5.2 Quá trình siêu âm thoát vị bẹn bằng nghiệm pháp Valsalva

  • Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân cởi quần, bộc lộ vùng bẹn đùi, bộ phận sinh dục. Ở người lớn và trẻ lớn, khám ở tư thế đứng. Nếu bệnh nhân không đứng được thì có thể nằm ngửa.
  • Thứ tự siêu âm: nhìn, sờ, nghe.
  • Bác sĩ sẽ quan sát vùng bẹn đùi để xác định thoát vị bên nào. Sau đó, bệnh nhân cần ho hay phình bụng, nếu thấy khối phồng xuất hiện thì chẩn đoán bệnh nhân đã bị thoát vị bẹn
  • Sau đó, bác sĩ có thể thực hiện thêm một vài chẩn đoán khác như: chạm ngón và chặn lỗ bẹn sâu.

Hình ảnh kết quả siêu âm bằng nghiệm pháp Valsalva
Hình ảnh kết quả siêu âm bằng nghiệm pháp Valsalva

Nguyên tắc chung của nghiệm pháp Valsalva siêu âm thoát vị bẹn này là để bệnh nhân ho, rặn để các khối phồng xuất hiện, từ đó xác định vị trí và tình trạng thoát vị bẹn. Đây là một căn bệnh ngày càng trở nên phổ biến, nên các bệnh nhân cần phải đi thăm khám thường xuyên để phát hiện bệnh.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe