Nhiễm trùng sơ sinh muộn là tình trạng nhiễm trùng xảy ra sau ngày thứ 5 sau sinh. Các dạng lâm sàng chính là viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tại chỗ (nhiễm trùng tiểu, da, niêm mạc, viêm khớp xương, viêm ruột hoại tử).
1. Tại sao trẻ bị nhiễm trùng?
Trẻ có thể bị nhiễm trùng thông qua các đường sau đây:
1.1 Qua đường máu từ mẹ sang con
Là đường lây truyền xảy ra trước sinh, thường gặp các tác nhân như: Giang mai bẩm sinh, HIV, cytomegalo virus, rubella, toxoplasma.
1.2 Lây qua đường ối
Do nhiễm trùng tiết niệu sinh dục ở mẹ, mẹ bị hở cổ tử cung, thăm khám âm đạo nhiều, vỡ ối sớm.
Lây qua đường tiếp xúc khi sinh: lúc ngang qua tử cung, âm hộ, âm đạo khi chuyển dạ kéo dài.
1.3 Do môi trường
- Lây gián tiếp qua các vật dụng như: Kim, ống chích, catheter, thông dạ dày, không rửa tay khi tiếp xúc bệnh nhân khác.
- Môi trường nhiễm bẩn.
- Tăng nguy cơ khi nằm viện lâu, ngạt, hồi sức tại phòng sinh, non tháng, nhẹ cân.
2. Triệu chứng lâm sàng của nhiễm trùng sơ sinh muộn
2.1 Nhiễm trùng huyết
Triệu chứng tương tự như nhiễm trùng sơ sinh sớm. Bao gồm tử ban, tụ máu dưới da, xuất huyết nhiều nơi, gan lách to.
2.2 Viêm màng não
- Sốt dai dẳng hoặc thân nhiệt không ổn định.
- Thay đổi tri giác, thay đổi trương lực cơ, co giật, dễ bị kích thích, ngưng thở, khóc thét, thóp phồng.
- Triệu chứng màng não có thể có hoặc không.
- Thở không đều, rối loạn vận mạch, nôn ói.
2.3 Nhiễm trùng da
- Nốt phỏng to nhỏ không đều, lúc đầu chứa dịch trong nếu bội nhiễm thì có mủ đục,vỡ để lại nền đỏ, chất dịch trong lan ra xung quanh thành mụn mới.
- Viêm da bong (bệnh Ritter): lúc đầu là mụn mủ quanh miệng sau lan toàn thân, thượng bì bị nứt bong từng mảng, để lại vết trợt đỏ ướt huyết tương.
- Toàn thân: nhiễm trùng, nhiễm độc, sốt cao, mất nước. Có thể kèm: viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng máu.
2.4 Nhiễm trùng rốn
- Rốn thường rụng sớm, sưng đỏ, tím bầm, chảy mủ hoặc máu, mùi hôi, sưng tấy xung quanh.
- Rốn thường rụng muộn, ướt, có mùi hôi, sưng tấy toàn thân.
- Có thể: sốt, kém ăn, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa.
2.5 Nhiễm trùng tiểu
Thường có vàng da. Cấy nước tiểu có vi trùng.
2.6 Viêm ruột hoại tử
Tiêu phân máu. Triệu chứng tắc ruột, có thể có phản ứng thành bụng.
2.7 Nhiễm trùng niêm mạc
Viêm kết mạc tiếp hợp: trẻ nhắm mắt, nề đỏ mi mắt, tiết dịch hoặc chảy mủ.
3. Làm thế nào phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh?
3.1 Các biện pháp thực hiện trước khi sinh
- Bà mẹ được khám thai, chủng ngừa đầy đủ. Điều trị tốt các bệnh lý và nhiễm trùng tiết niệu sinh dục cho bà mẹ.
- Cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, phòng suy dinh dưỡng cho bà mẹ.
- Chăm sóc vệ sinh cho bà mẹ mang thai tốt.
- Xử trí tốt những trường hợp ối vỡ sớm, ối vỡ non. Tránh để chuyển dạ kéo dài
Khi sinh
- Bảo đảm sinh sạch. Tránh nhiễm trùng lây qua các dụng cụ, bàn tay người chăm sóc, cũng như những nhiễm trùng ở mẹ phải được điều trị tốt khi sinh.
- Tránh các biến chứng sản khoa: Sinh ngạt, sang chấn sản khoa cho mẹ và con.
3.2 Các biện pháp thực hiện sau khi sinh
- Rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Đây là biện pháp rất quan trọng và hiệu quả trong phòng ngừa nhiễm trùng sau sinh.
- Chăm sóc vệ sinh da, rốn, mắt.
- Phòng ốc cho trẻ sơ sinh cần thoáng, ấm, sạch và có ánh sáng đủ.
- Cho trẻ bú sữa mẹ.
Các dấu hiệu và triệu chứng dùng cho nhận biết nhiễm trùng sau sinh đa dạng và rất dễ trùng lặp với những bệnh khác. Đưa trẻ đến bệnh viện ngay không chậm trễ khi thế trẻ khó thở, co giật, sốt hoặc cảm thấy lạnh, chảy máu, tiêu chảy, quá nhẹ cân, hoàn toàn không bú được.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt nếu thấy trẻ có các biểu hiện như bú khó, mủ mắt, mụn mủ da, vàng da, rốn đỏ hoặc chảy mủ, bú dưới 5 lần trong 24 giờ.