Sulbactam là một hoạt chất thường được phối hợp với các thuốc kháng sinh nhóm nhóm Penicillin điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Vậy công dụng của Sulbactam là gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào?
1. Công dụng Sulbactam là gì?
Sulbactam là một chất ức chế β-lactamase, nó có cấu trúc tương tự beta lactam nhưng có hoạt tính kháng khuẩn rất yếu. Chính vì vậy, nó không được sử dụng đơn độc trên lâm sàng.
Khi Sulbactam gắn vào beta lactamase, nó làm mất hoạt tính của enzym này nên sẽ bảo vệ các kháng sinh có cấu trúc beta lactam khỏi bị phân huỷ. Chính vì vậy, Sulbactam được sử dụng phối hợp với nhóm penicillin để mở rộng phổ tác dụng của các kháng sinh này với các vi khuẩn tiết ra beta lactamse như là vi khuẩn ruột, E.coli, tụ cầu, Klebsiella, Branhamella, Proteus, Neisseria, các vi khuẩn kỵ khí Bacteroides, Acinetobacter.
Thuốc Sulbactam được kết hợp với kháng sinh nhóm β-lactam như Ampicillin/Sulbactam:
- Bột pha hỗn dịch uống 250 mg/ml.
- Bột pha tiêm (tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch) với các hàm lượng khác nhau: 1.5g bao gồm ampicillin 1g và Sulbactam 0.5g; 3g bao gồm ampicillin 2g và Sulbactam 1g; 15g bao gồm ampicillin 10g và Sulbactam 5g.
Hiện tại, Sulbactam có sẵn trong các sản phẩm kết hợp với ampicillin được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm trùng hoặc nghi là do các vi khuẩn sinh beta-lactamase gây ra, khi mà ampicillin dùng đơn độc không có tác dụng.
Thuốc Sulbactam kết hợp với ampicillin được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới bao gồm: Viêm xoang, viêm tai giữa, viêm nắp thanh quản và viêm phổi vi khuẩn
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu và viêm thận - bể thận.
- Nhiễm khuẩn trong ổ bụng hoặc bệnh phụ khoa nghi do vi khuẩn kỵ khí.
- Viêm màng não
- Nhiễm khuẩn da, cơ, xương, khớp.
- Lậu không biến chứng.
Sulbactam chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người mẫn cảm với Sulbactam hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Cần thận trọng ở bệnh nhân bị dị ứng với kháng sinh beta-lactam khác (ví dụ cephalosporin).
- Bệnh nhân có tiền sử vàng da ứ mật hoặc rối loạn chức năng gan liên quan đến ampicillin Sulbactam.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Sulbactam
Liều dùng của thuốc Sulbactam được tính theo liều của ampicillin phối hợp với nó. Cụ thể, liều lượng thuốc Sulbactam và Ampicillin cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, liều tham khảo như sau:
Liều dùng thuốc Sulbactam và Ampicillin cho người lớn như sau:
- Nhiễm trùng trong ổ bụng, nhiễm trùng phụ khoa hoặc da và cấu trúc da: Sử dụng liều 1,5g (1g ampicillin + 0,5g Sulbactam) đến 3g (2g ampicillin + 1g Sulbactam) tiêm bắp/tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ; liều tối đa là 12g/ngày (tức là 8 g ampicillin và 4 g Sulbactam ở dạng kết hợp cố định).
- Viêm vùng chậu cấp tính, viêm tổ chức hốc mắt: Sử dụng liều 3g (2g ampicillin / 1g Sulbactam) cứ sau 6 giờ với doxycycline. Ngừng tiêm tĩnh mạch 24 giờ sau khi các triệu chứng lâm sàng được cải thiện; tiếp tục điều trị với doxycycline uống (100 mg hai lần) trong 14 ngày để hoàn thành điều trị.
- Viêm phổi cộng đồng mắc phải: Sử dụng liều 1,5g (1g ampicillin + 0,5g Sulbactam) đến 3g (2g ampicillin + 1g Sulbactam) tiêm truyền mỗi 6 giờ trong 5 ngày trở lên.
- Viêm phổi bệnh viện: Sử dụng liều 3g tiêm truyền mỗi 6 giờ trong 5 ngày trở lên.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bể thận: Sử dụng liều 3g (2g ampicillin + 1g Sulbactam) tiêm truyền mỗi 6 giờ trong 14 ngày.
- Nhiễm trùng nặng cần nhập viện: Sử dụng liều 1,5g (1g ampicillin + 0,5g Sulbactam) đến 3g (2g ampicillin + 1g Sulbactam) tiêm truyền mỗi 6 giờ trong 5-7 ngày
- Nhiễm khuẩn ruột đề kháng với penicillin hoặc bệnh nhân mẫn cảm với aminoglycosid: Sử dụng liều 3g (2g ampicillin + 1g Sulbactam) tiêm truyền mỗi 6 giờ trong vòng 6 tuần nếu không kháng aminoglycoside; trên 6 tuần nếu kháng aminoglycoside.
- Nhiễm trùng HACEK: Sử dụng liều 3g (2g ampicillin + 1g Sulbactam) tiêm truyền mỗi 6 giờ trong 4 tuần.
Liều dùng thuốc Sulbactam và Ampicillin cho trẻ em:
Nhiễm trùng da:
- Trẻ > 1 tuổi (<40kg): Sử dụng liều 200mg/kg/ngày tiêm truyền chia 6 giờ; thời gian điều trị không quá 14 ngày.
- Trẻ > 1 tuổi (>40kg): Sử dụng liều 1,5 g (1g ampicilin + 0,5g Sulbactam) đến 3g (2g ampicillin + 1g Sulbactam) mỗi ngày; liều tối đa là 12g/ngày.
Viêm nắp thanh quản: Sử dụng liều 100-200mg ampicillin/kg/ngày tiêm truyền chia mỗi 6 giờ.
Nhiễm trùng nhẹ hoặc trung bình:
- Trẻ > 1 tháng-1 tuổi: Sử dụng liều 100-150mg ampicillin/kg/ngày, tiêm bắp / tiêm tĩnh mạch chia mỗi 6 giờ.
- Trẻ > 1 tuổi: Sử dụng liều 100-200mg ampicillin/kg/ngày, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chia mỗi 6 giờ.
Viêm màng não hoặc nhiễm trùng nặng:
- Trẻ > 1 tháng-1 tuổi: Sử dụng liều 200-300mg ampicillin/kg/ngày, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chia mỗi 6 giờ.
- Trẻ > 1 tuổi: Sử dụng liều 200-400 mg ampicillin/kg/ngày, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chia mỗi 6 giờ.
Áp xe phúc mạc và hầu họng
Trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng liều 200mg ampicillin/kg/ngày tiêm tĩnh mạch chia 6 giờ.
Liều thuốc Sulbactam và Ampicillin cho bệnh nhân suy thận:
- CrCl 5-14 mL / phút / 1,73 m2: Sử dụng liều 1,5g (1g amoxicillin + 0,5g Sulbactam) đến 3g (2g ampicillin + 1g Sulbactam) tiêm truyền mỗi 24 giờ.
- CrCl 15-29 mL / phút / 1,73 m2: Sử dụng liều 3g (2g ampicillin + 1g Sulbactam) tiêm truyền mỗi 12 giờ.
- CrCl ≥ 30 mL / phút / 1,73 m2: Không cần điều chỉnh liều.
3. Tác dụng phụ của Sulbactam là gì?
Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Sulbactam kết hợp với ampicillin bao gồm:
- Phản ứng tại chỗ: Đau tại các vị trí tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch.
- Tiêu chảy
- Buồn nôn, nôn
- Phát ban
- Tăng Alanine aminotransferase, tăng Aspartate aminotransferase
- Thiếu máu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa acid
- Tăng bilirubin huyết.
Tác dụng phụ ít gặp khi sử dụng thuốc Sulbactam kết hợp với ampicillin bao gồm:
- Mẩn ngứa
- Mày đay
- Hồng ban đa dạng
- Sốc phản vệ
- Giảm bạch cầu trung tính, giảm hemoglobin, hematocrit.
Tác dụng phụ ít gặp khi sử dụng thuốc Sulbactam kết hợp với ampicillin bao gồm: Viêm lưỡi.
Tác dụng phụ không xác định tần suất của thuốc Sulbactam với ampicilin bao gồm:
- Thiếu máu tán huyết
- Viêm dạ dày
- Viêm đại tràng giả mạc
- Mất bạch cầu hạt
- Ban xuất huyết giảm tiểu cầu
- Sốc phản vệ
- Co giật
- Viêm miệng, lưỡi đổi màu.
- Viêm gan ứ mật, rối loạn chức năng gan, vàng da.
4. Tương tác Sulbactam với các thuốc khác
- Probenecid làm giảm đào thải ampicillin và Sulbactam qua ống thận khi sử dụng chung, tác dụng này làm tăng và kéo dài nồng độ thuốc kháng sinh trong huyết thanh, kéo dài thời gian bán thải và tăng nguy cơ nhiễm độc của thuốc.
- Sulbactam natri tương hợp với tất cả các loại dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch. Ampicillin tương kỵ với các thuốc aminoglycosid, vì vậy không được trộn chung trong cùng một bơm tiêm hoặc bình chứa.
- Cả Sulbactam natri và ampicillin natri tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch đều ít ổn định trong dung dich dextrose hoặc các dung dịch có chứa carbohydrate khác, vì vậy không nên pha chung thuốc với những sản phẩm từ máu hoặc từ protein thuỷ phân.
Sulbactam là một hoạt chất thường được phối hợp với các thuốc kháng sinh nhóm nhóm Penicillin điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh các tác dụng phụ, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.