Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Hệ thống tuần hoàn ở tim có nhiệm vụ mang oxy nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể. Trong đó, các van tim nắm giữ nhiệm vụ luân chuyển và mang máu giàu oxy đi qua các buồng tim chuyển đến các cơ quan khác. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu chức năng của 4 van tim và lý giải nguyên nhân một số bệnh van tim thường gặp.
1. Các nhiệm vụ của 4 van tim
Quả tim bình thường có 4 buồng tim: 2 buồng tim ở trên (hai tâm nhĩ) và 2 buồng tim ở dưới (2 tâm thất). Giữa các buồng tim này có các cấu trúc đảm bảo các dòng máu tuần hoàn di chuyển một chiều, gọi là các van tim. Trong khi các tâm nhĩ nhận máu từ các tĩnh mạch đưa về tim rồi bơm máu xuống các tâm thất, các tâm thất sẽ bơm máu ra khỏi tim và điều hướng vào các động mạch.
Nói chung, quả tim bình thường có 4 cấu trúc van tim đảm bảo cho dòng máu luân chuyển theo một chu trình sinh lý, cụ thể:
- Van động mạch chủ: Giúp cho máu luân chuyển đi theo một chiều từ tâm thất trái lên động mạch chủ (là động mạch chính đưa máu từ tim đi nuôi dưỡng cơ thể).
- Van động mạch phổi: Giúp cho máu chỉ đi theo một chiều từ tâm thất phải lên động mạch phổi và tăng cường quá trình trao đổi oxy ở phổi.
- Van 3 lá: Nằm ở bên tim phải, có nhiệm vụ cho phép dòng máu chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải.
- Van 2 lá: Nằm ở bên tim trái, có nhiệm vụ kiểm soát dòng máu chảy từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái.
Đặc biệt van 3 lá và van 2 lá được gắn với tâm thất bởi các cột cơ và dây chằng đặc biệt giúp kiểm soát hoạt động của van tim.
2. Chức năng tuần hoàn máu suy yếu nếu van tim bị hỏng
Hệ thống van tim là các cấu trúc phức tạp có vai trò đảm bảo cho máu lưu chuyển giữa các buồng tim theo một quy trình nhất định. Bình thường 4 van tim có cấu trúc thanh mảnh, mềm mại, cấu thành bởi các lá van tim, và được cố định bằng các dây chằng, cột cơ. Tuy nhiên nếu vì một nguyên nhân nào đó, các lá van này bị dày lên, bám dính vào nhau, viêm hoặc vôi hóa (như bệnh thấp tim) hoặc các dây chằng cố định van tim bị sa xuống, đứt gãy (như trong nhồi máu cơ tim) sẽ làm cho các van này không thể đóng ra mở vào như bình thường, dẫn đến các bệnh lý van tim:
- Khi các van tim trở nên dày và cứng hơn, hoặc dính các mép van lại với nhau làm hạn chế khả năng mở của van tim, gây cản trở dòng máu... được gọi là bệnh hẹp van tim (hẹp van 2 lá, hẹp van 3 lá).
- Khi các van tim đóng lại không kín do giãn vòng van, dính, co rút, thoái hóa hoặc dây chằng van tim quá dài... đẩy dòng máu trào ngược lại trong lúc đóng van được gọi là bệnh hở van tim.
- Lưu ý: Cả hai dạng tổn thương trên thường hay kết hợp với nhau.
Các tổn thương trên có thể gặp ở cả 4 van tim, có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải. Một số người bị bệnh van tim từ khi mới sinh nên được sửa hay thay van tim từ khi còn nhỏ. Các tổn thương van tim (dù hẹp hay hở van) đều có thể gây ra các rối loạn huyết động (còn gọi là rối loạn lưu chuyển máu), dẫn đến các bệnh lý từ nhẹ đến nặng.
Các nguyên nhân gây bệnh lý van tim có thể kể đến
- Do yếu tố bẩm sinh (sa van).
- Tổn thương do nhiễm khuẩn (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn)
- Do nhồi máu cơ tim, chứng xơ vữa động mạch.
- Do bệnh lý suy tim do tăng huyết áp, bệnh cơ tim chu sản, bệnh giãn cơ tim vô căn...
Các van tim mặc dù hoạt động bền bỉ, dai dẳng nhưng cũng có thể bị tổn thương do nhiễm khuẩn hay những bệnh lý khác. Khi van tim bị tổn thương, chức năng bơm máu sẽ kém hiệu quả hơn, tim càng phải làm việc nhiều hơn để bơm máu giàu oxy đi nuôi dưỡng cơ thể, dẫn đến suy tim, gây ra khó thở, đau ngực, mệt mỏi và phù do cơ thể giữ nước. Nếu các triệu chứng trên xuất hiện, người bệnh có thể cần cân nhắc thực hiện biện pháp nong van, sửa van hay thay van tim nhân tạo.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.