Các thể chín mé thường gặp

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Chín mé là một chứng nhiễm trùng bàn tay phổ biến, trong đó, chín mé ngón tay là phổ biến nhất. Dựa vào độ sâu của tổn thương nhiễm trùng mà chia ra 3 thể chín mé như sau: mé nông (lớp da), chín mé các tổ chức dưới da và chín mé sâu (gân, khớp, xương).

1. Chín mé là gì?

Chín mé là tình trạng nhiễm trùng mô mềm đầu ngón tay, thường là do tụ cầu và liên cầu. Vi khuẩn đi vào cơ thể người bằng cách xâm nhập qua vết xước, vết châm, vết thương nhỏ. Vị trí phổ biến nhất là mô mềm đầu xa ngón tay, có thể ở giữa, hai bên hoặc ở đỉnh ngón. Vách ngăn giữa các mô mềm thông thường giúp hạn chế nhiễm trùng lan rộng, dẫn đến áp xe làm tăng áp lực và hoại tử mô lân cận. Xương, khớp hay các gân duỗi nằm phía dưới có thể bị nhiễm trùng.

Điều trị bị chín mé tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng, thể chín mé và cơ địa bệnh nhân, thường bao gồm trích rạch và dẫn lưu sớm (đường rạch dọc giữa bên tương ứng với vách xơ) và kháng sinh đường uống hoặc tiêm truyền. Điều trị theo kinh nghiệm với cephalosporin là hợp lý. Ở những nơi nhiễm Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) phổ biến, nên dùng trimethoprim/sulfamethoxazole, clindamycin, doxycycline hoặc linezolid thay cho cephalosporin.

2. Các thể chín mé ngón tay thường gặp

Chín mé gây nhiễm khuẩn ở đầu ngón tay với 3 thể phổ biến là chín mé nông, chín mé dưới da và chín mé sâu.

2.1 Chín mé nông

Chín mé nông khởi phát ở lớp da của ngón tay với những trường hợp cụ thể sau:

  • Thể sưng, tấy đỏ: Đầu ngón tay sưng nhẹ, tấy đỏ, gây đau, không mưng mủ. Để điều trị, thông thường ngâm tay vào nước nóng để làm phóng bế gốc chi.
  • Thể phồng, chín mé trong da: Ban đầu, ngón tay sưng đỏ, sau đó tích tụ mủ ở lớp thượng bì, tạo thành một nốt phỏng có mủ màu trắng đục bên trong. Để điều trị cần phải rạch để mủ thoát ra, sau khi rạch cần băng ép và kết hợp dùng thuốc kháng sinh toàn thân.

Chín mé nông gây cảm giác sưng đau cho người bệnh
Chín mé nông gây cảm giác sưng đau cho người bệnh
  • Thể nhọt: Chín mé ngón tay xuất hiện ở vùng mu, có mủ. Để điều trị cần gây tê tại chỗ và rạch để thoát mủ.
  • Chín mé quanh móng: Ban đầu, chín mé xuất hiện ở một phần của góc móng, sau đó lan dần ra xung quanh, có thể lan vào gốc móng và gây chảy mủ kéo dài. Để điều trị cần gây tê ở gốc ngón, sau đó rạch quang móng, vùng móng bị mưng mủ bị cắt bỏ để dẫn lưu mủ, có thể phải lấy bỏ phần móng mới có thể khỏi tình trạng chảy mủ.
  • Chín mé dưới móng: Thường do bị vật nhọn, nhỏ, mảnh đâm vào phần đầu ngón tay. Chín mé ngón tay phần dưới móng rất đau nhức. Khi bóp đầu ngón tay có thể thấy phần mủ màu trắng đục tụ ở dưới móng. Để điều trị cần cắt bỏ phần móng bị mủ, trường hợp mủ tích tụ và lan rộng toàn bộ móng thì phải cắt bỏ cả móng.

2.2 Chín mé ngón tay dưới da

Chín mé ngón tay dưới da gây nhiễm trùng những tổ chức dưới da, thường xuất hiện ở các đốt 1, 2, 3 của ngón tay.

  • Chín mé ở đầu mút ngón tay: Đây là chín mé dưới da thường gặp nhất, xuất hiện ở đầu mút là đốt thứ 3 của ngón tay với biểu hiện sưng, đau, tấy đỏ, gây nhức. Để điều trị, cần phải rạch một đường vòng cung qua đầu mút ngón tay để dẫn lưu mủ và kết hợp dùng thuốc kháng sinh toàn thân.
  • Chín mé ở đốt ngón tay: Thường xuất hiện ở đốt thứ 2, gây sưng, đau. Để điều trị cần rạch 2 bên đốt để thoát mủ.

Hình ảnh chín mé dưới da gây nhiễm trùng
Hình ảnh chín mé dưới da gây nhiễm trùng

2.3 Chín mé ngón tay sâu

  • Thể xương: Chín mé ngón tay ảnh hưởng đến phần xương bên trong, thông thường là đốt bàn tay hoặc đốt thứ ba của ngón tay. Trường hợp này có thể là do chín mé ở dưới da không được điều trị gây biến chứng với biểu hiện cả đốt ngón tay sưng to, phồng lên, có màu tím đỏ, gây đau và khó chịu. Nếu bấm móng tay sẽ cảm thấy rất đau nhói. Có thể xuất hiện những lỗ rò chảy mủ mọc xung quanh. Nếu sau khi xử lý vẫn không khỏi, còn đau nhức, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang và cho hình ảnh đốt xương bị mờ không đều và trở thành mảnh xương chết. Để điều trị chín mé ngón tay ảnh hưởng đến xương, cần tiến hành gây tê để có thể rạch và cắt bỏ phần xương đã bị chết. Sau tiểu phẫu, hằng ngày cần ngâm tay trong dung dịch thuốc tím pha loãng để làm sạch và giữ gìn vệ sinh vết thương, kết hợp dùng thuốc kháng sinh toàn thân theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời tập tập vận động ngón tay.
  • Thể khớp: Chín mé ngón tay ảnh hưởng đến khớp có thể là trường hợp nguyên phát hoặc thứ phát, với biểu hiện khớp sưng, tấy đỏ, gây hạn chế trong vận động. Nếu chụp X-quang có thể thấy hình ảnh khe khớp bị hẹp, thưa xương. Để điều trị người bệnh cần được bơm và rửa khớp bằng thuốc kháng sinh và dung dịch huyết thanh 9%, kết hợp dùng thuốc kháng sinh toàn thân, cố định bất động đoạn khớp ở tư thế cơ năng.
  • Thể gân: Chín mé ngón tay ảnh hưởng sâu đến phần gân gây đau nhức dọc theo đường gân, đặc biệt là vùng gấp ngón tay, khiến ngón tay bị co lại và không duỗi được. Ngoài ra, người bệnh còn có biểu hiện mệt mỏi và sốt cao do bị nhiễm trùng nặng. Để điều trị cầm rạch một đường mở vào đáy bao để lộ túi cùng bao gân, từ đây rạch để dẫn lưu mủ để bơm rửa bao gân bằng dung dịch huyết thanh ấm có pha kháng sinh.

Chín mé có thể gây triệu chứng sốt cao và mệt mỏi ở người bệnh
Chín mé có thể gây triệu chứng sốt cao và mệt mỏi ở người bệnh

Chín mé nông, chín mé dưới da, chín mé sâu là 3 thể của chín mé. Trong đó, phần lớn người bị chín mé nông rất ít khi điều trị, cho đến khi chín mé ảnh hưởng đến dưới da. Lúc này, nếu không xử trí kịp thời, chín mé có thể gây biến chứng vào sâu bên trong gây viêm gân, viêm khớp, viêm xương, rất nguy hiểm. Vì thế để đảm bảo không xảy ra nhiễm trùng bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe