Bài viết được viết bởi bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Xơ gan còn bù là giai đoạn đầu của bệnh xơ gan và người bệnh thường không biểu hiện ra bất kỳ triệu chứng nào. Ở giai đoạn này, nếu phát hiện được và có biện pháp điều trị kịp thời và phù hợp thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình tiến triển xơ gan.
1. Triệu chứng lâm sàng của xơ gan còn bù là gì? Làm thế nào để biết mình bị xơ gan ở giai đoạn còn bù?
Xơ gan là một bệnh lý mà mô sẹo thay thế cho các mô bình thường của nhu mô gan. Do mô sẹo thay thế mô bình thường nên nó ngăn cản mạch máu đến gan làm cho các hoạt động của gan bị rối loạn.
Tiến triển xơ gan được chia 4 giai đoạn. Tuy nhiên, đánh giá theo hoạt động chức năng của gan và biểu hiện lâm sàng thì chia làm 2 giai đoạn là xơ gan còn bù và xơ gan mất bù.
Ở giai đoạn xơ gan còn bù, mô sẹo còn ít, các mô gan chưa bị tổn thương tăng cường hoạt động bù cho những phần mô gan đã bị tổn thương, hóa sẹo không còn chức năng nữa. Chừng nào mà phần mô lành không còn đủ khả năng duy trì chức năng của gan nữa thì sẽ xuất hiện các triệu chứng của xơ gan và được đánh giá là xơ gan mất bù.
Có nhiều nguyên nhân gây xơ gan, các nguyên nhân đã được biết bao gồm:
- Do uống nhiều rượu (đồ uống có cồn).
- Do nhiễm trùng: đứng đầu trong nhóm này là nhiễm virus viêm gan B, C và hay phối hợp với virus viêm gan D. Các nhiễm khuẩn khác ít gặp là nhiễm Brucellose, Echinococcus, Schistosomiasis, Toxoplasmosis.
- Xơ gan do bệnh lý di truyền hiếm gặp: Bệnh thiết huyết tố di truyền (Xét nghiệm có sắt huyết thanh tăng, ferritine và transferritine máu tăng), bệnh Wilson, xơ gan đồng (đồng huyết thanh tăng), thiếu antitrypsin, porphyrin niệu, tăng galactose máu, bệnh Gaucher, fructose niệu.
- Xơ gan do rối loạn miễn dịch: xơ gan mật nguyên phát, viêm gan tự miễn.
- Xơ gan cơ học (Xơ gan mật thứ phát - hậu quả của tắc nghẽn đường mật chính mạn tính do hẹp cơ oddi, do sỏi); tắc mạch máu như tắc tĩnh mạch trên gan trong hội chứng Budd-chiari, suy tim phải lâu ngày, viêm màng ngoài tim co thắt.
- Xơ gan do sử dụng các thuốc Méthotrexate, maleate de perhexilene, methyl dopa, thuốc ngừa thai, oxyphenisatin, izoniazide.
- Các nguyên nhân khác đã được đề cập đến, nhưng chưa được chứng minh gồm bệnh viêm ruột mạn tính, đái đường, sarcoidosis.
Một số trường hợp xơ gan vẫn chưa biết nguyên nhân.
Nếu một người có một hoặc nhiều các yếu tố nguy cơ gây xơ gan như trên mà thấy có các biểu hiện lâm sàng như dưới đây thì có thể nghĩ đến bị xơ gan và đang ở giai đoạn xơ gan còn bù:
- Cảm thấy người mệt mỏi không rõ nguyên nhân, chán ăn, ăn không ngon.
- Rối loạn tiêu hoá, đầy bụng, khó tiêu.
- Thỉnh thoảng có cảm giác đau tức vùng hạ sườn phải.
- Chảy máu cam không rõ lý do.
- Nước tiểu vàng.
- Khả năng tình dục suy giảm: giảm ham muốn, nam có thể liệt dương, nữ có thể vô sinh.
- Xuất hiện nhiều mao mạch nổi lên ở lưng, ngực, cổ, bụng.
- Mẩn đỏ ở lòng bàn tay.
Khi xuất hiện những dấu hiệu này thì là chức năng gan đã suy giảm. Ở giai đoạn xơ gan còn bù, các triệu chứng lâm sàng trên có thể rất mơ hồ, không cụ thể nhưng nếu phát hiện bản thân xuất hiện một trong những triệu chứng trên thì cần nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe để xác định bệnh.
Điều này rất quan trọng vì nếu phát hiện sớm được bệnh xơ gan ở giai đoạn còn bù và có biện pháp điều trị kịp thời-phù hợp thì có thể phục hồi chức năng gan hoặc làm chậm tiến độ của quá trình xơ gan.
Khi khám lâm sàng ở giai đoạn này có thể thấy gan còn to, lách to quá bờ sườn, sao mạch ở lưng và ngực, có dấu hiệu rụng lông, lông trở nên thưa dần, móng tay khô trắng, nam giới thì tinh hoàn thường teo nhẽo, vú sưng to.
2. Các chỉ số cận lâm sàng/xét nghiệm được dùng trong chẩn đoán bệnh xơ gan?
Các thăm dò/xét nghiệm được sử dụng để đánh giá tình trạng xơ gan, gồm:
- Siêu âm gan: siêu âm ổ bụng thông thường hoặc siêu âm kết hợp với đo độ cứng/độ đàn hồi của gan (Siêu âm Fibroscan gan)
- Chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng.
- Xét nghiệm:
+ Các xét nghiệm hoá sinh, đông máu để kiểm tra các chỉ số cơ bản đánh giá chức năng gan /tổn thương của gan (Định lượng albumin, protein, các yếu tố đông máu APTT hoặc INR, bilirubin; Đo hoạt độ các men AST/GOT, ALT/GPT, GGT, ALP, LDH)
+ Tổng phân tích tế bào máu (để kiểm tra số lượng tế bào máu, đặc biệt là số lượng tiểu cầu)
- Soi thực quản dạ dày để kiểm tra mức độ giãn tĩnh mạch thực quản
Ngoài ra, có thể người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để tìm hiểu, xác định yếu tố nguy cơ/nguyên nhân có thể dẫn đến xơ gan như:
- Các xét nghiệm xác định tình trạng nhiễm virus viêm gan (B, C, D) hoặc nhiễm khuẩn khác gây xơ gan.
- Các xét nghiệm tự kháng thể nếu nghi ngờ do bệnh tự miễn.
3. Giá trị của các thông số trong đánh giá mức độ xơ gan, xơ gan còn bù?
Xơ hóa gan gồm 4 giai đoạn (F0 đến 4) theo phân loại Metavir trên mô học.
Các mức độ xơ hóa gan gồm:
- Xơ hóa đáng kể (significant fibrosis): F ≥ 2
- Xơ hóa tiến triển (advanced fibrosis): F ≥ 3
- Xơ gan (cirrhosis): F4
Đánh giá các giai đoạn độ xơ hóa gan dựa theo các chỉ số:
- Đo độ đàn hồi gan (Fibroscan)
Đánh giá dựa trên kết quả siêu âm Fibroscan xác định độ đàn hồi/độ cứng mô gan
* ULN của phòng xét nghiệm (upper limit of normal- giới hạn trên của giá trị bình thường/khoảng tham chiếu)
- Chỉ số APRI
Công thức tính chỉ số APRI
- Đánh giá mức độ xơ gan dựa theo chỉ số APRI:
- Bảng điểm child-pugh
- Bảng tính điểm CHILD-PUGH
- Đánh giá mức độ xơ gan dựa trên thang điểm CHILD-PUGH
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo nguồn:
Tham khảo theo tài liệu tại PHỤ LỤC 2. ĐÁNH GIÁ CÁC GIAI ĐOẠN ĐỘ XƠ HÓA GAN (Ban hành kèm theo Quyết định số 3310/QĐ-BYT ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế).