Các cấp độ của bệnh tả lợn, thời gian ủ bệnh, khả năng lây lan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bệnh dịch tả lợn biểu hiện bệnh thông qua các cấp độ khác nhau, mọi người cần chủ động nhận biết các dấu hiệu của bệnh và cách phòng chống dịch để hạn chế việc bệnh lây lan.

1. Đặc điểm dịch tả lợn Châu Phi

Bệnh có nguồn gốc đầu tiên từ Châu Phi và là bệnh lây nhiễm do virus gây ra. Loại virus này thuộc họ Flaviviridae - là họ virus có sức đề kháng cao, nên khả năng lây lan rất cao, khó kiểm soát dịch.

Bệnh có thể lây nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn, mọi lứa tuổi của lợn và tỉ lệ chết gần như 100% với lợn nhiễm bệnh. Tỷ lệ lợn nhiễm bệnh bị chết rất cao và trong thời gian ngắn khiến người chăn nuôi không kịp xử lý, gây tổn thất về kinh tế.


Dịch tả lợn là bệnh lây nhiễm virus có nguồn gốc từ Châu Phi
Dịch tả lợn là bệnh lây nhiễm virus có nguồn gốc từ Châu Phi

2. Khả năng lây lan dịch tả lợn Châu Phi

2.1. Đường lây

Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và qua tiếp xúc với các vùng da bị trầy xước, tinh dịch...

Bệnh lây thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật nhiễm virus như: lợn nhiễm bệnh, phân, nước tiểu, chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và thức ăn chứa thịt lợn nhiễm bệnh.

Tuy nhiên bệnh không lây sang người nhưng người là một tác nhân gây phát tán bệnh. Do virus có thể bám trên quần áo, các vật dụng của người rồi lây sang lợn lành qua tiếp xúc với đồ dùng cá nhân của người mang virus.

2.2 Khả năng tồn tại của virus dịch tả lợn

Virus dịch tả lợn có sức đề kháng cao, có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, trong thịt lợn sống hoặc ở nhiệt độ không cao virus có thể tồn tại được 3-6 tháng, trong máu bảo quản lạnh đến 6 năm, lách 2-2,5 năm...

Virus dịch tả lợn bị chết ở 56 độ trong vòng 70 phút, 60 độ trong vòng 20 phút và ở 70 độ C. Chúng nhạy cảm với các loại thuốc sát trùng như formol 2%, NAOH 3-4% và các loại thuốc sát trùng chuồng trại.

Sức đề kháng của virus dịch tả lợn cao và có khả năng sống sót nhiều năm nên bệnh dịch có khả năng lây lan trên phạm vi rộng và kéo dài, khó kiểm soát hơn.

3. Biểu hiện bệnh theo các cấp độ


Thời gian ủ bệnh tả lợn theo các cấp độ khác nhau
Thời gian ủ bệnh tả lợn theo các cấp độ khác nhau

Bệnh có biểu hiện qua nhiều cấp độ, bao gồm: thể quá cấp, thể cấp tính, thể á cấp và thể mạn tính.

Thời gian ủ bệnh thông thường của các thể kéo dài từ 5-7 ngày.

3.1 Thể quá cấp tính

  • Thể quá cấp tính diễn ra nhanh, lợn chết nhanh chóng, thường không biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc lợn nằm ủ rũ và sốt cao trước khi chết. Phần da mỏng như mang tai, vùng bẹn, bụng xuất hiện nhiều nốt màu đỏ và chuyển dần sang màu tím.

3.2 Thể cấp tính

  • Lợn sốt cao khoảng 40,5 - 42 độ C.
  • 2-3 ngày đầu tiên lợn không ăn, lười vận động, kiệt sức, nằm chồng đống, thích nằm chỗ gần nước.
  • Lợn di chuyển bất thường, chậm chạp một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là các vùng như tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể có màu xanh tím.
  • Sau đó khoảng một vài ngày trước khi lợn chết có biểu hiện triệu chứng thần kinh, đi lại không vững, thở gấp, khó thở, ho, có bọt lẫn máu ở mũi, nôn mửa, tiêu chảy, đôi khi phân lẫn máu hoặc có thể táo bón.
  • Lợn chết trong vòng 8-15 ngày hoặc có thể kéo dài đến 20 ngày. Trường hợp lợn mang thai có thể gây sẩy thai, tỉ lệ chết cao, gần như 100%.
  • Nếu lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm virus không triệu chứng sẽ mang virus cả đời và là nguồn lây nhiễm bệnh.

3.3 Thể á cấp

  • Gây ra do virus có động tính trung bình, biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng.
  • Lợn sốt nhẹ, hoặc không sốt, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm phổi gây ra ho và khó thở. Đi lại khó khăn, viêm khớp, lợn mang thai có thể sẩy thai.
  • Lợn chết sau khoảng 15-45 ngày, tỷ lệ chết ở thể này khoảng 30-70%. Lợn có thể khỏi bệnh hoặc nhiễm bệnh mạn tính.

3.4 Thể mạn tính

  • Các triệu chứng có thể xuất hiện ở lợn kéo dài từ 1 đến 2 tháng và thường xuất hiện trên lợn con từ 2-3 tháng tuổi.
  • Biểu hiện rối loạn tiêu hóa: đi ngoài lúc táo, lúc lỏng kèm theo ho và khó thở. Các vùng da mỏng bị tróc ra thành từng mảng, các nốt xuất huyết đổi từ đỏ sang tím.
  • Tỷ lệ lợn chết thấp hơn các thể khác. Sau khi khỏi bệnh lợn vẫn mang virus và là nguồn lây bệnh.

Bệnh tả lợn châu Phi đang có xu hướng lây lan nhanh, đe dọa không nhỏ tới ngành chăn nuôi. Nhận biết dấu hiệu bệnh để có những biện pháp xử lý lợn bệnh và chuồng trại giúp hạn chế việc lây lan bệnh ngày một rộng hơn. Bệnh rất dễ lây lan nên cần áp dụng đúng các biện pháp phòng bệnh một cách hợp lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe