Bài viết bởi ThS.BS Lê Thị Thanh Hương - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Bỏng là những tổn thương gây ra khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt, điện hoặc các loại hóa chất. Theo đó, tùy nguyên nhân gây bỏng và mức độ vết thương mà các bác sĩ có cách sơ cứu, xử lý và điều trị khác nhau.
1. Các bước sơ cứu bỏng do nhiệt
Bỏng do nhiệt thường gây ra khi cơ thể tiếp xúc với bề mặt nóng, chất lỏng nóng, hơi nóng hoặc lửa. Trong trường hợp này chúng ta chỉ nên dùng nước mát và băng vải sạch để đắp lên vết thương. Tuy nhiên bạn không nên dùng đá, vì nó sẽ làm tình trạng bỏng trở lên nặng nề hơn.
1.1. Các bước sơ cứu đối với những tổn thương bỏng nhỏ
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và nạn nhân thì người sơ cứu cần tuân thủ các nguyên tắc sơ cứu khi bị bỏng như sau:
- Quan sát xung quanh, đảm bảo môi trường an toàn hoặc đưa nạn nhân đến nơi an toàn.
- Đem túi hoặc dụng cụ sơ cứu đến.
- Mang phương tiện phòng hộ cho bản thân (Găng tay, mắt kính bảo vệ), nếu bạn cấp cứu cho người khác.
- Sử dụng nước lạnh để làm mát vết bỏng (nếu không có nước lạnh có thể dùng nước mát bình thường, nhưng không được dùng nước đá) trong tối thiểu 10 phút.
- Để vết bỏng dưới vòi nước lạnh đang chảy cho đến khi không còn đau.
- Băng vết bỏng bằng băng/gạc sạch.
Ví dụ: Khi bị bỏng do nước sôi, bạn có thể để vết bỏng dưới vòi nước mát đang chảy trong vòng 10 phút (không nên để vòi nước xịt quá mạnh, mà chỉ cần để nước chảy thành dòng là được).
1.2. Các bước sơ cứu đối với những tổn thương bỏng lớn
- Quan sát xung quanh, đảm bảo môi trường an toàn hoặc đưa nạn nhân đến nơi an toàn.
- Nếu bỏng do lửa, bỏng rộng, bạn hãy gọi cấp cứu (gọi 115 hoặc đơn vị cấp cứu nào gần nhất mà bạn có số điện thoại). Khi gọi cấp cứu bạn cần cung cấp rõ thông tin về: Vị trí nạn nhân (số phòng, số nhà, đường, phường, quận...), số nạn nhân (dự tính), tình hình nạn nhân, tình đám cháy hoặc tai nạn, yêu cầu hoặc nhờ hướng dẫn hỗ trợ thêm (khi cần). Theo đó, bạn cần chú ý cung cấp số điện thoại và giữ điện thoại liên tục để cấp cứu viên có thể liên lạc lại khi cần.
- Nếu nạn nhân hoặc quần áo trên người nạn nhân bị cháy thì cần hướng dẫn nạn nhân dập lửa bằng cách dừng lại, nằm xuống và lăn trên mặt đất. Sau đó dùng một tấm mền nhúng nước và trùm lên người nạn nhân.
- Khi lửa đã tắt thì lấy tấm mền ra, cẩn thận tháo bỏ trang sức và quần áo trên người nạn nhân, nhưng không cố gỡ bỏ những thứ đã bị dính bết vào da nạn nhân.
- Đối với những vùng da bị bỏng lớn, cần dùng nước lạnh để làm mát trong tối thiểu 10 phút.
- Sau khi làm mát vết bỏng, dùng băng/gạc khô, sạch băng vết thương lại.
- Dùng một tấm mền khô, sạch để đắp cho nạn nhân.
- Kiểm tra xem người bệnh có các dấu hiệu sốc không.
Sau đó, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, đánh giá và điều trị bệnh sớm.
2. Các bước sơ cứu bỏng do điện/ điện giật
Điện có thể gây ra bỏng ở bên ngoài và bên trong cơ thể, làm tổn thương nhiều cơ quan khác nhau.
Bạn có thể thấy dấu hiệu tổn thương trên da của luồng điện vào cơ thể không lớn nhưng vẫn có thể gây tổn thương nặng nề cho các cơ quan khác trong cơ thể. Do đó không thể dựa vào những dấu vết ngoài để đánh giá độ nặng của bỏng do điện. Điện giật có thể gây ra ngưng thở, rối loạn nhịp tim, tử vong hoặc ngừng tim.
Nếu tai nạn điện giật gây ra bởi dòng điện cao thế (Ví dụ: đứt dây điện cao thế), cần báo ngay cho nhà chức trách và gọi cấp cứu 115. Theo đó, bạn không đi vào khu vực tai nạn hoặc cố gắng di chuyển dây điện cho đến khi nguồn điện chắc chắn đã ngắt. Vì điện có thể truyền từ cơ thể nạn nhân sang bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý tuyệt đối không được chạm vào người nạn nhân cho đến khi nguồn điện ngắt hẳn. Trong trường hợp bạn thông thạo về các thiết bị sử dụng điện thì hãy ngắt nguồn điện và nhanh chóng tiếp cận nạn nhân.
2.1. Các bước sơ cứu cho nạn nhân bị điện giật
- Quan sát xung quanh, đảm bảo môi trường an toàn hoặc đưa nạn nhân đến nơi an toàn.
- Đem túi hoặc dụng cụ sơ cứu đến.
- Mang phương tiện phòng hộ cho bản thân (Găng tay, mắt kính bảo vệ), nếu bạn cấp cứu cho người khác.
- Gọi cấp cứu 115 hoặc đơn vị cấp cứu gần nhất mà bạn có số điện thoại.
Khi nguồn điện được tắt và nằm trong vùng an toàn thì tiếp cận nạn nhân, kiểm tra nạn nhân bằng cách: Lay gọi xem nạn nhân có đáp ứng không (mở mắt, nháy mắt, nhăn mặt, rên rỉ, cử động tay chân...). Nếu nạn nhân không có bất cứ đáp ứng nào thì cần xem nạn nhân còn thở không (bằng cách quan sát xem ngực và bụng nạn nhân có nhấp nhô lên xuống trong vòng 10 giây không). Nếu không có đáp ứng nào bạn hãy hỗ trợ CPR (cấp cứu hồi sinh tim phổi) ngay.
Sau đó, bạn hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
3. Các bước xử trí ban đầu sốc do bỏng
- Hỗ trợ hô hấp.
- Ổn định tim mạch.
- Hồi sức dịch: sử dụng dung dịch điện giải
Ước tính lượng dịch cần truyền dựa vào diện tích da bị bỏng, theo công thức:
- Trong 24 giờ đầu: 4 ml Lactate ringer/kg/% diện tích bỏng + nhu cầu cơ bản. Tốc độ truyền: 50% tổng lượng dịch trong 8 giờ đầu, 25% tổng lượng dịch trong 8 giờ tiếp theo, 25% tổng lượng dịch trong 8 giờ cuối cùng.
- Theo dõi đáp ứng truyền dịch bằng cách theo dõi huyết áp, CVP, lưu lượng nước tiểu (duy trì lượng nước tiểu 0.5-1mL/giờ, hoặc 30-50mL/giờ)
Ngoài ra, người bệnh cần được kiểm soát đau bằng các loại thuốc: Paracetamol, Methadone, Morphin... và chăm sóc vết thương bỏng, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.