Ý nghĩa của xét nghiệm beta hcg trong chẩn đoán chửa trứng

Chửa trứng là một tình trạng bất thường trong thời kỳ thai nghén, nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách chửa trứng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Xét nghiệm nồng độ hCG trong chửa trứng là một xét nghiệm thường quy, có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi người bệnh trong quá trình điều trị.

1. Chửa trứng là gì và được điều trị như thế nào?

1.1 Chửa trứng là gì?

Thông thường sau khi trứng và tinh trùng kết hợp với nhau trong quá trình thụ tinh sẽ phát triển thành thai nhi và các phần phụ có tác dụng bảo vệ, nuôi dưỡng thai như nhau thai, túi ối.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các tế bào nuôi phát triển quá nhanh, các tổ chức liên kết và mao mạch của mạch máu rốn của mạch máu rốn ở gai nhau phát triển không kịp dẫn đến gai nhau bị thoái hóa, phù nề tạo thành các túi chứa dịch giống như chùm nho chứa đầy nước, các túi này không thông với nhau mà nối với nhau bằng những sợi nhỏ, đường kính từ 1- vài chục milimet lấn át bào thai. Hiện tượng này gọi là chửa trứng.

Chửa trứng gồm hai loại:

  • Chửa trứng hoàn toàn: Toàn bộ các gai rau thai trở thành nang nước, trong tử cung không có thai.
  • Chửa trứng bán phần: Chỉ một số gai rau thai trở thanh nang nước, trong buồng tử cung có thai.

Chửa trứng thường xảy ra ở phụ nữ trên 35 tuổi, phụ nữ đã sinh nở nhiều lần, có tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, người có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu đạm, acid folic, vitamin A,...


Chửa trứng thường xảy ra ở phụ nữ trên 35 tuổi
Chửa trứng thường xảy ra ở phụ nữ trên 35 tuổi

Đa số các trường hợp chửa trứng là lành tính tuy nhiên một số trường hợp có thể tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm như: mất máu, băng huyết, các trứng ăn sâu vào lớp cơ tử cung, làm thủng cơ tử cung, chảy máu ổ bụng. Đặc biệt, các tế bào nuôi ở nhau thai bị ung thư có thể xâm nhập vào cơ thể mẹ qua đường máu qua đường máu, làm ung thư di căn đến các bộ phận, đây là một loại ung thư ác tính gây tỷ lệ tử vong cao.

1.2 Điều trị chửa trứng

Bệnh nhân sau khi bị chuẩn đoán chửa trứng thường được chỉ định hút nạo thai trứng, kết hợp truyền dịch pha oxytocin để co hồi tử cung và sử dụng kháng sinh để tránh nhiễm trùng. Nạo hút lại lần 2 sau 2-3 ngày nếu lần đầu nạo không đảo bảo hết trứng. Mẫu mô nạo sẽ được gửi đi làm giải phẫu bệnh để xác định có chứa tế bào ung thư không. Bệnh nhân nên tránh thai trong vòng 2 năm sau khi điều trị.

Trong trường hợp chửa trứng xâm lấn làm thủng tử cung ở những phụ nữ đã lớn tuổi hoặc không muốn có thêm con nữa, bác sĩ có thể chỉ định cắt tử cung sau nạo hút thai trứng.

2. Ý nghĩa của xét nghiệm nồng độ hcg trong chửa trứng

2.1 Xét nghiệm beta hCG là một xét nghiệm chửa trứng cơ bản giúp chẩn đoán bệnh

Khi bệnh nhân có tình trạng chửa trứng, nồng độ beta hCG thường tăng cao trên 100.000 mUI/ml. Hình ảnh siêu âm và kết quả xét nghiệm beta hCG chửa trứng là hai yếu tố cận lâm sàng chủ yếu giúp bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh.

2.2 Xét nghiệm beta hCG chửa trứng giúp theo dõi hiệu quả điều trị và diễn biến bệnh

Nồng độ beta hCG sẽ giảm nhanh trong tuần đầu sau khi nạo trứng, khoảng 80% bệnh nhân sẽ có nồng độ hCG nước tiểu về nước bình thường trong vòng 30-60 ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo thai trứng đã được loại bỏ hoàn toàn, bệnh nhân cần xét nghiệm nồng độ beta hCG trong vòng hai năm để theo dõi.

Tần suất xét nghiệm như sau:

  • Sau khi được hút nạo thai trứng, bệnh nhân thực hiện xét nghiệm định lượng hCG mỗi tuần một lần cho đến khi nồng độ hCG trở về bình thường.
  • Trong 6 tháng tiếp theo, nếu các kết quả trước đó đều âm tính thì xét nghiệm mỗi tháng một lần.
  • Sau đó, tiếp tục định lượng 2 tháng một lần cho đến khi đủ thời gian theo dõi là hai năm.

Trong thời gian theo dõi, nếu kết quả xét nghiệm hCG chửa trứng xảy ra các trường hợp:

  • Nồng độ beta hCG lần thử sau cao hơn lần thử trước.
  • Nồng độ beta hCG trong 3 lần thử liên tiếp không giảm hoặc giảm dưới 10%.
  • Nồng độ beta hCG > 20.000 UI/L sau nạo trứng 4 tuần, nồng độ beta hCG > 500UI/L sau nạo trứng 8 tuần, nồng độ beta hCG > 5UI/L sau nạo trứng 6 tháng.

Thì bệnh được xem là tiến triển không thuận lợi, bệnh nhân cần được thăm khám kỹ, siêu âm và thực hiện thêm các xét nghiệm khác để phát hiện các biến chứng của bệnh.


Xét nghiệm beta hCG chửa trứng giúp theo dõi hiệu quả điều trị và diễn biến bệnh
Xét nghiệm beta hCG chửa trứng giúp theo dõi hiệu quả điều trị và diễn biến bệnh

Một điều may mắn là việc điều trị chửa trứng không ảnh hưởng đến khả năng mang thai của phụ nữ, tỉ lệ mắc thai trứng lần mang thai sau rất thấp, chỉ từ 1-2%. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì phụ nữ chỉ nên có thai sau 2 năm theo dõi điều trị mà không có biến chứng. Lần có thai sau, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là trong ba tháng đầu thai kỳ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe