Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Nguyễn Quỳnh Giang - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Giang đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt trong lĩnh vực cắt lớp vi tính đa dãy, cộng hưởng từ.
X quang là phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng nhất trong việc chẩn đoán bệnh lý về phổi hoặc xương. X quang ngực là một xét nghiệm thường quy trong thăm khám và điều trị nhiều bệnh lý, nhất là bệnh lý liên quan tới đường hô hấp.
Ngày nay mặc dù công nghệ hiện đại, có nhiều các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, chuyên sâu với độ chính xác cao tuy nhiên chưa bao giờ Xquang bị đánh giá thấp trong các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh. Bài viết sẽ cung cấp những thông tin về X quang ngực cơ bản cũng như các bước đọc X quang ngực cơ bản.
1. X quang ngực là gì? Tư thế khi chụp X quang ngực?
X quang ngực là phương pháp kỹ thuật dùng để chẩn đoán hình ảnh nhằm đánh giá tình trạng của ngực, các thành phần của nó và các cấu trúc lân cận của bệnh nhân. X quang ngực là phim được chụp nhiều nhất trong y khoa, phương pháp này được bác sỹ sử dụng nhiều nhất để đánh giá, giúp phát hiện triệu chứng bất thường của phim chụp Xquang ngực từ đó có thể giúp các bác sỹ lâm sàng đưa ra chẩn đoán sơ bộ.
Giống như các phương pháp chụp X quang khác, chụp X quang ngực dùng tia phóng xạ tạo thành tia X từ đó sẽ chụp được hình ảnh ngực. Liều phóng xạ trung bình cho người lớn là khoảng 0.02 mSv (2 mrem) cho một phim ngực thẳng (PA hay posterior-anterior) và 0.08 mSv (8 mrem) cho phim chụp nghiêng (LL hay latero-lateral).
Hướng dẫn chi tiết cách phát hiện triệu chứng bất thường của phim chụp Xquang ngực từ đó có thể giúp các bác sỹ lâm sàng đưa ra chẩn đoán sơ bộ.
Đây thực sự là những chia sẻ quý giá với không chỉ các bác sỹ chẩn đoán hình ảnh mà nó còn giúp các bác sỹ lâm sàng nâng cao kiến thức và kỹ năng chẩn đoán bệnh.
Có 4 tư thế chính khi chụp X quang:
- Sau - trước
- Nghiêng
- Trước - sau
- Nằm - nghiêng
2. Khi nào cần thực hiện chụp X quang ngực?
Bệnh nhân có chỉ định chụp X quang ngực khi bác sỹ nghi ngờ hoặc cần đánh giá tình trạng của bệnh nhân liên quan tới phổi, xương:
Lợi ích của chụp phim Xquang:
- Kỹ thuật chụp đơn giản, dễ thực hiện.
- Chi phí thấp.
- Thời gian có kết quả chụp phim ngắn.
Nhược điểm của phương pháp này là kết quả phim chụp có chính xác hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng của người chụp, sự hợp tác của người bệnh và kinh nghiệm, khả năng đọc kết quả của bác sỹ.
3. Các bước đọc X quang lồng ngực
- Kiểm tra lại thông tin bệnh nhân, ngày chụp X quang
- Cần chú ý tư thế chụp : thẳng, tại giường, nghiêng, chếch, nằm nghiêng.
- Xem các đánh dấu trên phim
- Xem chất lượng phim: Có quá sáng hay quá tối, hít vào đủ sâu không? Bất động tốt không? Tư thế có ngay không.
Hướng dẫn đọc X quang ngực
Kết quả hình X quang lồng ngực bình thường khi:
Xương lồng ngực:
Xương ức và xương cột sống ngực thường không thấy được trên phim thẳng, chỉ thấy rõ trên phim chụp nghiêng.
Xương sườn : Xác định trên phim chụp thẳng.
- Cung sau: Đi từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
- Cung trước: Đi từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Phần sụn không cản quang nên không xác định được tổn thương.
- Các xương sườn 11, 12 chỉ thấy được trên phim chụp tiết niệu.
Cơ và phần mềm thành ngực:
- Cơ ngực lớn, cơ ức đòn chũm.
- Bóng vú và núm vú của phụ nữ.
Những bộ phận này chồng hình lên vùng nền và ngoại vi hai phế trường, làm giảm độ sáng của phổi.
Nhu mô phổi và rốn phổi:
- Hai phế trường có màu đen trên phim chụp được gọi là hình sáng.
- Rốn phổi có màu trắng, gọi là hình mờ, xuất phát từ hai bên của bờ tim, hình rễ cây. Rốn phổi được tạo thành bởi động mạch phổi và các phế quản. Rốn phổi trái thường cao hơn rốn phổi phải khoảng 1 - 2 cm. Rốn phổi chia nhánh nhỏ dần ra ngoại vi thành vân phổi. Khi cách thành ngực khoảng 1 cm thì vân phổi không còn thấy rõ.
Bóng tim và trung thất:
- Bình thường ở vị trí lệch trái và có đường kính ngang < 1⁄2 đường kính ngang lồng ngực.
Khí quản và phế quản gốc
- Thấy rõ được trên phim chụp điện áp cao.
- Vòm hoành
- Vòm hoành phải cao hơn vòm hoành trái khoảng 1 - 2 cm. Ngay dưới vòm hoành trái là túi hơi dạ dày.
Phân chia phế trường và trung thất
- Phân chia phế trường
Trên phim thẳng:
Theo chiều ngang:
- Vùng đỉnh: Từ bờ trên cung trước sườn 2 trở lên.
- Vùng rốn : Từ bờ trên cung trước sườn 2 đến bờ trên cung trước sườn 4.
- Vùng nền : Từ bờ trên cung trước sườn 4 đến vòm hoành.
Theo chiều dọc:
- Vùng trung tâm: Dọc theo điểm giữa xương đòn trở vào.
- Vùng ngoại vi : Dọc theo điểm giữa xương đòn trở ra.
Theo các mốc giải phẫu X quang:
- Vùng trên đòn.
- Vùng dưới đòn.
- Góc sườn hoành hai bên.
- Góc tâm hoành hai bên.
- Vùng rốn phổi.
Trên phim nghiêng:
- Phổi được phân chia thành các thuỳ và phân thuỳ phổi. Phổi phải có 3 thuỳ trên, giữa và dưới. Phổi trái có 2 thuỳ trên và dưới. Mỗi bên phổi được chia thành 10 phân thuỳ.
Phân vùng trung thất
Bình diện thẳng:
- Trung thất là hình mờ nằm giữa hai trường phổi, được giới hạn bởi phế mạc trung thất hai bên. Được chia làm 3 tầng (trên, giữa và dưới) bằng hai mặt phẳng qua bờ trên quai động mạch chủ và qua bờ dưới ngã ba khí phế quản.
Bình diện nghiêng:
Được phân chia theo sơ đồ của Felson :
- Trung thất trước: Từ mặt sau xương ức tới bờ trước khí quản (hoặc bờ sau tim).
- Trung thất giữa: Tiếp theo trung thất trước tới sau bờ trước cột sống ngực khoảng 1cm.
- Trung thất sau: Tiếp theo trung thất giữa tới hết máng sườn cột sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.