Ngộ độc thực phẩm xảy ra là do tiêu thụ nguồn thức ăn đã bị ô nhiễm. Đây là hệ quả của thực phẩm ô nhiễm khi được xử lý, lưu trữ hoặc chế biến không an toàn. Một số thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao và một số người cũng có cơ địa dễ mắc phải. Chính vì vậy, ngộ độc thực phẩm là một nguyên nhân đi khám rất thường gặp trong nhóm bệnh lý tiêu hóa.
1. Thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc
Ô nhiễm thực phẩm không chỉ giới hạn ở những nhóm thực phẩm mà bạn suy nghĩ thông thường chẳng hạn như thịt gà hoặc cá trong các món ăn đồ tái, ăn gỏi. Trong thực tế, ngay cả trái cây, rau và salad chế biến sẵn cũng có thể có khả năng gây nguy hiểm cho đường ruột hay thậm chí cả tính mạng nếu tình huống nguy cấp không được cứu chữa kịp thời.
Mặc dù đôi khi thực phẩm bị ô nhiễm vẫn có thể nhìn, ngửi và hương vị bình thường, bên trong đó, vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm đã phát triển và nhân lên rất nhanh. Chính vì thế, việc hiểu biết các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc sau đây là một phần quan trọng trong các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm:
- Thịt sống và chín, bao gồm thịt gia cầm như gà, vịt và các loại thức ăn chế biến có chứa những thứ này, chẳng hạn như thịt hầm, cà ri, súp cháo.
- Các sản phẩm từ sữa, như yaua và các món tráng miệng từ sữa như bánh sữa trứng và bánh pho mát.
- Thức ăn nhẹ như jambon, xúc xích, chả cá, món hầm chứa hải sản và cá kho, cơm, mì ống.
- Xà lách đã sơ chế như xà lách trộn, xà lách trái cây.
- Thực phẩm ăn liền, bao gồm bánh mì, bánh cuộn và pizza có chứa bất kỳ loại thực phẩm nào kể trên.
2. Nhóm người có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao
Một số người có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao hơn những người khác trong khi đều dùng chung một món ăn. Chính vì vậy, hãy đặc biệt cẩn thận khi mua, lưu trữ và chuẩn bị thức ăn cho những đối tượng này. Đó là:
- Phụ nữ mang thai
- Người lớn tuổi
- Trẻ nhỏ
- Bệnh nhân mắc bệnh mãn tính
3. Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại nhà
Có rất nhiều cách thức đơn giản bạn có thể tham khảo và tuân thủ để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, tất cả các hành động này đều tuân theo hai nguyên tắc sau:
- Ngăn chặn để thực phẩm bị ô nhiễm
- Ngăn chặn vi khuẩn trong thực phẩm phát triển và tăng sinh
Để thực hiện hai nguyên tắc này, mọi người có thể áp dụng qua các công đoạn trong chế biến thực phẩm tại nhà như sau:
3.1. Trong mua sắm thức ăn
- Cố gắng giữ thực phẩm có nguy cơ cao dễ bị ô nhiễm trong vùng nhiệt độ bảo quản thích hợp. Theo đó, bạn nên lập kế hoạch trước và đánh số thứ tự các món cần mua. Thực phẩm chế biến nóng và lạnh chỉ nên lấy vào giỏ hàng khi bạn chuẩn bị kết thúc chuyến đi mua sắm của mình.
- Giữ thực phẩm nóng và thực phẩm lạnh riêng biệt.
- Có hộp chứa giữ nhiệt cho thực phẩm nóng hay thực phẩm lạnh.
- Chỉ lấy trứng gia cầm còn nguyên vẹn, xếp trong thùng giấy, có xác định nhà cung cấp và hạn dùng. Không bao giờ mua trứng đã nứt bể vỏ hoặc vấy bẩn.
- Tránh lấy phải thực phẩm đã cận kề hay quá hạn sử dụng. Như vậy, luôn luôn kiểm tra nhãn hàng một cách kỹ lưỡng.
- Tránh lấy thực phẩm trong hộp đựng, bao bì bị sưng, móp, rò rỉ hoặc hư hỏng.
- Không mua thực phẩm đông lạnh hoặc ướp lạnh đã bỏ ra khỏi tủ đông. Tương tự như vậy, chỉ mua thực phẩm nóng đang còn hấp nóng.
- Kiểm tra xem nhân viên phục vụ xử lý các loại thực phẩm một cách riêng biệt hay không, chẳng hạn như giữa thịt và rau củ.
- Kiểm tra xem nhân viên phục vụ có đeo găng tay khi họ xử lý thực phẩm hay không. Đồng thời, họ cũng không được dùng chính đôi găng đó để lau chùi bề mặt hoặc lấy tiền.
- Vận chuyển thức ăn về nhà một cách nhanh chóng và lưu trữ trong điều kiện phù hợp ngay lập tức.
3.2. Trong chuẩn bị thức ăn
- Rửa tay sạch dưới vòi nước chảy cùng xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn.
- Không sử dụng cùng một thớt cho thực phẩm thô sẽ được sử dụng để nấu chín như thịt, hải sản và thực phẩm được phục vụ sống như rau củ, trái cây. Điều này sẽ giúp giảm cơ hội ô nhiễm chéo giữa các nhóm thực phẩm.
- Lưu ý rằng hầu hết các nhóm thực phẩm cần chế biến nên được nấu chín ở nhiệt độ ít nhất là 75°C.
- Kiểm tra nhiệt độ nấu bằng nhiệt kế.
- Nếu bạn không có nhiệt kế, hãy đảm bảo bạn nấu thịt gia cầm cho đến khi thịt có màu trắng, đặc biệt là phần gần xương. Đối với thịt gia súc, như thịt băm, thịt cuộn và xúc xích, nấu cho đến khi thấy phần mỡ, nước bên trong dần chảy ra. Nấu cá cho đến khi phần thịt chuyển màu trắng và bong ra một cách dễ dàng.
3.3. Trong bảo quản thực phẩm
- Tách riêng thực phẩm thô chưa chế biến khỏi thực phẩm đã nấu chín. Lưu trữ thực phẩm đã nấu ở các ngăn trên của tủ lạnh và lưu trữ thực phẩm thô ở phía dưới cùng.
- Kiểm tra nhiệt độ tủ lạnh ngăn mát là dưới 5°C và nhiệt độ tủ đông là dưới -15°C.
- Luôn để thực phẩm chín nguội đến nhiệt độ phòng (là khoảng 21°C) trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Điều này ngăn nhiệt độ trong tủ lạnh tăng lên một cách đột ngột và cũng làm giảm nguy cơ phát triển vi khuẩn trong tất cả thực phẩm được lưu trữ trong tủ lạnh.
- Che tất cả thực phẩm bằng nắp đậy, giấy thiếc hoặc bọc nhựa.
4. Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm bên ngoài
4.1. Khi đi ăn ở ngoài
- Hãy có sự kiểm tra và đánh giá tình trạng vệ sinh những nơi bạn chuẩn bị ăn hay uống, nhất là khi gia đình có phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già đi cùng.
- Nên chọn lựa các món ăn nấu chín thay vì tươi sống. Bạn có thể yêu cầu nhân viên phục vụ lại món ăn nếu cảm giác không chắc chắn như miếng thịt còn tái, trứng chưa đủ chín.
- Nếu bạn mang thức ăn thừa về nhà, hãy làm lạnh chúng trong vòng 2 giờ. Khi ăn lại, bạn nên nấu chín nó thêm một lần nữa.
4.2. Khi đi du lịch
Ngộ độc thức ăn khi đi du lịch là một điều rất thường gặp, là một nỗi ám ảnh, mất hứng thú cho cuộc vui nếu bạn là người có đường ruột non yếu. Nguyên nhân là do những vùng đất mới, nguồn nước và nguồn thực phẩm có chứa những chủng vi khuẩn quen thuộc với người dân tại chỗ nhưng là hoàn toàn xa lạ với bạn.
Chính vì vậy, cần cẩn thận và nên chuẩn bị cho mình một số mẹo sau đây để tránh ngộ độc thực phẩm cho dù bạn ở đâu trên thế giới:
- Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi vệ sinh, tiếp xúc bề mặt công cộng hay bất kỳ lúc nào bạn nghi ngờ có thể nhiễm bẩn.
- Luôn ăn thực phẩm nấu chín. Nhiệt là một yếu tố đảm bảo giết chết vi trùng.
- Ăn thực phẩm đóng gói hoặc thực phẩm khô. Độ ẩm làm cho vi trùng hạn chế phát triển nên giảm nguy cơ bị ngộ độc hơn là các thực phẩm tươi sống.
- Dùng đồ uống đóng chai, đóng hộp hoặc nấu chín như nước trà, cà phê.
- Hạn chế dùng các món đặc sản địa phương, thịt động vật hoang dã .
Tóm lại, vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm có thể tăng lên rất nhanh và gây bệnh khi bảo quản và chế biến thực phẩm không đúng cách. Chính vì vậy, thực hành đúng nguyên tắc ăn chín, uống sôi cùng các hướng dẫn trên đây sẽ giúp cả gia đình phòng chống nguy cơ này, nhất là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già và những người mắc bệnh có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao hơn.