Bài viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Tim mạch là bệnh lý nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt tần suất mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa do những thói quen thiếu lành mạnh trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch là việc làm cấp thiết hiện nay.
1. Phòng ngừa bệnh tim mạch là gì?
Bằng chứng rõ ràng cho thấy kiểm soát tốt huyết áp, đái tháo đường, cải thiện rối loạn lipid máu, bỏ thuốc lá và thay đổi lối sống làm giảm nguy cơ đột quỵ tim lần đầu hoặc tái phát, đồng thời làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Phòng ngừa bệnh tim mạch là những biện pháp áp dụng để điều trị những yếu tố nguy cơ tim mạch góp phần ngăn chặn, trì hoãn hay làm thay đổi sự phát triển của bệnh xơ vữa mạch máu lâm sàng (phòng ngừa nguyên phát) cũng như điều trị những người đã có biểu hiện bệnh động mạch vành (phòng ngừa thứ phát). Những khuyến cáo hiện nay về phòng ngừa bệnh tim mạch dựa trên hướng dẫn của Hội Tim mạch Việt Nam và Hội Tim mạch Hoa Kỳ.
2. Rối loạn chuyển hóa lipid liên quan với bệnh tim mạch như thế nào?
Một mối liên quan mạnh, độc lập và liên tục đã được khẳng định giữa bệnh tim mạch và mức LDL cholesterol hoặc cholesterol toàn phần. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi dùng thuốc hạ mỡ máu nhóm statin làm giảm có ý nghĩa 13% toàn bộ tử vong do bệnh tim mạch cho mỗi 10% cholesterol toàn phần giảm được.
Mặc dù những tác động có ích đã được chứng minh nhưng tỷ lệ điều trị cholesterol đạt mục tiêu ngay cả ở nhóm bệnh nhân có bệnh tim mạch ở Việt Nam cũng như thế giới còn rất thấp.
3. Có mối liên hệ giữa HDL-C và bệnh tim mạch không?
Các nghiên cứu đã chứng minh HDL-C là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với bệnh tim mạch. Có mối liên hệ nghịch chiều giữa mức HDL-C và nguy cơ tim mạch.
4. Triglyceride có phải là yếu tố nguy cơ độc lập đối với bệnh tim mạch không?
Có, Triglycerid có mối liên quan mạnh, độc lập tồn tại giữa mức triglyceride và bệnh tim mạch mà đặc biệt ở bệnh nhân nữ hay người lớn tuổi có sự đề kháng insulin và hội chứng chuyển hóa. Tỉ lệ biến cố tim mạch tăng gấp 2 lần ở bệnh nhân có triglyceride ≥ 200 mg/dl so với bệnh nhân có mức triglyceride bình thường. Vẫn còn nhiều tranh cãi quanh việc tăng triglyceride có ảnh hưởng một cách trực tiếp đến sự hình thành và tính ổn định của mảng xơ vữa. Mức tăng triglyceride là dấu hiệu chỉ điểm của những bệnh khác kèm theo góp phần phát triển bệnh xơ vữa động mạch.
5. Khái niệm tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp là gì?
Huyết áp tối ưu khi < 120/80 mmHg. Tiền tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu 120-139 mmHg, huyết áp tâm trương 80-89 mmHg. Tăng huyết áp giai đoạn I khi huyết áp ≥ 140/90 mmHg.
6. Thay đổi lối sống có nên được khuyến cáo ở những bệnh nhân tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp hay không?
Có. Thay đổi lối sống ở người tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp gồm: giảm Na, tăng K (không phải bệnh nhân suy thận), bữa ăn nhiều chất xơ, giảm Na ăn vào < 2.3 g/ngày; ba khẩu phần sữa không béo hoặc ít béo hàng ngày; tập thể dục hàng ngày, giảm cân, ngưng thuốc lá, giảm stress và giảm rượu, đối với nữ bổ sung folate. Kiểm soát huyết áp tốt với bệnh nhân đang điều trị huyết áp.
7. Những biện pháp nào hiệu quả để ngăn chặn biến chứng bệnh đái tháo đường?
Kiểm soát đường huyết thông qua chế độ ăn, giảm cân, tập thể dục và chế độ dùng thuốc hợp lý là những điểm chính của việc ngăn chặn những biến chứng bệnh tiểu đường. Các khuyến cáo hiện nay sử dụng mục tiêu HbA1c < 7% là chấp nhận được cho người trưởng thành không mang thai. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đưa ra mục tiêu thấp hơn HbA1c < 6.5% cho một số trường hợp bệnh nhân nếu không gây hạ đường huyết nghiêm trọng hay các tác dụng phụ khác. Những trường hợp thích hợp như thời gian bị đái tháo đường ngắn, đái tháo đường type 2 được điều trị bằng thay đổi lối sống hay chỉ uống metformin, bệnh nhân trẻ tuổi, hay không có biến chứng tim mạch quan trọng. Mức HbA1c < 8% cho những bệnh nhân có tiền sử hạ đường huyết nặng, cao tuổi, có biến chứng mạch máu lớn hay mạch máu nhỏ nghiêm trọng, có thời gian bị đái tháo đường lâu năm và mục tiêu kiểm soát đường máu khó thực hiện mặc dù đã giáo dục bệnh nhân và uống nhiều nhóm thuốc và thậm chí đã sử dụng insulin tiêm.
8. Thuốc lá có tác hại gì với tim mạch?
Hút thuốc lá làm tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng và tăng gấp 10 lần về tử vong do đột quỵ tim mạch ở nam (4.5 lần ở nữ) so với những người không hút thuốc lá. Nguy cơ tim mạch liên quan đến tuổi bắt đầu hút, lượng hơi thuốc hít vào, khoảng thời gian và số lượng thuốc được hút. Nguy cơ tim mạch tăng gấp 2 lần khi hút 1-4 điếu/ngày. Những bệnh nhân bị bệnh tim mạch tiếp tục hút thuốc lá có chất lượng cuộc sống và hoạt động thấp hơn, hay đau ngực hơn, nhập viện nhiều hơn và tỉ lệ tử vong sau hội chứng vành cấp cao hơn.
Môi trường thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch ở những người không hút thuốc lá. Việc ngừng hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc là rất quan trọng nhằm ngăn ngừa các biến chứng tim mạch.
9. Lối sống ít vận động có phải là yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch không?
Lối sống ít vận động là một yếu tố nguy cơ tiên phát, là yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được của bệnh tim mạch và tập thể dục ngăn chặn được sự phát triển, tiến triển của bệnh tim mạch. Tập thể dục đều đặn cải thiện cân nặng, kiểm soát đường huyết, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp và làm giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch.
Không tập thể dục đều đặn có nguy cơ tim mạch giống như hút thuốc lá. Tập thể dục đều đặn làm giảm tử vong do nguyên nhân và tử vong tim mạch từ 20% đến 25 %.
10. Béo phì là gì? Béo phì có phải là yếu tố nguy cơ tim mạch không?
Béo phì là tình trạng tăng trọng lượng cơ thể mạn tính do tăng khối lượng mỡ quá mức và không bình thường, liên quan đến dinh dưỡng và chuyển hóa. Sự phát triển kinh tế - xã hội đã làm thay đổi chế độ dinh dưỡng, nhiều đồ ăn nhanh chế biến sẵn, kết hợp phong cách sống tĩnh tại ít vận động, dẫn đến tình hình béo phì tǎng lên với tốc độ báo động ở Việt Nam cũng như những nước đang phát triển.
Béo phì là nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ung thư...
Mức độ béo phì được đánh giá theo nhiều phương pháp, trong đó công thức BMI (Body Mass Index: chỉ số khối cơ thể) đơn giản, dễ sử dụng và được Quốc tế công nhận:
BMI = Trọng lượng (kg)/[Chiều cao (m)]2
Để phù hợp với đặc điểm các nước vùng châu Á, từ nghiên cứu thực tế ở các quốc gia đã lấy tiêu chuẩn ban hành năm 2000 như sau:
Bảng 1. Tiêu chuẩn phân loại béo phì ban hành năm 2000
Bảng 2. Đánh giá mưc độ béo phì theo tổ chức ý tể thế giới.
Chỉ định đầu tiên là chế độ ăn giảm cân, phối hợp với tăng cường tập luyện - vận động thể lực để tăng tiêu hao năng lượng. Nếu chưa đạt mục đích, chỉ định thuốc và các can thiệp khác. Mục đích điều trị là giảm cân, giảm 5-10% trọng lượng ban đầu cũng cải thiện các biến chứng của béo phì như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp...
Hạn chế năng lượng khoảng 20-25 kcalo/kg/ngày. Áp dụng chế độ tiết thực giảm cân về mức độ cung cấp năng lượng còn phụ thuộc tuổi, hoạt động thể lực và mục tiêu giảm cân.
Khẩu phần ăn có sự cân đối giữa glucid, lipid và protid. Tránh dùng nhiều glucid (năng lượng do glucid cung cấp khoảng 50 % năng lượng của phần ăn, lipid khoảng 30% và protid khoảng 20%), hạn chế đường đơn, mỡ bão hòa.
Bệnh tim mạch là bệnh lý nguy hiểm nên việc phòng ngừa bệnh là rất quan trọng. Có rất nhiều cách để phòng ngừa bệnh lý tim mạch như thay đổi lối sống lành mạnh, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp và thăm khám sức khỏe định kỳ. Nếu có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao cần theo dõi và sàng lọc bệnh lý tim mạch từ sớm.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, khách hàng có thể đăng ký Gói Sàng lọc Tim mạch - Khám Tim mạch cơ bản của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Gói khám giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề của tim mạch thông qua các xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Gói khám dành cho mọi độ tuổi, giới tính và đặc biệt rất cần thiết cho những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- American Heart Association Scientific Statements and Practice Guidelines: http//www.americanheart.org/presenter.jhtml?identifier=9181
- National Center for Health Statistics, Center for Disease Control and Prevention: Compressed mortality file: underlying cause of death 1979 -2004. Available at http//wonder.cdc.gov/mortSQL.html, accessed january 15, 2008.
- Smith SC Jr, Clark LT, Cooper RS, et al: Discovering the full spectrum of cardiovascular disease: Miority Health Summit 2003; report of the Obesity, Metabolic Syndrome, and Hypertention Writing Group, Circulation 111 (10); 2 134-139.