Các biện pháp chẩn đoán tắc ruột

Chẩn đoán tắc ruột là một quy trình đóng vai trò quan trọng giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng và mức độ tắc ruột của bệnh nhân. Hội chứng tắc ruột có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng dữ dội, nôn mửa,... đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Việc chẩn đoán vừa giúp xác định nguyên nhân gây bệnh vừa giúp lập kế hoạch điều trị hiệu quả.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Hội chứng tắc ruột là gì?

Hội chứng tắc ruột là tình trạng ruột bị tắc nghẽn, ngăn cản các chất rắn, lỏng và khí trong ruột không di chuyển được, dẫn đến ứ đọng một chỗ. Hội chứng này có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào ở ruột non và ruột già. Ngoài ra, tắc ruột có thể xuất hiện mọi độ tuổi, đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ em.  

2. Các phương pháp chẩn đoán tắc ruột

2.1. Chẩn đoán triệu chứng

Hội chứng tắc ruột được chia thành tắc ruột cơ năng và tắc ruột cơ học. Quá trình chẩn đoán tắc ruột dựa trên nhiều phương pháp và xét nghiệm khác nhau để đánh giá chính xác tình trạng bệnh, xác định nguyên nhân gây bệnh và chẩn đoán phân biệt.

2.1.1. Cơ năng

Người bệnh sẽ có các biểu hiện như:

  • Đau bụng theo cơn: Cơn đau đột ngột, dữ dội và vượt ngưỡng chịu đựng, có thể khiến bệnh nhân ngất xỉu.
  • Nôn mửa: Nếu vị trí tắc cao, bệnh nhân sẽ nôn nhiều và sớm. Nếu vị trí tắc thấp, bệnh nhân sẽ nôn muộn và ít hơn. Ban đầu, bệnh nhân nôn ra thức ăn, sau đó là dịch mật và cuối cùng có thể nôn ra các chất giống như phân.
  • Bí trung đại tiện: Dấu hiệu này rất quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh. Giai đoạn đầu, ruột vẫn còn khả năng co bóp, đẩy phân và khí ra ngoài. Đến thời điểm, khí và các chất không thể xuống được nữa, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng bí trung đại tiện.

2.1.2. Thực thể

  • Chướng bụng: Nếu vị trí tắc cao thì chướng bụng ít, vị trí tắc thấp thì chướng bụng nhiều hơn. Chướng đều do bít tắc, chướng một vị trí do xoắn đại tràng và chướng lệch bụng do xoắn đại tràng sigma.
  • Quai ruột nổi.
  • Dấu hiệu rắn bò. 
Đau bụng theo cơn, nôn mửa là những dấu hiệu giúp chẩn đoán triệu chứng tắc ruột.
Đau bụng theo cơn, nôn mửa là những dấu hiệu giúp chẩn đoán triệu chứng tắc ruột.

2.2. Thăm khám

2.2.1. Sờ nắn thành bụng

  • Bụng mềm.
  • Sờ thấy khối u: Có thể do dị vật trong ruột, búi giun, khối lồng ruột hoặc u thành ruột.
  • Gõ: Có độ vang do chướng hơi.
  • Vết sẹo thành bụng: Gợi ý chẩn đoán tắc ruột sau mổ, có thể sờ thấy ung thư trực tràng.

2.2.1. Thăm khám các lỗ thoát vị

Thăm khám lỗ thoát vị là một bước bắt buộc khi chẩn đoán tắc ruột. Việc thăm khám này giúp tìm ra thoát vị nghẽn ở vùng bẹn và đùi.

2.2.2. Thăm trực tràng

Thăm khám trực tràng là một trong những phương pháp chẩn đoán tắc ruột lâm sàng. Bóng trực tràng rỗng, có thể sờ thấy khối u ung thư trực tràng.

2.2.3. Toàn thân

Các cơn đau do tắc ruột kèm theo triệu chứng nôn mửa gây ra mệt mỏi, sốt, mất nước và mất cân bằng điện giải ở bệnh nhân.

2.3. Chụp X- quang

Chụp X-quang giúp:  

  • Chẩn đoán sớm hội chứng tắc ruột.
  • Phân biệt nguyên nhân gây tắc ruột, xác định tắc ruột sớm sau mổ, tắc ruột cơ học hay cơ năng.
  • Xác định vị trí tắc: Tắc cao hay thấp, ruột non hay ruột già.
  • Phát hiện có dịch trong ổ bụng hay không.

Tuy nhiên, phương pháp chụp X-quang không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất để chẩn đoán chính xác tình trạng tắc ruột. 

Chụp X- quang là biện pháp giúp chẩn đoán tắc ruột.
Chụp X- quang là biện pháp giúp chẩn đoán tắc ruột.

2.4. Siêu âm

Phương pháp chẩn đoán tắc ruột này thường được sử dụng để xác định hội chứng tắc ruột ở đối tượng là trẻ em.

Hình ảnh siêu âm ở người bị tắc ruột cơ học:

  • Đường kính lòng ruột lớn (tiểu tràng > 3cm, đại tràng > 5cm).
  • Độ dày thành ruột thay đổi. Bình thường, thành ruột dày khoảng 3mm - 5mm. Lòng ruột giảm ở giai đoạn đầu, tăng ở giai đoạn sau do phù nề.
  • Lòng ruột chứa nhiều dịch, hơi và các chất khác tăng âm.
  • Tăng nhu động ruột từng lúc tại vị trí tắc, nhất là chuyển động tiến, lui và chuyển động xoáy của chất dịch trong lòng ruột.
  • Một quai ruột mất hoàn toàn nhu động, trong khi các quai ruột khác vẫn còn và tăng nhu động.
  • Kết quả siêu âm cho thấy dịch ổ bụng tăng nhanh và tăng nhiều qua các lần kiểm tra khác nhau.
  • Sử dụng mặt cắt thích hợp có thể tìm ra nguyên nhân và vị trí tắc.

2.5. Chụp cắt lớp vi tính CT và chụp cộng hưởng từ

Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) cho hình ảnh rõ ràng, giúp chẩn đoán tắc ruột chính xác hơn so với chụp X-quang. Các hình ảnh thu được cho thấy rõ vị trí tắc, mức độ tổn thương của ruột và nguyên nhân gây ra hội chứng tắc ruột.

2.6. Chụp X-quang với thuốc cản quang

Phương pháp này được chỉ định đối với các trường hợp chẩn đoán xác định tắc ruột cao hoặc chẩn đoán phân biệt giữa tắc ruột và bán tắc ruột non.  

Bệnh nhân sẽ được uống thuốc cản quang trước khi chụp. Nếu bệnh nhân bị tắc ruột cao thì ảnh chụp cho thấy các quai đầu tiên của hỗng tràng dãn to, khung tá tràng bị bung rộng và thuốc cản quang không thể thoát khỏi chỗ tắc.

Đối với việc chẩn đoán phân biệt bệnh nhân bị tắc hoặc bán tắc ruột non, bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên thời gian thoát khỏi ruột của thuốc cản quang.  

2.7. Nội soi ống tiêu hóa

Nội soi ống tiêu hóa giúp bác sĩ quan sát trực tiếp và đánh giá mức độ tổn thương liên quan đến đường tiêu hóa một cách chính xác, bao gồm cả tắc ruột.  

Ngoài ra, chúng ta còn có các phương pháp chẩn đoán tắc ruột khác như xét nghiệm máu, sinh hóa và chẩn đoán phân biệt.

3. Tắc ruột được điều trị như thế nào?

Phương pháp điều trị hội chứng tắc ruột sẽ được lựa chọn dựa trên nguyên nhân, tình trạng và mức độ của bệnh để phù hợp với từng bệnh nhân. Tuy nhiên, việc điều trị hội chứng tắc ruột thông thường sẽ cần có sự kết hợp giữa ngoại khoa và nội khoa. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được hồi sức ngoại khoa bằng thuốc kháng sinh, đặt sonde dạ dày và truyền dịch. Điều này nhằm giúp bệnh nhân có đủ sức khỏe tiến hành phẫu thuật (đối với trường hợp tắc ruột hoàn toàn).

Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được hồi sức bằng thuốc kháng sinh.
Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được hồi sức bằng thuốc kháng sinh.

Có thể thấy được rằng, khi bị hội chứng tắc ruột, bệnh nhân cần được cấp cứu khẩn trương. Nếu chẩn đoán tắc ruột sớm thì tỷ lệ điều trị thành công cao. Mặt khác, nếu bệnh nhân không được xử lý nhanh chóng sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Thông qua những thông tin trên có thể thấy được vai trò quan trọng của chẩn đoán tắc ruột. Từ việc chẩn đoán lâm sàng và các xét nghiệm, chẩn đoán bằng hình ảnh giúp bác sĩ xác định chính xác được vị trí và mức độ tắc ruột của bệnh nhân. Đồng thời, sự can thiệp của việc chẩn đoán sớm giúp giảm thiểu rủi ro xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng.

Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trang bị đầy đủ các phương pháp phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh tắc ruột và kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Nội tiêu hóa được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm; chất lượng dịch vụ y tế chuyên nghiệp, nhanh chóng khám và điều trị kịp thời cho nhiều ca bệnh khó.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe