Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đặt nội khí quản là một trong những phương pháp kiểm soát đường thở tốt nhất và hiệu quả nhất cho quá trình phẫu thuật hoặc khi có chỉ định cấp cứu. Tuy nhiên, sau rút nội khí quản khi người bệnh đã hồi phục có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng chẳng hạn như co thắt thanh quản. Vì vậy, cần có quy trình kỹ thuật chính xác và theo dõi chặt chẽ để làm giảm các biến chứng có thể xảy ra.
1. Khái niệm đặt nội khí quản
Đặt nội khí quản là một thủ thuật được thực hiện khẩn cấp ở những bệnh nhân suy hô hấp có chỉ định hoặc thực hiện có chuẩn bị trong phẫu thuật. Trước khi tiến hành đặt nội khí quản người bệnh thường sẽ được sử dụng các thuốc an thần dãn cơ. Sau đó, đưa một ống nhựa dẻo vào khí quản thường là thông qua đường miệng để giúp bệnh nhân được thông khí. Kích thước của ống thở sẽ được lựa chọn phù hợp với tuổi và kích thước cổ họng của người bệnh.
Mục đích của đặt ống nội khí quản đảm bảo thông khí đến phổi trong tình huống suy hô hấp nặng do bệnh lý nội khoa, chấn thương nghiêm trọng hoặc trong quá trình phẫu thuật.
2. Biến chứng sau khi rút nội khí quản
2.1. Co thắt thanh quản
Co thắt thanh quản thường xảy ra khi đường hô hấp bị kích thích khi gây mê nông. Các kích thích thường gặp là sự tăng tiết dịch, hoặc máu ở đường hô hấp trên; hít thuốc mê có mùi hắc, đặt canule hầu, mũi hầu, soi thanh quản, các phẫu thuật trong miệng...
Phản xạ đóng chặt dây thanh âm gây tắc nghẽn một phần hay toàn phần. Ở những trường hợp không nặng, thì có thể nghe tiếng thở khò khè hoặc thở rít.
Co thắt thanh quản gây thiếu oxy, thừa CO2 máu, toan hỗn hợp và hậu quả là huyết áp động mạch tăng cao, mạch nhanh. Tình trạng này có thể tiến triển rất nhanh gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, ngừng tim nếu không nhanh chóng giải phóng đường thở trong vài phút.
Để xử trí tình trạng này bác sĩ cần cho bệnh nhân khí dung Adrenalin. Trong trường hợp vẫn không khắc phục được biến chứng này, bác sĩ cần chỉ định cho đặt lại nội khí quản hoặc mở khí quản cấp cứu.
2.2. Phù nề thanh quản
Đây là biến chứng rất gần với co thắt thanh quản. Nguyên nhân là do dị ứng với ống nội khí quản hoặc chất bôi trơn của ống hoặc có thể là do cỡ ống nội khí quản to hơn so với người bệnh, hoặc do quá trình đặt nội khí quản trước đó gặp khó khăn và phải tiến hành nhiều lần.
Phù nề thanh quản có thể xuất hiện các dấu hiệu như: khàn tiếng, thở khò khè. Để chẩn đoán chính xác biến chứng này cần dựa vào quá trình soi trực tiếp thanh quản.
Bệnh nhân sẽ thấy khó thở thanh quản và tình trạng này xuất hiện từ từ. Có thể là nhiều phút hoặc nhiều giờ sau khi rút nội khí quản. Xử trí biến chứng này bằng cách cho khí dung Adrenalin và hydrocortisone. Nếu như tình trạng của bệnh nhân vẫn không cải thiện thì bác sĩ cần chỉ định đặt nội khí quản hoặc mở khí quản.
2.3 Biến chứng khác
- Khàn tiếng mạn tính
- Rối loạn nuốt
- Nhuyễn khí quản
- Rò khí quản – thực quản
- Rò khí quản – động mạch (hiếm)
- Viêm phổi do hít sặc...
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám, điều trị và phục hồi nhiều căn bệnh với các trang thiết bị Y tế hiện đại đạt chuẩn. Theo đó, các vật dụng kỹ thuật cũng được đầu tư đổi mới phù hợp với từng thủ thuật, ca phẫu thuật khác nhau nhằm hạn chế tối đa nhất các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, trong đó có quy trình đặt nội khí quản. Đặc biệt với đội ngũ Y Bác sĩ giàu chuyên môn, được đào tạo bài bản chuyên sâu sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh tối ưu cho Quý khách hàng.
Thạc sĩ Phan Ngọc Toán từng là Bác sĩ điều trị Nội khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, bác sĩ Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng trước khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay. Bác sĩ Toán có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu người lớn, Cấp cứu bệnh nhi.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: healthline.com