Vảy nến là một bệnh lý về da mãn tính, tuy nhiên nếu không được kiểm soát tốt, ngoài các thương tổn trên da, các biến chứng của bệnh vảy nến ở các cơ quan khác trên cơ thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
1. Các biến chứng của bệnh vảy nến
Bình thường, khi các tế bào da cũ chết đi, bong ra sẽ được thay thế bằng các tế bào mới. Vảy nến là một bệnh lý về da mạn tính, trong đó các tế bào da tái tạo và phát triển nhanh hơn bình thường gấp 10 lần. Các tế bào da cũ và mới không kịp thay thế, chất chồng lên nhau, tạo thành các mảng da dày, đỏ, có vảy trắng hoặc bạc, ngứa và đau. Vảy nến là bệnh rất phổ biến và hay tái phát. Ước tính trên thế giới, bệnh ảnh hưởng đến 2-3% dân số với khoảng 125 triệu người mắc bệnh. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc vảy nến chiếm 5-7% tổng số bệnh nhân đến khám tại các phòng khám da liễu.
Vảy nến là bệnh lý toàn thân, nếu không được kiểm soát tốt bệnh sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến da và gây nhiều biến chức lên các cơ quan khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Các biến chứng của bệnh vảy nến thường gặp là:
1.1. Biến chứng trên xương khớp
Viêm khớp là một biến chứng của bệnh vảy nến thường gặp. Viêm khớp do vảy nến xảy ra ở 10-30% bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Các triệu chứng của viêm khớp do vảy nến là:
- Đỏ và sưng các khớp ở ngón tay, ngón chân, khuỷu tay, cột sống.
- Các khớp bị đau và cứng, đặc biệt là vào buổi sáng khi thức dậy.
- Những cơn đau xuất hiện nhiều ở gót chân, dây chằng bám xương, mặt trong của bàn chân và những nơi có gân.
- Người bệnh bị giảm khả năng vận động, mệt mỏi
Khi vảy nến phát triển nặng có thể dẫn đến viêm cột sống, đau vùng cột sống, xương chậu, viêm cột sống dính khớp gây ảnh hưởng đến dây chằng, khớp và gân ở cột sống.
1.2. Biến chứng hệ tim mạch
Bệnh vảy nến có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch và tăng nguy cơ mắc cao huyết áp. Một số nghiên cứu cho thấy, những người mắc bệnh vảy nến có số lần lên cơn đau tim cao gấp 3 lần bình thường. Tỷ lệ người cao huyết áp ở người mắc bệnh vảy nến là 20% và mắc vảy nến thể nghiêm trọng là 47%.
Bên cạnh đó, một số thuốc được sử dụng để điều trị vảy nến có tác dụng phụ làm tăng cholesterol máu, tăng nguy xảy ra các biến chứng tim mạch như đột quỵ, đau tim,..
1.3. Biến chứng nội tiết
Bệnh vảy nến làm tăng nguy cơ phát triển đái tháo đường type 2. Nguyên nhân do bệnh vảy nến có thể làm tăng nồng độ insulin trong máu, làm cơ thể đề kháng với insulin. Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của vảy nến.
Bệnh vảy nến cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa khác như béo phì, tăng lipid máu, gan nhiễm mỡ,...
1.4. Biến chứng trên thận
Một số bệnh nhân vảy nến xuất hiện biến chứng gây ra tình trạng suy thận. Ngoài ra, nếu bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc điều trị, điều trị không đúng theo hướng dẫn của bác sĩ thì nguy cơ tổn thương thận do thuốc là rất cao. Đây là một biến chứng của bệnh vảy nến đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng tổn thương trong thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ thận tổn thương không hồi phục.
1.5. Biến chứng trên thị lực
Nếu mắc bệnh vảy nến ở mí mắt, có thể dẫn đến ngứa, nóng rát, khô mắt và rối loạn chuyển động của đồng tử. Bệnh vảy nến cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm màng bồ đào, viêm bờ mi, viêm kết mạc. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
1.6. Biến chứng trên thính giác
Người bệnh vảy nến có nguy cơ cao mắc các bệnh về thính giác làm suy giảm khả năng nghe. Do vảy nến có thể gây tổn thương tai trong và dẫn đến giảm thính giác.
1.7. Biến chứng ở miệng
Bệnh vảy nến có thể gây ra các màng nhầy trong khoang miệng, các tổn thương thường gặp là nứt lưỡi, tổn thương nướu và bên trong má.
1.8. Ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm lý
Người bệnh vảy nến thường có cảm giác tự ti vì những thương tổn trên cơ thể. Lo lắng vì bệnh tật, mặc cảm về bản thân, ngại giao tiếp làm người bệnh mệt mỏi, có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và bệnh trầm cảm.
co mình, ngại giao tiếp vì mặc cảm
2. Giải pháp kiểm soát biến chứng bệnh vảy nến
Điều trị vảy nến là một vấn đề nan giải, mặc dù có nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị mới được đưa ra, nhưng chưa có phương pháp nào chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu nhằm mục đích giảm viêm, kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, kéo dài thời gian ổn định của bệnh và kiểm soát các biến chứng của bệnh vảy nến.
Để ngăn ngừa bệnh tiến triển và nguy cơ xảy ra các biến chứng, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Các phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến hiện nay là:
- Sử dụng thuốc bôi giúp bong vảy, chống hiện tượng á sừng: các thuốc thường được sử dụng là mỡ salicylic 2%,3%, 5%; thuốc bôi Goudron; mỡ corticoid; thuốc bôi Anthralin,... Mỗi loại thuốc đều có ưu nhược điểm riêng, tùy theo tình trạng thương tổn da của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc bôi phù hợp.
- Dùng thuốc điều trị toàn thân: Methotrexate, Cyclosporin A, Retinoid,... đây là các thuốc ức chế miễn dịch, chống viêm giúp làm giảm nhanh triệu chứng. Tuy nhiên người bệnh phải lưu ý các tác dụng phụ của thuốc.
- Liệu pháp quang hóa trị liệu: bệnh nhân sẽ được uống thuốc cảm ứng ánh sáng, sau đó 2 giờ sẽ tiến hành chiếu tia cực tím bước sóng 320-400 nm vào vùng bị vảy nến. Phương pháp này giúp làm sạch tổn thương nhanh chóng, chống phân bào, an toàn và ít độc hại.
Cùng với các phương pháp điều trị, để kiểm soát tốt bệnh vảy nến, người bệnh cần phải tích cực thay đổi lối sống. Tránh rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích. Bảo vệ da, che chắn da cẩn thận khi đi ngoài trời, tránh xầy xước da. Tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì. Tránh căng thẳng, giữ tinh thần bình tĩnh, lạc quan, tránh căng thẳng trước bệnh.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY
XEM THÊM: