Các biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân tiểu đường khi dùng insulin

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS. Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Bác sĩ Thận - Nội tiết, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Để phòng các biến chứng trong quá trình điều trị ở bệnh đái tháo đường bằng insulin thì bất kỳ bệnh nhân đái tháo đường nên biết các biến chứng khi điều trị insulin như hạ đường máu. Vậy làm thé nào mà bệnh nhân biết được điều này. Khi khám bác sỹ chuyên khoa nội tiết bệnh nhân nên hỏi chính bác sỹ của mình các biến chứng có thể xảy ra khi tiêm insulin và cách phát hiện và dự phòng các biến chứng đó đặc biệt khi xảy ra ở nhà.

1. Các biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân tiểu đường khi dùng insulin

1.1.Biến chứng hạ đường huyết

Đây là một trong các biến chứng rất hay gặp nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì bênh diễn biến nhanh có thể nguy hiểm tính mạng thậm chí tử vong. Nguyên nhân của hạ đường huyết do dùng quá liều insulin làm thay đổi tình trạng bệnh nhân trong một thời gian rất ngắn làm cho nồng độ glucose máu rất cao sang tình trạng hạ đường huyết, dị ứng insulin, loạn dưỡng chỗ tiêm insulin vv... Lâm sàng thể hiện là mệt mỏi, run, tăng tiết mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác đói, tê môi, tê đầu lưỡi, nhức đầu, nôn, lơ mơ, hôn mê. Cần phải điều chỉnh liều insulin cho phù hợp.

1.2. Hiện tượng kháng insulin khi điều trị bằng insulin

Đề kháng insulin là tình trạng các tế bào, tổ chức cơ quan trong cơ thể cần một lượng insulin cao hơn mức bình thường để đáp ứng với tình trạng đó. Nguyên nhân là do cơ chế miễn dịch là cho cơ thể sẽ sinh kháng thể kháng insulin. Vì vậy, để tránh hiện tượng đề kháng insulin thì mỗi người bệnh cần có chế độ ăn phù hợp và lựa chọn insulin thích hợp để điều trị.

1.3. Loạn dưỡng mỡ tại chỗ tiêm insulin

Đây là một trong những biến chứng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường khi điều trị bằng insulin kéo dài từ đó dẫn đến teo tổ chức mỡ dưới da tại chỗ tiêm do rối loạn dinh dưỡng thần kinh ở vùng tiêm do kích thích cơ học, lý sinh, nhiệt và do kỹ thuật tiêm.

Bệnh nhân khi tiêm insulin từ 1 đến 6 tháng mà tại chỗ tiêm xuất hiện một vùng da lõm xuống, nặng hơn có thể mất hoàn toàn tổ chức mỡ dưới da ở một diện tích rộng tại vị trí tiêm. Đề phòng biến chứng này tốt nhất bệnh nhân được khuyến cáo nên luân phiên thay đổi chỗ tiêm liên tục theo vòng quay của kim đồng hồ.

1.4. Dị ứng với insulin

Biến chứng này có thể xuất hiện 15 - 30 phút sau khi tiêm insulin biểu hiện tại chỗ tiêm xuất hiện quầng màu hồng nhạt. Biểu hiện toàn thân có triệu chứng nổi mẩn mày đay gây mệt mỏi, sốt nhẹ, ngứa, đau trong khớp, rối loạn tiêu hóa. Nếu nặng hơn có thể đe dọa tính mạng biểu hiện như sưng lưỡi, đau thắt ngực, khó thở, chóng mặt, hoặc ngất xỉu xảy ra đây là tình trạng cấp cứu cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Trong trường hợp bắt buộc vẫn phải dùng thuốc insulin điều trị thì các bác sĩ chuyên khoa nội tiết đổi thuốc tiêm insulin và theo dõi cẩn thận. Nếu không được nữa thì bác sỹ sẽ tiến hành giải mẫn cảm bằng insulin liều rất nhỏ rồi tăng dần, nếu giải mẫn cảm không thành công thì phải cân nhắc chuyển phác đồ điều trị.

1.5. Tăng cân do tiêm insulin

Bệnh nhân đái tháo đường khi đang điều trị insulin liều cao có nhiều khả năng bị tác dụng phụ là tăng cân. Nguyên nhân có thể là do cơ thể sử dụng hiệu quả hơn lượng calo trong quá trình điều trị insulin nên thay đổi chế độ ăn uống nhiều hơn và tập thể dục. Ngoài ra, mỗi loại insulin có thể có những tác dụng phụ riêng. Khi bắt đầu sử dụng một loại insulin mới hãy đọc thông tin dành cho bệnh nhân để xác định các tác dụng phụ phổ biến của loại insulin đó.


Những bệnh nhân đang điều trị insulin liều cao có nhiều khả năng bị tăng cân
Những bệnh nhân đang điều trị insulin liều cao có nhiều khả năng bị tăng cân

2. Một số lưu ý cho bệnh nhân đái tháo đường khi điều trị bằng insulin

Cần thay đổi vị trí tiêm liên tục là tốt nhất. Vị trí tiêm tốt nhất là vùng bụng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ, phía trước hoặc phía bên cạnh đùi, phía trên mông và phía trên cánh tay. Mỗi vị trí tiêm nên cách vị trí cũ khoảng 5cm. Cố gắng không tiêm gần rốn hoặc tiêm gần các vết sẹo, nốt ruồi. Cố gắng đặt giờ tiêm cho từng vị trí. Ví dụ có thể tiêm vào bụng trước bữa sáng, tiêm vào đùi trước bữa trưa và tiêm vào cánh tay trước bữa tối.

Cần vệ sinh sạch vùng da trước khi tiêm: Rửa tay với xà phòng và nước ấm trước khi tiêm, sát khuẩn sạch da bằng bông đã tẩm cồn, sau đó đợi 20 giây để da khô trước khi tiêm tránh tình trạng nhiễm trùng.

Không nên tiêm insulin quá sâu. Cố gắng đừng hoảng loạn nếu nhận thấy đã lỡ tiêm quá ít hoặc quá nhiều insulin. Thay đổi loại insulin đang sử dụng hoặc thay đổi liều insulin mà không hỏi ý kiến của bác sĩ có thể sẽ gặp nguy cơ cao mắc phải các biến chứng và phản ứng phụ. Nếu bị đái tháo đường typ2, nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra định kỳ 3-4 tháng/lần. Mỗi lần khám, các bác sĩ có thể đánh giá nhu cầu insulin của người bệnh và điều chỉnh liều phù hợp.

Cần kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên để kiểm soát đường huyết tốt hơn. Đường huyết có thể sẽ thay đổi phụ thuộc vào mức độ căng thẳng, tần suất luyện tập thể thao, tình trạng bệnh tật, chế độ ăn và thậm chí là sự thay đổi hormone suốt cả tháng. Nếu lượng đường huyết thay đổi quá lớn cần thiết phải điều chỉnh lượng insulin đang tiêm. Lượng insulin sẽ phụ thuộc vào lượng carbohydrate định ăn trong suốt bữa ăn. Do đó, có thể dễ dàng tính toán được lượng carbohydrate ăn vào hoặc nhờ đến sự tư vấn của một bác sĩ dinh dưỡng.

3. Những sai lầm thường mắc phải khi điều trị đái tháo đường

Người bệnh thường nghĩ rằng đã bị bệnh đái tháo đường thì tuyệt đối không được ăn đồ ngọt cho rằng uống thuốc tây là có hại, tiêm insulin làm bệnh nặng lên hay hết thuốc chữa, chỉ điều trị thuốc đái tháo đường mà không dùng các thuốc khác, chỉ kiểm tra đường huyết trước khi ăn sáng. Không thử đường huyết lúc bị đói không nắm được mục tiêu điều trị. Đây là những suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, đái tháo đường là bệnh mãn tính cần phải điều trị suốt đời, việc kiểm soát đường huyết tốt phụ thuộc và sự hợp tác giữa người bệnh và bác sĩ điều trị, vì vậy người bệnh cần theo dõi, tái khám và nghe theo lời khuyên răn của nhân viên y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe