Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường là những biến chứng nghiêm trọng, phát sinh nhanh chóng và có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, cần phải nhận biết sớm dấu hiệu của biến chứng và chăm sóc y tế kịp thời.
1. Đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường hay tiểu đường là một bệnh chuyển hoá, xảy ra khi đường huyết của bạn, còn được gọi là lượng đường trong máu, quá cao. Đường huyết là nguồn năng lượng chính cho cơ thể và được cung cấp từ thực phẩm chúng ta ăn vào.
Insulin là một loại hoóc môn do tuyến tụy tạo ra, giúp glucose từ thức ăn đi vào tế bào chuyển hóa thành năng lượng. Đái tháo đường xảy ra do thiếu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn insulin trong máu.
Đái tháo đường được chia thành 2 loại: đái tháo đường type 1 và type 2:
- Đái tháo đường type 1 là đái tháo đường lệ thuộc insulin (hay gặp ở người trẻ tuổi), xảy ra do tế bào beta của tuyến tụy không tổng hợp và tiết đủ insulin, lượng insulin quá ít không thể điều hoà được lượng glucose trong máu. Đái tháo đường type 1 là một bệnh thể nặng, thường xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính, hay gặp sau khi nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc, có thể dẫn đến hôn mê. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần dùng insulin mỗi ngày.
- Bệnh đái tháo đường type 2 hay gặp ở người cao tuổi, người béo phì. Đái tháo đường type 2 còn được gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Ở đái tháo đường type 2 có sự giảm bài tiết insulin tương đối phối hợp với kháng insulin của thụ thể. Đái tháo đường type 2 phổ biến hơn type 1.
2. Biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường
Các biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 có thể phát sinh sau nhiều giờ đến vài ngày. Đây là kết quả từ sự thiếu hụt tuyệt đối hoặc tương đối của insulin. Biến chứng cấp tính rất nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong.
Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường thường gặp bao gồm hạ đường huyết, nhiễm toan ceton (chủ yếu ở bệnh nhân tiểu đường type 1) và tăng áp lực thẩm thấu máu (chủ yếu ở bệnh nhân mắc tiểu đường type 2)
Trắc nghiệm dành riêng cho người mắc đái tháo đường: Chế độ ăn của bạn đã hợp lý chưa?
Người bị bệnh đái tháo đường cần phải quan tâm nhiều hơn đến cách tính toán khẩu phần ăn sao cho phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe. Nếu chưa rõ, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn thông qua bài trắc nghiệm ngắn sau đây.Hạ đường huyết
Hạ đường huyết xảy ra khi não và cơ thể không nhận đủ lượng đường. Đối với những người có lượng đường trong máu dưới 70 mg/dl có thể được coi là thấp, hoặc hạ đường huyết.
Có hai nguyên nhân chính gây hạ đường huyết:
- Do dùng thuốc: thuốc giải phóng insulin (sulfonylureas, meglitinides hoặc nargetlinide) hoặc insulin.
- Không do thuốc: do bệnh nhân bỏ bữa, uống rượu bia, ăn ít, tập luyện nhiều mà không nạp thêm năng lượng.
Triệu chứng của hạ đường huyết gồm có: cảm thấy đói, lo lắng, bứt rứt, vã mồ hôi, run, hồi hộp, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn (hiếm gặp). Khi lượng đường trong máu giảm quá thấp, cơ thể có thể xuất hiện các triệu chứng rối loạn thần kinh như: nhức đầu, choáng váng, nhìn đôi, mờ mắt, buồn ngủ, khó nói, không có khả năng tập trung, rối loạn nhân cách, lú lẫn, mất tri giác, co giật, hôn mê.
Nếu hạ đường huyết nặng và kéo dài có thể dẫn đến tổn thương não không hồi phục và bệnh nhân có thể tử vong.
Nhiễm toan ceton
Nhiễm toan ceton (Diabetic ketoacidosis) là biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của bệnh tiểu đường, đe dọa tính mạng của người bệnh, và thường là biến chứng của bệnh tiểu đường type 1.
Khi thiếu hụt insulin, quá trình thoái biến và chuyển hóa acid béo trong cơ thể bị rối loạn, sản phẩm trung gian đó là ceton, nồng độ ceton tăng cao gây toan máu. Ở những bệnh nhân mắc tiểu đường type 1, nhiễm toan ceton có thể xảy ra trong các trường hợp nhiễm trùng cấp tính, chẳng hạn như cúm, viêm phổi hoặc viêm dạ dày ruột, đặc biệt là ở những bệnh nhân không tuân thủ điều trị hoặc điều trị không đủ liều insulin.
Nhiễm toan ceton rất hiếm gặp ở bệnh tiểu đường type 2 - nhưng có thể phát triển nếu người mắc bệnh tiểu đường type 2 mắc một bệnh nghiêm trọng khác như: nhiễm trùng nặng, viêm tụy cấp (viêm cơ quan sản xuất insulin, tuyến tụy), nhồi máu cơ tim, hoặc đang điều trị bằng steroid.
Các triệu chứng của nhiễm toan ceton bao gồm: buồn nôn, nôn, đau bụng, hơi thở có mùi trái cây (mùi của ceton), tiểu nhiều, khát, mệt mỏi, nhầm lẫn, bất tỉnh, thở sâu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân mắc nhiễm toan ceton có thể tiến triển đến hôn mê trong vòng vài giờ. Khoảng 5% bệnh nhân tử vong vì biến chứng này.
Tăng áp lực thẩm thấu máu
Tăng áp lực thẩm thấu máu (Hyperglycemic hyperosmolar syndrome) là một hội chứng rối loạn đường huyết nặng nhưng không có thể ceton trong máu và nước tiểu. Tăng áp lực thẩm thấu đặc trưng bởi sự thay đổi tri giác (hôn mê hoặc lơ mơ) và áp lực thẩm thấu máu hiệu quả tăng cao (trên 320 mOsm / L) do đường huyết tăng cao (lớn hơn 600 mg / dL) với tình trạng nhiễm ceton máu hiện diện hoặc hiện diện không đáng kể.
Tăng áp lực thẩm thấu máu là một vòng luẩn quẩn của tình trạng lượng đường trong máu cao dẫn đến đi tiểu nhiều và mất nước. Mất nước khiến máu trở nên cô đặc hơn và lượng đường trong máu tăng cao hơn nữa. Lượng đường trong máu càng cao, cơ thể càng cố gắng loại bỏ lượng đường dư thừa trong nước tiểu, điều này càng làm cơ thể mất nước.
Các triệu chứng thường gặp do tăng áp lực thẩm thấu máu gồm: tiểu nhiều, uống nhiều, đói nhiều, sụt cân, mệt mỏi, lơ mơ, hôn mê. Tăng áp lực thẩm thấu máu là một cấp cứu y tế đe dọa tính mạng cần nhập viện. Việc điều trị thường là truyền dịch, insulin liều thấp, theo dõi và điều trị chặt chẽ trong môi trường bệnh viện.
Để hạn chế những biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường, bạn nên điều trị bệnh ngay từ khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Bạn nên thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng bệnh để điều chỉnh phác đồ phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp Gói khám sàng lọc đái tháo đường giúp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm. Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.