Nấm nông là bệnh lý thường gặp do nước ta nằm trong vùng nhiệt đới nóng và ẩm thuận lợi cho nấm phát triển và gây bệnh. Bệnh nấm nông gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh, đặc biệt nếu không được điều trị triệt để rất dễ tái phát.
1. Nấm nông là gì?
Nấm nông là bệnh ngoài da do các vi nấm ký sinh ở thượng bì hoặc thành phần phụ của da như lông, tóc, móng gây nên. Bệnh gây ra tình trạng ngứa nhiều cho người bệnh, đặc biệt về đêm. Ngoài ra nếu không được điều trị đúng cách nấm có thể lan tỏa ra toàn thân, bệnh dễ tái phát, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Nhiễm nấm nông có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi từ 20- 29 tuổi, chủ yếu là học sinh và sinh viên. Nguyên nhân do điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, sống tập thể, dùng chung quần áo, môi trường nóng ẩm, ra nhiều mồ hôi,.. tạo điều kiện cho nấm phát triển, lây lan và gây bệnh.
Chẩn đoán chính xác các bệnh nấm nông cần cạo vảy vùng tổn thương sau đó soi tươi tìm nấm, sợi nấm.
2. Một số bệnh nấm da thông thường
2.1. Hắc lào
Nấm hắc lào là loại nấm da phổ biến nhất do các loại nấm sợi gây nên. Nấm sợi ký sinh ở chó mèo, chuột khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ lây sang người. Thương tổn trên da là các đám da đỏ hình tròn hay hình nhiều cung, trên có vảy da, ranh giới rõ, có bờ viền bờ gồ trên mặt da, tổn thương thường lành ở giữa và lan ra xung quanh kèm theo bệnh nhân có ngứa nhiều, nhất là khi trời nóng, ra nhiều mồ hôi.
Vị trí: Thường xảy ra ở các nếp kẽ lớn, thường ở nếp bẹn 2 bên, kẽ mông,thắt lưng, nách, nếp vú phụ nữ, thân mình, bàn tay chân , đôi khi xuất hiện ở cổ gáy, mặt.
Bệnh hay gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải hoặc những bệnh nhân điều trị các thuốc ức chế miễn dịch, thương tổn có thể lan rộng ra toàn thân.
2.2. Nấm kẽ chân
Bệnh thường xuất hiện ở kẽ ngón chân đặc biệt hay gặp ở kẽ ngón 3-4. Sau đó nấm có thể lan lên mu bàn chân, xuống mặt dưới bàn chân, đôi khi có mụn nước sâu dạng tổ đỉa ở lòng bàn chân.
Tổn thương cơ bản là các bợn trắng hơi bong vảy, có thể xuất hiện mụn nước. Kèm theo bệnh nhân ngứa nhiều, gãi trầy da thấy nền đỏ dẫn đến viêm nề, sưng tấy do nhiễm khuẩn thứ phát, khi đó bệnh nhân có thể sốt, hạch bẹn sưng.
Bệnh hay gặp ở người lội nước, đi giầy tất thường xuyên
2.3. Nấm lang ben
Nấm lang ben thường gặp ở người trẻ, thanh thiếu niên, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ có thể lan rộng ra xung quanh, thường xuất hiện ở 1/2 người phía trên như ở cổ, vai, ngực, lưng, cánh tay, có khi lan xuống đùi.
Thương tổn cơ bản là các dát kích thước từ 0,5 đến 2 cm đường kính, giới hạn rõ ràng với vùng da lành, trên có vảy da khô mỏng như vảy cám, dễ bong. Các thương tổn liên kết với nhau tạo thành mảng lớn, bờ khúc khuỷu như hình bản đồ. Ở người da thẫm màu dát thường có màu trắng, ở người da trắng rát có màu nâu.. Thương tổn đỏ và ngứa khi ra nắng, khi đổ mồ hôi
2.4. Nấm vảy rồng
Nấm vảy rồng thường xuất hiện ở lưng, ngực, cánh tay. Thương tổn cơ bản: Xuất hiện nhiều vảy da, vảy bám trên nền da bình thường, da không viêm, không có mụn nước, tổn thương có hình tròn đồng tâm, xếp lên nhau như ngói lợp, vảy da mỏng. Bệnh vảy rồng gây ngứa nhiều làm mất ngủ dẫn đến suy nhược thần kinh.
2.5. Nấm móng
Là bệnh nấm xuất hiện ở móng tay, móng chân. Thường bắt đầu ở bờ tự do của móng hoặc ở gốc móng, khi có đám nấm ở mu bàn tay lan xuống.
Tổn thương cơ bản ban đầu thường có điểm trắng, móng mất độ bóng, điểm trắng đục hoặc hơi vàng to dần, móng trắng mủn hoặc màu vàng mủn ra như ruột sậy. Móng dần dần bị ăn vẹt, xù xì biến dạng, đôi khi tách khỏi nền móng.
2.6. Nấm tóc
Nấm tóc thường xuất hiện ở người hay để tóc ẩm, như gội đầu ban đêm, đội mũ ngay sau khi gội đầu, hay gặp ở nữ nhiều hơn nam, lây truyền khi dùng chung mũ lược. Nấm tóc có nhiều dạng bao gồm:
- Dạng nấm làm gãy thân tóc: Khi nhiễm nấm thì dọc theo thân tóc có các hạt nhỏ bằng hạt vừng màu đen bám chặt vào thân tóc. Các hạt nhỏ chính là sợi nấm và bào tử đốt tạo nên rất cứng và chắc làm gãy thân tóc.
- Nấm da đầu: Trên da đầu có các đám đỏ, hình tròn, hình ô van, bong vảy, ranh giới rõ, vảy da thường có màu trắng hay màu trắng xám, tóc bị phạt gãy cách da đầu 1 vài mm,.
- Thể thâm nhiễm mưng mủ: vùng da đầu xuất hiện các ổ mủ ở nang lông liên kết thành đám, giới hạn rõ, trên mặt đầy vảy mủ, cậy các vảy ra có các hố lõm có mủ màu vàng, mủ rất hôi, trông giống tổ ong, tóc bị trụi.
3. Điều trị nấm mông
Mục đích điều trị: Sử dụng thuốc kháng nấm theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tùy thuộc vào tình trạng, mức độ mà chỉ định dùng các thuốc chống nấm bôi tại chỗ đơn thuần hoặc kết hợp thuốc bôi với thuốc uống đường toàn thân. Lưu ý cần diệt hoàn toàn nấm, tránh tái phát bằng thay đổi sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ,... cụ thể như sau:
- Các loại thuốc bôi có tác dụng kháng nấm như Nizoral cream (Ketoconazole) 2% , Lamisil cream (Terbinafine) 1%,...với hiệu quả điều trị cao, ít gây tác dụng phụ.
- Lưu ý thời gian dùng thuốc cần kéo dài ít nhất từ 3 đến 4 tuần nhằm tránh hiện tượng tái phát.
- Sử dụng các thuốc kháng nấm toàn thân cần có chỉ định của bác sĩ.
- Vệ sinh sạch sẽ nhà ở, tránh mặc quần áo ẩm ướt, phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời tránh tái phát.
- Tránh tiếp xúc với các nguồn lây như chó mèo, không dùng chung quần áo chăn màn với người mắc bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM