Động mạch thận có vai trò rất quan trọng, giúp cung cấp máu cho các hoạt động của thận. Các bệnh động mạch thận làm ảnh hưởng đến hoạt động, chức năng của động mạch thận, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người bệnh.
1. Tổng quan về bệnh động mạch thận
Động mạch thận bắt nguồn từ động mạch chủ bụng ngang mức đốt sống lưng 1-2, có vai trò quan trọng, giúp cung cấp máu cho các hoạt động của thận. Bệnh động mạch thận làm tổn thương ảnh hưởng đến hoạt động, chức năng của động mạch thận. Các bệnh lý này có thể là các tổn thương bẩm sinh hoặc xuất hiện thứ phát sau một rối loạn khác.
Theo nguyên nhân gây bệnh, các bệnh động mạch thận được chia thành:
- Các bệnh động mạch thận bẩm sinh: teo động mạch thận bẩm sinh, phình động mạch thận, sa thận và sa cuống thận, thông động-tĩnh mạch thận,...
- Các bệnh động mạch thận thứ phát: xơ vữa động mạch thận, tắc động mạch thận, loạn sản xơ hóa lớp cơ động mạch thận, bệnh Takayasu,...
Theo diễn biến bệnh, bệnh động mạch thận được chia thành:
- Bệnh động mạch thận cấp: xơ hóa mạch máu thận ác tính, bệnh vi mạch huyết khối, viêm động mạch dạng nốt đại thể, cơn xơ cứng bì cấp
- Bệnh động mạch thận mạn tính: hẹp động mạch thận, xơ hóa mạch máu thận lành tính, hội chứng kháng phospholipid.
2. Các bệnh lý thường gặp ở động mạch thận
2.1 Hẹp động mạch thận
Hẹp động mạch thận là tình trạng thu hẹp một hoặc hai bên động mạch thận. Ở người cao tuổi, nguyên nhân hẹp động mạch thận thường do xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa được tạo bởi cholesterol, chất béo, canxi và các chất khác tích tụ bám trên thành động mạch làm động mạch cứng và hẹp dần. Ở người trẻ tuổi, hẹp động mạch lại thường do hội chứng loạn sản sợi cơ. Đây là hội chứng làm cơ ở động mạch thận phát triển bất thường, động mạch thận sẽ có những đoạn hẹp lại và những đoạn phình ra.
Hầu hết bệnh nhân hẹp động mạch thận không có triệu chứng rõ rệt cho đến khi bệnh tiến triển đến mức độ nặng. Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng kiểm tra thận cho một bệnh lý khác. Các triệu chứng có thể do hẹp động mạch thận gây ra bao gồm: tăng huyết áp đột ngột, chức năng thận giảm sút khi điều trị tăng huyết áp, mắc bệnh tăng huyết áp trước 30 tuổi hoặc sau 55 tuổi, mức độ protein niệu cao, suy tim,...
Bệnh nhân hẹp động mạch thận sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng do thận bị suy giảm chức năng, tình trạng xơ vữa trong động mạch thận cũng sẽ gây ra các nguy cơ như xơ vữa trong các mạch máu khác như làm tắc nghẽn mạch máu ngoại biên, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim,...
Hẹp động mạch thận được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, tăng cường vận động, lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe, bỏ rượu bia, thuốc lá. Kết hợp sử dụng các thuốc điều trị huyết áp, giảm lipid máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu. Phẫu thuật nong mạch vành có thể được sử dụng để cải thiện sự lưu thông máu.
2.2 Phình động mạch thận
Phình động mạch thận là tình trạng thành động mạch thận bị giãn không hồi phục với đường kính lớn hơn 50% so với đường kính bình thường. Có nhiều nguyên nhân gây phình động mạch như:
- Do các tổn thương thoái hóa như bệnh xơ cứng động mạch, bệnh loạn sản tổ chức xơ,...
- Do cơ chế cơ học: phình động mạch thận sau sang chấn, phình động mạch thận sau phẫu thuật nối thông mạch máu, ghép động mạch nhân tạo,...
- Do quá trình viêm nhiễm: phình động mạch có thể gặp do vi khuẩn giang mai, vi khuẩn thường, vi-rút,...
Phình động mạch thận cũng như phình động mạch nói chung nếu không được điều trị thì luôn có xu hướng to lên và có thể dẫn tới các biến chứng như: chèn ép các cơ quan xung quanh, nhiễm khuẩn, vỡ túi phình,... Đối với phình động mạch thận, vỡ túi phình vào ổ bụng hay sau khoang phúc mạc là tai biến nguy hiểm nhất, bệnh nhân sẽ bị chảy máu ồ ạt, nguy cơ tử vong cao. Dù có được phẫu thuật kịp thời thì tỷ lệ tử vong vẫn lên đến 30-70%.
Bệnh nhân phình động mạch thận cần được theo dõi chặt chẽ, khi kích thước túi phình động mạch to lên thì phải được theo dõi sát hơn. Phình động mạch thận sẽ được chỉ định mổ khi:
- Đường kính túi phồng ≥ 5 cm hoặc đường kính tăng hơn 0.5 cm/năm
- Phình động mạch thận có biểu hiện lâm sàng
- Phình động mạch hình túi vì có nguy cơ cao gây bội nhiễm và vỡ đột ngột.
2.3 Xơ hóa mạch máu thận
Xơ hóa mạch máu thận là thuật ngữ dùng để chỉ các tổn thương mạch máu thận do tăng huyết áp. Bệnh được chia thành hai thể là lành tính và ác tính. Trong đó, xơ hóa mạch máu thận lành tính xảy ra ở bệnh nhân tăng huyết áp trong thời gian dài nhưng không diễn biến thành tăng huyết áp ác tính. Xơ hóa mạch máu thận ác tính gây ra bởi tăng huyết áp ác tính, huyết áp bệnh nhân đột ngột tăng rất cao, kèm theo các triệu chứng cấp tính ở đáy mắt, não, tim, suy thận cấp, phình bóc tách động mạch chủ.
Ở xơ hóa mạch máu thận lành tính, thận bệnh nhân giảm kích thước, trên bề mặt thận có nhiều hạn mịn giống hình ảnh da sần, vỏ thận mỏng. Nguyên nhân gây bệnh do các tiểu động mạch bị lắng đọng chất hyalin, dày lên gây hẹp lòng mạch làm thiếu máu nuôi thận. Ở giai đoạn sau của bệnh, các búi mạch cầu thận cũng bị tắc nghẽn do lắng đọng chất hyalin. Thiếu máu nuôi thận làm các ống thận bị teo, mô kẽ bị xơ hóa và có thể ngấm tế bào viêm. Xơ hóa mạch máu thận lành tính hiếm khi dẫn đến suy thận. Xơ hóa mạch máu thận lành tính không có điều trị đặc hiệu, bệnh nhân cần được điều trị tăng huyết áp theo phác đồ kết hợp nhiều thuốc, trong đó phải có thuốc ức chế men chuyển để tăng cường bảo vệ thận. Ngoài ra, bệnh nhân cần sửa chữa những yếu tố nguy cơ tim mạch.
Xơ hóa mạch máu thận ác tính, kích thước thận bệnh nhân bình thường hoặc chỉ hơi nhỏ đi, trên bề mặt thận có các chấm xuất huyết lốm đốm đỏ. Nguyên nhân do các tiểu động mạch bị lắng đọng chất dạng fibrin và thấm các tế bào viêm cấp tính gây hoại tử thành mạch. Có thể có huyết khối trong lòng cầu thận hoặc trong các tiểu động mạch bị hoại tử. Trên lâm sàng, bệnh nhân có triệu chứng hoa mắt, nhức đầu, buồn nôn và nôn, nhìn mờ, tiểu máu và tiểu đạm, bệnh nhân có thể tử vong do urê máu tăng, xuất huyết não hoặc suy tim. Điều trị xơ hóa mạch máu thận ác tính là một điều trị cấp cứu, cần được thực hiện nhanh chóng và khẩn trương. Bệnh nhân cần được kiểm soát huyết áp bằng các thuốc hạ huyết áp tiêm tĩnh mạch, sau khi huyết áp ổn định có thể dùng thuốc ức chế men chuyển đường uống. Thể tích máu được kiểm soát chặt chẽ, nếu thể tích máu giảm bệnh nhân sẽ được điều chỉnh nhanh bằng dung dịch nước muối sinh lý. Chỉ định lọc máu nếu cần thiết.
2.4 Xơ vữa động mạch thận
Xơ vữa động mạch thận thường gặp ở bệnh nhân sau 45 tuổi, đây là nguyên nhân thường gặp nhất của tăng huyết áp do các bệnh lý mạch thận. Xơ vữa gây hẹp động mạch thận thường xuất hiện ở đoạn 1/3 đầu động mạch thận. Xơ vữa động mạch thận và xơ vữa động mạch nói chung có tính chất từ từ, xảy ra trong thời gian dài, bệnh xuất hiện âm thầm nhưng rất nguy hiểm. 50% các trường hợp xơ vữa động mạch thận sẽ dẫn đến hẹp động mạch thận, trong đó khoảng 20% là tắc nghẽn động mạch thận hoàn toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận. Nếu mảng xơ vữa bong ra theo dòng máu đi đến mạch vành làm tắc nghẽn mạch máu gây đột quỵ, nhũn não, nhồi máu cơ tim,... đe dọa tính mạng người bệnh.
Bệnh nhân xơ vữa động mạch thận cần có chế độ ăn và luyện tập thể lực hợp lý, hạn chế ăn mỡ động vật, ngũ tạng động vật, trứng, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia,... Tái khám theo định kỳ, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để được tư vấn chi tiết về bệnh cũng như các phương pháp can thiệp động mạch thận, quý khách vui lòng đến trực tiếp Hệ thống Y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM:
- Can thiệp động mạch thận diễn ra thế nào?
- Cao huyết áp do hẹp động mạch thận
- Có nên can thiệp điều trị hẹp động mạch thận?