Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Nhiễm giun đường tiêu hóa thường gặp ở những nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam. Nhiều trường hợp nhiễm giun có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như: Thiếu máu nặng do giun móc, giun chui ống mật, tắc ruột do giun, viêm não, màng não,... Hầu hết giun không gây được miễn dịch bảo vệ nên các bệnh do giun vẫn có thể tái nhiễm sau khi bình phục.
1. Bệnh giun đũa
Giun đũa thường ký sinh trong ruột non người, nhất là trẻ em với bệnh cảnh lâm sàng thường không có triệu chứng đặc hiệu.
1.1 Các triệu chứng của bệnh giun đũa
- Giun sống bị thải theo phân hoặc chui ra theo đường miệng, mũi
- Hội chứng Loeffler ở phổi: Sốt, ho, đau ngực dữ dội, bạch cầu ưa axit tăng. Hình ảnh chụp X-quang có nhiều nốt thâm nhiễm rải rác hai phổi. Các triệu chứng này có thể hết sau 6-7 ngày.
- Những trường hợp nặng của bệnh giun đũa có thể gây tắc ruột, tắc mật hoặc viêm ruột thừa do giun.
Chính vì không có biểu hiện lâm sàng đặc hiệu nên bệnh giun đũa chỉ được chẩn đoán xác định khi tìm thấy trứng giun trong phân hoặc thấy giun trưởng thành trong phân, giun chui qua mũi, miệng.
1.2 Khả năng lây truyền của bệnh giun đũa
Yếu tố quyết định sự lây lan của bệnh giun đũa chính là khí hậu, tình trạng vệ sinh, các tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người. Các ổ chứa chủ yếu ở người là trẻ em, ổ chứa trứng giun là đất và nước nhiễm phân. Giun đũa chủ yếu lây qua đường ăn uống như nuốt phải trứng giun có trong đất bị nhiễm phân người chứ không lây trực tiếp tức người sang người
1.3 Phòng ngừa bệnh giun đũa
Để phòng ngừa bệnh giun đũa con người cần thực hiện các biện pháp sau:
- Rửa tay, nấu chín và bóc vỏ các loại hoa quả, rau sống trước khi ăn
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/ lần
- Không sử dụng phân tươi để bón các loại cây trồng
- Không phóng uế bừa bãi
- Rửa tay bằng nước và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
2. Bệnh giun móc
Giun móc thuộc họ Ancylostomatidae ký sinh ở người chủ yếu ở ruột non là nguyên nhân gây ra bệnh giun móc.
2.1 Triệu chứng của bệnh giun móc
Người bị bệnh giun móc thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu mà chủ yếu có các biểu hiện thiếu máu như:
- Da xanh nhợt
- Đau vùng thượng vị (tùy theo mức độ nhiễm giun)
- Xét nghiệm máu cho kết quả thiếu máu nhược sắc với hồng cầu giảm dưới mức bình thường, giảm protein toàn phần, bạch cầu ái toan tăng 5-12%.
- Bệnh nhân có thể đau không có giờ nhất định, đau tăng khi đói và ăn không ngon miệng, khó tiêu
- Ấu trùng giun móc xuyên qua da còn có thể gây viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt đỏ và thường hết sau 1-2 ngày.
2.2 Khả năng lây truyền của giun móc
Yếu tố quyết định sự lây nhiễm của giun móc là khí hậu nóng ẩm, tập quán sinh hoạt lạc hậu và tình trạng vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không được đảm bảo. Ổ chứa giun móc chính là con người khi nuốt phải trứng giun móc và đời sống của chúng có thể kéo dài đến 5-6 năm nếu không được điều trị.
2.3 Phòng ngừa bệnh giun móc
Ấu trùng giun móc khi lây nhiễm có khả năng phát triển và tồn tại trong môi trường đất ẩm, nhất là đất cát và mùn chứ không thể sống trong đất sét và phân chuồng, do đó việc giữ gìn vệ sinh là biện pháp phòng ngừa chủ yếu. Ngoài ra, cũng cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Không đi tiêu bừa bãi ở những nơi không phải là nhà xí hay nhà vệ sinh
- Không dùng phân người hay nước cống chưa qua xử lý hoặc chất thải từ hầm phân để làm phân bón trong nông nghiệp.
- Không đi chân không ở những vùng nghi có nhiễm giun
- Khử giun cho chó hoặc mèo nuôi
3. Bệnh giun kim
Giun kim (Enterobius vermicularis) là loại giun có màu trắng sữa, kích thước cơ thể nhỏ thường ký sinh ở người gây ra ngứa vùng hậu môn. Khi vào trong ruột, giun kim gây tổn thương niêm mạc ruột, làm rối loạn tiêu hóa và nổi mẩn dị ứng, có thể cả viêm sinh dục, rối loạn tiểu tiện, rối loạn kinh nguyệt.
3.1 Các triệu chứng của bệnh giun kim
Trẻ em mắc phải giun kim có thể có các triệu chứng như:
- Ngứa và gãi hậu môn về đêm, quấy khóc ban đêm, quan sát bằng mắt có thể thấy giun kim ở rìa hậu môn do giun kim cái đẻ trứng ở rìa hậu môn vào ban đêm
- Đại tiện phân rắn có thể thấy giun kim bám ở rìa khuôn phân
- Giun chui vào âm đạo gây viêm nhiễm, rối loạn kinh nguyệt
- Giun kim chui vào ruột thừa cũng có thể gây viêm ruột thừa.
Chẩn đoán xác định bệnh giun kim thường dựa vào việc tìm thấy trứng giun qua các xét nghiệm hoặc thấy giun cái ở rìa hậu môn.
3.2 Khả năng lây truyền của giun kim
Đường lây truyền phổ biến nhất của giun kim là các vật dụng trong nhà như: Quần áo, đồ chơi, gối, mùng, màn. Vì giun kim thường chỉ đẻ trứng về đêm tại các nếp nhăn hậu môn vật chủ nên thường không thấy trứng giun trong phân. Do đó người nhiễm giun cũng dễ bị tự tái nhiễm hơn nếu dùng tay gãi hậu môn có trứng giun sau đó cầm thức ăn, uống hoặc mút tay. Đời sống giun kim khoảng 1-2 tháng.
3.3 Phòng ngừa bệnh giun kim
Để phòng ngừa giun kim đặc biệt là ở trẻ em cần thực hiện các biện pháp sau:
- Nâng cao ý thức vệ sinh bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là nền nhà, giường chiếu và quần áo trẻ em
- Thực hiện ăn chín, uống sôi để nguội
- Vệ sinh cá nhân tốt như cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng nước xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Không để trẻ mặc quần hở đũng, rửa hậu môn cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng vào các buổi sáng
- Các đối tượng có nguy cơ cao cần tẩy giun định kỳ, nhất là cho trẻ em độ tuổi từ 2-12, tẩy giun mỗi 6 tháng 1 lần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.