Cá chép thuộc nhóm động vật nước ngọt khá phổ biến ở khắp các ao, hồ, sông suối. Ngoài việc sử dụng cá như món ăn hàng ngày với giá trị dinh dưỡng cao, cá chép còn được dùng để làm các vị thuốc có tác dụng bổ tỳ vị, lợi tiểu, thông sữa, an thai... Vậy cá chép nấu gì ngon?
1. Các tác dụng của cá chép đối với sức khỏe
Có nhiều loại cá chép khác nhau, chúng có thành phần dinh dưỡng khá phong phú bao gồm: khoáng chất và vitamin, đặc biệt phospho, vitamin B12, ... những dưỡng chất này cung cấp cho cơ thể giúp thực hiện các hoạt động chức năng của cơ thể. Ngoài ra, trong cá chép có hàm lượng acid béo và chất chống oxy hoá tốt cho cơ thể.
Với hàm lượng acid omega-3 trong thành phần dinh dưỡng của cá chép giúp cải thiện tình trạng sức khỏe tim mạch. Không những thế các acid omega-3 còn có tác dụng với các chứng viêm như viêm khớp dạng thấp, ảnh hưởng đến khá nhiều người.
Thành phần kẽm trong cá chép phong phú có thể giúp kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, các thành phần dinh dưỡng của cá chép còn có tác dụng tốt đối với một số bệnh như: Điều trị các bệnh mãn tính, bảo vệ chức năng đường tiêu hoá, điều trị suy hô hấp, cải thiện xương và răng chắc khỏe, đồng thời làm chậm quá trình lão hoá, cải thiện giấc ngủ chất lượng, tối ưu hoá mức độ nội tiết tố.
2. Các bài thuốc từ cá chép mang lại lợi ích cho sức khỏe
- Bài thuốc an thai: Sử dụng 500 gam cá chép được làm sạch bỏ vảy và ruột, 50 gam gạo nếp, vo sạch và có thể cho một ít vỏ quýt, gừng tươi. Cho các nguyên liệu này vào nồi và ninh nhừ thành cháo, bổ sung thêm gia vị cho vừa ăn. Sử dụng bài thuốc này trong khoảng 5 đến 7 ngày giúp cải thiện sức khỏe của bà mẹ trong thời kỳ mang thai.
- Bài thuốc hỗ trợ triệu chứng buồn nôn hoặc nôn ở giai đoạn đầu của thời kỳ mang thai: Sử dụng một con cá chép với trọng lượng khoảng 300 gam, đánh vẩy, bỏ ruột và làm sạch, 6 gam sa sâm đập nhỏ, 10 gam gừng tươi thái mỏng. Cho sa sâm và gừng tươi vào bụng cá, và đem cá đi hầm chín, cùng với việc bổ sung thêm gia vị ăn trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng rất tốt với phụ nữ đang mang thai giúp kiện tỳ hoà vị, tiêu trừ nôn mửa.
- Bài thuốc chữa phù thũng ở thời kỳ mang thai: Sử dụng cá chép khoảng 500 gam được rửa sạch, bỏ vảy và ruột, cho cá vào chả rán vàng hai mặt và sau đó đem đi hầm nhỏ lửa cùng với 500ml sữa bò, gừng, hành, không cho muối. Hầm cho đến khi nước đặc lại,và các nguyên liệu bao gồm cá chín nhừ. Sử dụng bài thuốc này trong khoảng 5 đến 7 ngày.
- Bài thuốc thông sữa, tăng tiết sữa sau khi sinh: Sử dụng cá chép có trọng lượng khoảng 300 gam, một chân lò lợn với 3 gam thông thảo. Cho các nguyên liệu này vào hầm nhừ và ăn trong ngày.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan vàng da, phù chân tiểu dắt: Sử dụng một con cá chép khoảng 1kg, 50 gam đậu đỏ, hành, gừng, tỏi, gia vị vừa đủ. Cá chép được mang đi làm sạch, ướp gia vị, sau đó rán vàng hai mặt. Hành, tỏi được phi thơm sau đó đổ nước và đậu đỏ và đun sôi và tiếp tục thả cá chép vào hầm cho đến khi các nguyên liệu mềm nhừ. Sử dụng bài thuốc này thường xuyên giúp hỗ trợ điều trị viêm gan vàng da và các triệu chứng khác như phù chân, tiểu dắt.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị ho gà, hen phế quản: sử dụng cá chép với khối lượng khoảng 250 gam, 6 gam xuyên bối mẫu tán mịn, nấu canh ăn hàng ngày. Sử dụng bài thuốc này liên tục từ 1 đến 2 tuần giúp cải thiện tình trạng bệnh ho gà, hen phế quản mạn tính.
3. Các món ăn được nấu từ cá chép
Cá chép nấu gì ngon? Cá chép thuộc nhóm thực phẩm không những có thể chế biến món ngon mà còn có khả năng điều trị một số bệnh. Sử dụng cá chép và các loại thực phẩm phụ trợ sẽ tạo thành các món ngon từ cá chép bao gồm:
- Cá chép om dưa: Khi sử dụng cá chép làm nguyên liệu chế biến món ăn không thể không kể tới món cá chép om dưa. Với món ăn này thịt cá chép mềm, mọng nước, thấm vị đậm đà, cùng với dưa chua giòn, tóp mỡ béo ngậy giúp bạn có món ăn với hương và vị hấp dẫn đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
- Lẩu cá chép: Thường được thưởng thức vào thời gian cuối năm với thời tiết bắt đầu se lạnh. Nước lẩu cá chép chua ngọt, rất cuốn hút người dùng, thịt cá chép mềm, và ngọt tự nhiên được chấm cùng nước mắm ớt để tăng vị đậm đà.
- Cá chép hấp: Cá chép được hấp với bia sẽ mang lại hương vị hấp dẫn. Thịt cá có vị ngọt đặc trưng cùng với hương bia, và sử dụng thêm nước chấm để tăng đậm vị cho cá.
- Cá chép kho: Thịt cá chép có vị ngọt đặc trưng cùng với nước kho vô cùng đậm vị. Món ăn này cũng được mệnh danh món ăn hao cơm.
- Cá chép sốt cà chua: Phần thịt cá ngấm nước cà chua, chua ngọt, đậm đà khiến cho bạn không thể không sử dụng món ăn hấp dẫn này.
- Cá chép nướng giò: Cá chép được làm sạch và sau đó được tẩm gia vị cho ngấm và mang đi nướng. Các nướng với lớp da ngoài vàng giòn, thịt bên trong ngọt, mềm. Món ăn này cũng thuộc nhóm món ăn khá đưa cơm.
- Canh chua cá chép: món ăn này khá thanh mát, giải nhiệt cho những ngày nóng bức.
- Cá chép chưng tương: Thịt cá chép rất mềm, ngọt kết hợp với vị đậm đà của tương đậu cùng với nước sốt mặn, ngọt giúp cho món ăn này trở nên hấp dẫn vô cùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.