Bong võng mạc là một tình trạng cấp tính cần được điều trị sớm để tránh tình trạng kéo dài thời gian võng mạc được điều trị, từ đó dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn như bong võng mạc toàn bộ, mất thị lực vĩnh viễn ở bệnh nhân.
1. Võng mạc là gì?
Nhãn cầu được cấu tạo bởi 3 thành phần chính đó là:
- Các lớp vỏ nhãn cầu: lớp giác mạc - củng mạc, màng mạch (hay màng bồ đào), võng mạc;
- Các môi trường trong suốt: thủy dịch, thủy tinh thể, dịch kính;
- Đường dẫn truyền thị giác.
Trong đó võng mạc hay còn gọi màng thần kinh, là lớp nằm trong cùng của vỏ bọc nhãn cầu, là nơi tiếp nhận ánh sáng từ ngoại cảnh và truyền về trung khu thần kinh giúp chúng ta thu được hình ảnh.
2. Bong võng mạc là gì? Phân loại của bong võng mạc
Bong võng mạc mô tả một tình huống khẩn cấp khi một võng mạc thần kinh ở mặt sau của mắt tách ra khỏi màng mạch chứa các mạch máu cung cấp dinh dưỡng và oxy cho nó.
Tế bào võng mạc bị tách ra không được cung cấp oxy, không được điều trị trong thời gian càng lâu thì nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn càng cao.
Có 3 loại bong võng mạc: thanh dịch, co kéo, có vết rách. Trong đó bong co kéo và thanh dịch không liên quan tới rách võng mạc. Loại bong võng mạc phổ biến nhất là loại có vết rách.
3. Yếu tố nguy cơ và cơ chế hình thành bong võng mạc
3.1. Cận thị
Người cận thị có nguy cơ bong võng mạc, bong võng mạc tái phát lại hoặc bong võng mạc cả ở mắt còn lại vì nhãn cầu của họ có xu hướng lồi ra trước làm lớp võng mạc bị kéo căng, vùng chu biên võng mạc mỏng ra, dần thoái hóa và dễ bị rách. Vậy nên, bệnh nhân bị cận thị trên -6.00D nên khám mắt định kỳ để được kiểm tra võng mạc xem có biểu hiện thoái hóa do cận thị không để được điều trị kịp thời bằng phương pháp soi đáy mắt ít nhất 1 lần/ 1 năm.
3.2. Người mắc bệnh tiểu đường
Các biến chứng của tiểu đường lên mắt đặc biệt là vùng võng mạc làm người bị tiểu đường có nguy cơ bong võng mạc cao hơn người bình thường. Vì vậy, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết của mình và thường xuyên đi khám tầm soát các biến chứng của bệnh lý đái tháo đường.
3.3. Sự lão hóa
Nguy cơ bong võng mạc ở bệnh nhân trên 60 có nguy cơ cao hơn các bệnh nhân trẻ tuổi. Nguyên nhân là do ở người lớn tuổi dịch kính càng trở nên không đồng nhất, co kéo hoặc hóa lỏng và có thể tách ra khỏi bề mặt võng mạc (hay còn gọi là bong dịch kính sau). Nếu không điều trị kịp thời dịch lỏng từ khoang dịch kính sẽ qua các vết rách đi vào sau võng mạc dẫn đến tình trạng bong võng mạc toàn bộ.
3.4. Chấn thương mắt
Bệnh nhân có tiền sử chấn thương mắt nặng, vết thương xuyên nhãn cầu có thể gây bong võng mạc, bong võng mạc toàn bộ, kèm theo vết rách và các tổn thương khác ở nhãn cầu và các thành phần khác của mắt. Tình trạng này có thể được phát hiện sớm vào ngay lúc bệnh nhân bị tổn thương mắt và đến khám tại các cơ sở y tế, tuy nhiên, bong võng mạc tái phát vẫn có thể xảy ra một khi mắt bệnh nhân đã có tiền sử chấn thương và bong võng mạc.
3.5. Các bệnh lý về máu
Các bệnh lý về máu có thể gây ra tổn thương ở võng mạc dẫn đến tình trạng bong võng mạc, bong võng mạc tái phát hoặc nếu nghiêm trọng hơn là bong võng mạc toàn bộ. Thiếu máu nặng có thể gây ra phù võng mạc, xuất tiết, xuất tiết bông,...
3.6. Dị tật bẩm sinh
Dị tật bẩm sinh của dịch kính võng mạc hoặc cận thị nặng bẩm sinh cũng có thể gây ra bong võng mạc cùng nguyên lý gây bệnh như các yếu tố trước.
3.7 Phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể
Phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể có thể làm tăng nguy cơ bong võng mạc ở một mức độ nào đó, khoảng 2 % nếu phẫu thuật cắt bao bằng tia laze YAG.
Ngoài ra tiền sử gia đình có bong võng mạc, hoặc thoái hóa võng mạc dạng lưới, các rối loạn viêm khác của mắt,... cũng có thể gây ra bong võng mạc, bong võng mạc tái phát.
4. Triệu chứng của bong võng mạc
Bệnh nhân bong võng mạc thường không đau.
Các triệu chứng của bong võng mạc tiến triển hoặc báo trước tình trạng bong võng mạc gồm:
- Hiện tượng ruồi bay đột ngột xuất hiện – các đốm đen nhỏ trôi ngang qua thị trường
- Ánh sáng lóe lên ở 1 hoặc cả 2 mắt
- Mờ mắt
- Thị lực ngoại biên ở một phía thị trường nào đó giảm dần
- Cảm thấy như có màn che tầm mắt hoặc vùng xám trên thị trường
5. Điều trị bong võng mạc
Các phương pháp điều trị bong võng mạc sẽ được bác sĩ chỉ định sau khi chẩn đoán xác định tình trạng và mức độ bong võng mạc như: Phẫu thuật laser (quang đông), lạnh đông võng mạc, phẫu thuật cắt dịch kính, áp võng mạc bằng hơi, ấn độn củng mạc...
Bong võng mạc mặc dù thường khu trú nhưng các vết rách có thể sẽ lan ra toàn võng mạc nếu không được điều trị sớm dẫn đến tình trạng bong võng mạc toàn bộ. Vì vậy, nếu có bất kỳ nghi ngờ hoặc đã có bong võng mạc nên khám chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.
6. Tiên lượng bong võng mạc sau phẫu thuật
Tỷ lệ thành công là 80 - 90% tuy nhiên một số bệnh nhân cần hai đến nhiều lần phẫu thuật để hoàn thành điều trị. Tình trạng thị lực của bệnh nhân có hồi phục tốt không là tùy vào bong võng mạc có đi qua vùng hoàng điểm không và thời gian đến trước lúc điều trị, đối với bong võng mạc toàn bộ lớp võng mạc bao gồm cả vùng hoàng điểm gần như tách hết ra khỏi màng bồ đào thì tiên lượng khá xấu. Thời gian bong hoàng điểm trước phẫu thuật càng lâu thì khả năng cải thiện thị giác càng thấp.
Về khả năng tái phát của bong võng mạc sau phẫu thuật: nguyên nhân khiến phẫu thuật điều trị bong võng mạc thất bại thường gặp nhất là sự phát triển của bệnh lý dịch kính tăng sinh, chiếm từ 7% đến 10% các ca sửa chữa chính. Tái phát sớm xảy ra trong vòng 6 tuần sau lần phẫu thuật đầu tiên và tái phát muộn hơn 6 tuần sau đó. Điều trị không đầy đủ và bệnh lý dịch kính tăng sinh (PVR) là những nguyên nhân chính gây tái phát sớm. Các trường hợp tái phát muộn chủ yếu do lực kéo dịch kính, nhưng y văn có ít báo cáo về các trường hợp này. Ngoài ra, các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đã nêu ở trên có khả năng bị bong võng mạc tái phát hoặc bong võng mạc ở mắt còn lại cao hơn những người khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.