Thuốc Bilbroxol Syrup được bào chế dưới dạng siro uống. Thuốc được dùng để điều trị một số bệnh lý ở đường hô hấp. Vậy bilbroxol syrup là thuốc gì?
1. Công dụng của thuốc Bilbroxol Syrup
1.1 Thuốc Bilbroxol Syrup là thuốc gì?
Thuốc có thành phần chính là Ambroxol (một chất chuyển hóa của bromhexin, có tác dụng như bromhexin). Ambroxol có tác dụng làm tiêu chất nhầy và long đờm.
1.2. Chỉ định
Thuốc Bilbroxol Syrup được chỉ định cho các trường hợp sau:
- Các bệnh cấp, mạn tính ở đường hô hấp, kèm theo tăng tiết dịch phế quản không bình thường, đặc biệt ở đợt cấp của viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản dạng hen;
- Các bệnh nhân sau mổ và cấp cứu cần đề phòng biến chứng ở phổi.
1.3. Chống chỉ định
Thuốc Bilbroxol Syrup chống chỉ định cho các trường hợp sau:
- Người quá mẫn cảm với thành phần Ambroxol;
- Người bị loét dạ dày - tá tràng tiến triển.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Bilbroxol Syrup
2.1. Cách dùng
Thuốc Bilbroxol Syrup dùng đường uống, nên uống với nước sau khi ăn với liều dùng thích hợp trong ly chia vạch đi kèm với lọ thuốc.
2.2. Liều dùng
- Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: Dùng liều 7ml/lần x 3 lần/ngày. Sau đó, dùng liều 2 lần/ngày nếu dùng kéo dài;
- Trẻ em 5 - 10 tuổi: Dùng liều 2,5ml/lần x 3 lần/ngày. Sau đó, dùng liều 2 lần/ngày nếu dùng kéo dài;
- Trẻ em 2 - 5 tuổi: Dùng liều 1,25ml x 3 lần/ngày. Sau đó dùng liều 2 lần/ngày nếu dùng kéo dài;
- Trẻ em dưới 2 tuổi: Dùng liều 1,25ml x 2 lần/ngày. Sau đó dùng liều 1 lần/ngày nếu dùng kéo dài.
Lưu ý: Liều dùng thuốc Bilbroxol Syrup ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể sẽ được bác sĩ chỉ định tùy theo thể trạng bệnh nhân và mức độ diễn tiến của bệnh.
Nếu xảy ra quá liều, cần ngừng dùng thuốc và điều trị các triệu chứng. Trong trường hợp quên dùng 1 liều thuốc, người bệnh nên uống thuốc Bilbroxol Syrup càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên, uống liều tiếp theo đúng thời điểm như kế hoạch.
3. Tác dụng phụ của thuốc Bilbroxol Syrup
Khi sử dụng thuốc Bilbroxol Syrup, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn:
- Thường gặp: Khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn, nôn ói;
- Ít gặp: Dị ứng da, phát ban da;
- Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ cấp tính nặng nhưng chưa chắc chắn có liên quan tới Ambroxol, khô miệng, tăng các transaminase.
Khi gặp các tác dụng phụ, người bệnh nên ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ. Với các phản ứng nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc là triệu chứng sẽ biến mất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Bilbroxol Syrup
Khi sử dụng thuốc Bilbroxol Syrup, người bệnh cần lưu ý:
- Thận trọng khi dùng thuốc Bilbroxol Syrup với người bị loét đường tiêu hóa và các trường hợp ho ra máu bởi Ambroxol có thể làm tan các cục máu đông fibrin, làm xuất huyết trở lại. Chỉ dùng thuốc trong đợt ngắn, nếu không đỡ cần được thăm khám lại;
- Đã có trường hợp gặp phản ứng da nghiêm trọng khi sử dụng Ambroxol như: Hội chứng Stevens Johnson, hồng ban đa dạng, hoại tử biểu mô nhiễm độc, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính,... Trong trường hợp có sự tiến triển của các triệu chứng này trên da, đôi khi kèm theo mụn nước hoặc tổn thương niêm mạc, cần ngừng dùng thuốc ngay lập tức và báo cho bác sĩ;
- Nếu nhu động phế quản bị rối loạn, lượng dịch tiết lớn hơn (ví dụ hội chứng lông mao ác tính hiếm gặp), cần sử dụng Ambroxol thận trọng vì có thể xảy ra tắc nghẽn tiết dịch;
- Với bệnh nhân suy thận hoặc bệnh gan nặng, cần sử dụng Ambroxol theo chỉ dẫn của bác sĩ;
- Bệnh nhân kém hấp thu glucose - galactose, bị di truyền hiếm gặp không dung nạp fructose hoặc thiếu enzyme sucrase-isomaltase không nên sử dụng thuốc Bilbroxol Syrup thuốc có thành phần sorbitol (nguồn gốc fructose) và saccharose;
- Chưa có tài liệu nói về tác dụng tiêu cực của thuốc Bilbroxol Syrup trong thời kỳ mang thai nhưng người dùng vẫn cần thận trọng khi dùng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ;
- Chưa có thông tin về ảnh hưởng của thuốc Bilbroxol Syrup đối với phụ nữ cho con bú. Người dùng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này.
Tương tác thuốc: Sử dụng thuốc Bilbroxol Syrup với các kháng sinh như cefuroxim, amoxicillin, erythromycin, doxycyclin có thể làm tăng nồng độ kháng sinh trong nhu mô phổi. Còn lại, chưa có báo cáo về những tương tác bất lợi của thuốc Bilbroxol Syrup với các thuốc khác trên lâm sàng.
Thuốc Bilbroxol Syrup có tác dụng điều trị một số bệnh ở đường hô hấp. Để tránh những tương tác thuốc không mong muốn, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng trong thời gian điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.