Biểu hiện không điển hình của đau thắt ngực

Đau thắt ngực không điển hình khác với đau ngực điển hình là không có đầy đủ các dấu hiệu của cơn đau tim do thiếu máu cục bộ cơ tim. Các triệu chứng của đau thắt ngực không điển hình có thể đa dạng, từ đau âm ỉ, đau buốt đến chảy nước mắt hay có biểu hiệu như một cơn khó thở hay đau lưng.

1. Đau thắt ngực không điển hình là gì?

Đau thắt ngực không điển hình được định nghĩa là cơn đau ngực KHÔNG có cả ba đặc điểm của một cơn đau thắt ngực điển hình.

Các đặc điểm “kinh điển” của một cơn đau thắt ngực điển hình bao gồm cả ba biểu hiện sau:

  • Đau ngực hoặc khó chịu ở vùng giữa ngực sau xương ức
  • Cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi gắng sức hoặc căng thẳng
  • Giảm mức độ đau hay khỏe hơn khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc nitroglycerin.

Thay vào đó, cơn đau thắt ngực không điển hình sẽ biểu hiện như một cơn đau nhói, đau như dao đâm hoặc chảy nước mắt ở một điểm cụ thể trên ngực và có thể kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày. Người bệnh cũng có thể bị ho hoặc thở gấp cũng như khó nuốt đi kèm với cơn đau.

Đau thắt ngực không điển hình có thể được điều trị bằng cách theo dõi sát diễn tiến, kết hợp với dùng thuốc hoặc đôi khi còn cần tới can thiệp thủ thuật. Nếu cơn đau trở nên ngày càng dữ dội hoặc người bệnh cảm thấy khó thở, hoặc có tiền sử bệnh tim mạch thì cần phải đi khám ngay.

Có thể những dấu hiệu ở bạn không phải là một cơn đau ngực không điển hình nhưng bạn vẫn phải kiểm tra thêm và thực hiện các xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán chắc chắn về cơn đau, bao gồm điện tim, siêu âm tim, chụp X - quang tim phổi và xét nghiệm máu.

XEM THÊM: Thế nào là cơn đau thắt ngực không ổn định?


Đau thắt ngực không điển hình có thể được điều trị bằng cách theo dõi sát diễn tiến của cơn đau
Đau thắt ngực không điển hình có thể được điều trị bằng cách theo dõi sát diễn tiến của cơn đau

2. Các biểu hiện không điển hình của đau thắt ngực

2.1. Các biểu hiện chính

Như đã trình bày, đau thắt ngực không điển hình không có cả ba đặc điểm của một cơn đau ngực như là dấu hiệu của một cơn đau tim. Do đó, đau ngực không điển hình có thể có các đặc điểm sau:

  • Cường độ cơn đau: Không giống như cơn đau ngực điển hình, đau thắt ngực không điển hình thường được mô tả như là một cơn đau âm ỉ hoặc cảm giác áp lực trên thành ngực hay có thể là đau như dao đâm hoặc chảy nước mắt. Đau ngực không điển hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi hít vào, ấn tay vào ngực và có thể thuyên giảm khi nghiêng người về phía trước. Trong trường hợp cơn đau trở nên nặng nề hơn khi ăn uống thì cho thấy nguyên nhân gợi ý xuất phát từ đường tiêu hóa.
  • Vị trí khởi phát: Đau ngực không điển hình có thể nằm ở một vùng cụ thể của ngực, không giống như đau ngực điển hình là thường cảm thấy khắp ngực. Đau ngực không điển hình cũng có thể lan ra sau lưng. Tuy nhiên, nếu cơn đau lan xuống cánh tay hoặc cổ là biểu hiện của cơn đau ngực điển hình.
  • Hoàn cảnh khởi phát và thời gian: Đau ngực không điển hình có thể xuất hiện đột ngột, điều này là không bình thường đối với đau ngực điển hình. Bên cạnh đó, đau ngực không điển hình cũng có thể kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày, trong khi cơn đau ngực điển hình thường không kéo dài hơn 20 đến 30 phút.

3. Các biểu hiện khác của cơn đau thắt ngực không điển hình

Các triệu chứng khác của đau ngực không điển hình có thể sẽ bao gồm những điều sau đây.

  • Ho hoặc khó thở: Đau ngực không điển hình có thể đi kèm với ho hoặc khó thở, đặc biệt nếu đó là do nguyên nhân liên quan đến phổi. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng có thể gây ho kéo dài.
  • Đau hoặc khó nuốt: Đau ngực không điển hình có thể đi kèm với đau hoặc khó nuốt nếu là do nguyên nhân đường tiêu hóa như bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Thuyên tắc phổi cũng có thể là nguyên nhân gây đau thắt ngực không điển hình
Thuyên tắc phổi cũng có thể là nguyên nhân gây đau thắt ngực không điển hình

4. Các nguyên nhân gây đau ngực không điển hình

Đau ngực không điển hình thường đề cập đến cơn đau ngực không “điển hình” do cơn đau tim gây ra. Tuy nhiên, đôi khi định nghĩa về đau ngực không điển hình là không rõ ràng. Thay vào đó, bác sĩ sẽ tìm kiếm thêm về các dấu hiệu khác đi kèm cơn đau để xác định nguyên nhân, định hướng điều trị. Nhiều nguyên nhân có thể gây ra đau ngực không điển hình và một số nguyên nhân được mô tả dưới đây.

4.1. Đau tim

Đau tim: Đau ngực không điển hình cần được nghĩ nguyên nhân hàng đầu là do đau tim, ngay cả khi không có tất cả các triệu chứng “điển hình”. Đặc biệt, phụ nữ, người lớn tuổi và những người bị bệnh tiểu đường khi bị đau tim có nhiều khả năng biểu hiện với các triệu chứng khác ngoài đau ngực điển hình, chẳng hạn như khó thở, buồn nôn hoặc nôn hoặc đi ngoài.

4.2. Các nguyên nhân liên quan đến tim ngoài cơn đau tim

Ngoài cơn đau tim, các nguyên nhân khác liên quan đến tim có thể gây ra đau ngực không điển hình. Một số trong số này bao gồm:

  • Viêm tại tim: Đây có thể là màng bao tim (viêm màng ngoài tim) hoặc cơ tim (viêm cơ tim)
  • Bệnh van tim
  • Bóc tách động mạch chủ: Đây là một vết rách trên thành mạch máu lớn dẫn máu ra từ tim.

4.3. Các nguyên nhân khác

Nguyên nhân liên quan đến phổi: Vì phổi cũng nằm trong lồng ngực, các rối loạn thực thể tại phổi cũng có thể gây ra đau ngực không điển hình, ví dụ: thuyên tắc phổi (có cục máu đông trong phổi), tràn khí màng phổi gây xẹp phổi, viêm phổi (nhiễm trùng tại phổi), bệnh hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi.

Nguyên nhân đường tiêu hóa: Thực quản và dạ dày đều nằm trong hoặc gần ngực. Theo đó, các rối loạn của các cơ quan này cũng có thể gây ra đau ngực không điển hình, chẳng hạn như: bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) khi một lượng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây kích thích, viêm dạ dày khi niêm mạc dạ dày bị viêm, viêm thực quản với vết xước, rách trên niêm mạc của thực quản.

Nguyên nhân đau ngực do cơ xương: Tổn thương cơ hoặc xương ở ngực là một nguyên nhân phổ biến khác gây ra đau ngực không điển hình. Đau ngực do cơ xương có thể do chấn thương trực tiếp vào ngực, có thể dẫn đến tổn thương mô và gãy xương sườn, cũng như chấn thương ngực do hoạt động quá sức.

Nguyên nhân tâm lý: Các cơn lo lắng và hoảng sợ có thể gây ra các triệu chứng giống như đau tim. Trong cơn hoảng loạn, người bệnh có thể bị đau hoặc tức ngực đột ngột, khó thở, chóng mặt và sợ hãi dữ dội. Tuy nhiên, điều này thường chỉ đúng với các người bệnh dưới 40 tuổi, khỏe mạnh và không có bệnh tim trước đó. Ngược lại, đối với người lớn tuổi, nhiều bệnh lý hay yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm, cần tích cực tìm kiếm nguyên nhân trước khi quy kết cho khả năng là một cơn hoảng loạn.

Tóm lại, ngay cả những cơn đau tim cũng có thể gây ra những cơn đau ngực không điển hình và đau thắt ngực không điển hình cũng có nguyên nhân từ những cơ quan khác ngoài tim. Vì vậy, điều quan trọng là khái niệm “đau thắt ngực không điển hình” là phải được bác sĩ nhận định, kết hợp với sự hỗ trợ của các phương tiện cận lâm sàng, nhằm điều trị kịp thời nếu đây là một cơn thiếu máu cục bộ cơ tim thực sự.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe