Biểu hiện bệnh chân tay miệng ở trẻ em giai đoạn toàn phát

Triệu chứng của chân tay miệng ở trẻ em bao gồm sốt, đau loét miệng, phát ban dạng phỏng nước trên da và thay đổi theo từng giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát.

1. Biểu hiện bệnh chân tay miệng ở trẻ em giai đoạn toàn phát

Trước khi bệnh tay chân miệng ở trẻ em đến giai đoạn toàn phát sẽ diễn ra giai đoạn ủ bệnh và giai đoạn khởi phát.

Thời kỳ ủ bệnh tay chân miệng kéo dài khoảng 3 - 7 ngày. Biểu hiện bệnh chân tay miệng ở trẻ em trong giai đoạn này thường không rõ rệt, nhẹ và thoáng qua, chỉ sốt nhẹ, đau họng, tiết nhiều nước bọt, chán ăn, tiêu chảy nhẹ và trẻ có vẻ kém linh hoạt hơn.

Đến giai đoạn khởi phát, trẻ có thể sốt cao đến 39 - 40oC và xuất hiện những triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng với biểu hiện phát ban tại các vị trí đặc hiệu trên da. Do đau họng và sốt cao, trẻ bị tay chân miệng quấy khóc và có thể bỏ ăn.

Giai đoạn toàn phát bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể kéo dài 3-10 ngày với những triệu chứng như sau:

  • Loét miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông và tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) nhưng sau đó có thể để lại những vết thâm, hiếm khi gây loét hay bội nhiễm. Các tổn thương da tự hết trong vòng 1 tuần, mụn nước khô sẽ để lại vết thâm da, không loét.
  • Trẻ bị sốt cao và nôn nhiều có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng trên hệ thần kinh, tim mạch, hô hấp.

Hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ
Hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ

Vì vậy, trong giai đoạn này, cha mẹ cần chăm sóc, vệ sinh cho trẻ kĩ càng; kiểm tra các dấu hiệu trên da để phân biệt được bệnh tay chân miệng với các bệnh có phát ban da khác như: sốt phát ban, dị ứng, viêm da mủ, thủy đậu, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu, sốt xuất huyết.

Sau 3-5 ngày từ khi giai đoạn toàn phát xuất hiện triệu chứng, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng – đây là thời kỳ lui bệnh.

2. Khi nào trẻ bị tay chân miệng cần phải nhập viện?

Bệnh tay chân miệng thường là bệnh nhẹ và chỉ gây ra sốt vài ngày. Các dấu hiệu và triệu chứng của chân tay miệng ở trẻ em tương đối nhẹ. Tuy nhiên, mẹ vẫn nên đưa bé đi khám để xác định đúng bệnh và có các lời khuyên chăm sóc phù hợp.

Trong trường hợp sốt hơn 38 độ C với trẻ dưới 3 tháng tuổi và cao hơn 39 độ C với trẻ dưới 6 tháng, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ.


Khám Nhi tại Bênh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Khám Nhi tại Bênh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Trẻ sốt cao trên 39 độ C không hạ sốt trong 2 ngày cũng cần được đưa đi viện.

Nếu bé bị đau họng không thể uống nước hoặc ăn uống ít hơn bình thường thì cần đưa bé đi khám vì rất dễ dẫn đến việc mất nước, nguy hiểm tới tính mạng.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng, chỉ tập trung điều trị hỗ trợ (không sử dụng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Do vậy, phụ huynh cần theo dõi sát để phát hiện sớm và điều trị biến chứng ngay khi có dấu hiệu. Quá trình chăm sóc cần bảo đảm cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe