Kiểm tra dị ứng áp da (Test áp da - Patch Test) là một trong những phương pháp test được áp dụng rộng rãi trong y khoa nhằm giúp bác sĩ và bệnh nhân có thể tìm ra các yếu tố dị nguyên gây nên tình trạng viêm da tiếp xúc.
1. Phương pháp kiểm tra dị ứng áp da Patch Test
Patch Test hay còn gọi Test áp da, một phương pháp kiểm tra dị ứng áp da, một phương pháp giúp kiểm tra đánh giá tình trạng dị ứng của da với một tác nhân bất kỳ nào đó. Phương pháp này được thực hiện dựa trên kỹ thuật sử dụng các dị nguyên đã được chế sẵn để áp lên vùng da lành, mỗi dị nguyên trên một vùng da khác nhau. Sau 48 giờ hoặc sau 96 giờ, nếu bệnh nhân có dấu hiệu bị dị ứng với dị nguyên đó thì cho phép chẩn đoán bệnh nhân bị dị ứng tiếp xúc với dị nguyên đó.
Viêm da tiếp xúc là một phản ứng viêm da xảy ra do sự tương tác giữa da với các tác nhân bên ngoài. Tác nhân này có thể là thuốc bôi, mỹ phẩm hoặc các loại hóa chất, thuốc nhuộm,... Để bàn về vấn đề chẩn đoán viêm da dị ứng tiếp xúc bao gồm 2 dạng khác nhau là dị ứng và kích ứng.
Viêm da tiếp xúc dị ứng là một kiểu dị ứng chậm, các phản ứng viêm xảy ra chỉ ở một số người có cơ địa dị ứng và các dị nguyên này bắt buộc phải thông qua các phản ứng miễn dịch của cơ thể thì mới có thể gây nên bệnh được.
Viêm da tiếp xúc kích ứng là tình trạng thường gặp phổ biến nhất trên lâm sàng. Đó là tình trạng viêm xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các kháng nguyên mà chúng không cần phải thông qua sự bảo vệ của hàng rào miễn dịch. Các tác nhân ở đây thường là các dung dịch chứa axit, kiềm hay các loại côn trùng có nhiều độc tính.
Biểu hiện của viêm da dị ứng tiếp xúc là sự thay đổi bất thường trên da khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng như:
- Cảm giác châm chích thậm chí đau như kim châm trên da tại vùng tiếp xúc, có thể thấy khô rát, nóng như bị bỏng.
- Da nổi mẩn đỏ hay các mụn nước li ti.
- Nhiều trường hợp bị nặng có thể đỏ da cả một vùng kèm theo phù nề, sưng tấy, phỏng nước rồi bỏng rộp, da bị viêm trợt có vết loét.
- Một số trường hợp khác thì không có hiện tượng tấy đỏ phù nề nhưng bị khô da, bong tróc từng lớp từng mảng, có hoặc không kèm theo ngứa, nứt nẻ.
- Những trường hợp bệnh nhân yếu, hệ thống miễn dịch hoạt động kém, tình trạng dị ứng đôi khi không chỉ thể hiện trên da mà có thể xuất hiện ở đường hô hấp và các bộ phận khác như ho, hắt hơi, ngứa họng...
Tình trạng viêm da tiếp xúc có thể xảy ra với gần như bất kỳ nguyên nhân nào tùy theo cơ địa mỗi người. Khi bản thân người bệnh chưa thể xác định được cơ thể của mình đã phản ứng với chất gì thì việc chỉ định Test áp da sẽ giúp chẩn đoán chính xác hơn nguyên nhân gây nên các biểu hiện viêm này.
Như đã nói ở trên, Test áp da là một kỹ thuật sử dụng các dị nguyên đã được chuẩn bị sẵn để áp lên da rồi sau đó theo dõi các phản ứng và biểu hiện của các vùng da tiếp xúc với dị nguyên. Sau 48 - 96 giờ, lấy kết quả đem so sánh với chứng âm rồi sẽ rút ra được kết luận rằng cơ thể bệnh nhân có bị phản ứng với chất dị nguyên này hay không. Kết quả sau test có thể là âm tính hoặc dương tính tùy theo cơ địa của mỗi bệnh nhân.
Xét về bản chất, việc sử dụng Test áp da nhằm giúp cho bác sĩ và bệnh nhân xác định được nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc của chính bệnh nhân đó.
Cách thực hiện test áp da:
- Chuẩn bị các miếng dán có chứa sẵn các dị nguyên để test, mỗi miếng dán là một dị nguyên khác nhau.
- Áp các miếng dán chứa dị nguyên lên các vùng da lành, mỗi miếng dán một vị trí khác nhau, không chồng lên nhau.
- Theo dõi phản ứng của da tại các vùng dán dị nguyên. Nếu 48 - 96 giờ, tại các vùng da thấy có dấu hiệu hình thành sẩn đỏ, hoặc mụn nước hoặc bọng nước thì đồng nghĩa với việc bệnh nhân bị viêm da dị ứng tiếp xúc với dị nguyên đó.
Lưu ý, đối với một số trường hợp bệnh nhân có phản ứng dị ứng xảy ra chậm nên để chính xác và tránh bỏ sót, sau khi kiểm tra da nếu thấy kết quả âm tính, hẹn bệnh nhân 2 ngày sau quay trở lại kiểm tra một lần nữa để có thể chắc chắn rằng bệnh nhân hoàn toàn không bị dị ứng với kháng nguyên đó.
2. Một số lưu ý khi làm test áp da để chẩn đoán viêm da tiếp xúc
Để thực hiện test áp da có hiệu quả chính xác trong chẩn đoán mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân thì cần lưu ý một số điều như sau:
- Không chỉ định làm test áp da cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
- Kiểm tra dị ứng áp da chỉ được áp dụng để chẩn đoán và tìm dị nguyên gây nên các tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc các dị ứng chậm khác mà không thể sử dụng để kiểm tra các dạng dị ứng nhanh như: sốc phản vệ, mày đay, viêm mũi dị ứng, hen phế quản.
- Trong quá trình thực hiện test áp da, nhắc bệnh nhân tránh để cơ thể bị ra mồ hôi nhiều, hoặc bóc miếng áp dán trên da trước thời gian bác sĩ chỉ định.
- Sau khi đã tiến hành xong kỹ thuật test áp da, lưu ý với bệnh nhân giữ cho vùng da test được khô ráo trong thời gian xét nghiệm. Khoảng thời gian tốt nhất thường là 4 ngày.
Viêm da tiếp xúc là tình trạng thường xuyên gặp trên lâm sàng bởi nhiều các tác nhân khác nhau như nước hoa, mỹ phẩm, thuốc, hóa chất,... Tình trạng viêm xảy ra vốn dĩ do cơ thể bệnh nhân đã có tiền sử và cơ địa đáp ứng nhạy cảm với các chất đó. Do vậy, để hạn chế tình trạng viêm da tiếp xúc thì phương pháp tối ưu nhất là bản thân người bệnh nên tránh tiếp xúc với các dị nguyên khiến cơ thể mình kích ứng. Điều khó khăn ở đây là có rất nhiều trường hợp không biết bản thân mình đang bị dị ứng với chất gì. Khi đó, test áp da Patch Test là một sự lựa chọn tối ưu để giúp bệnh nhân và bác sĩ điều trị phát hiện ra căn nguyên gây nên tình trạng viêm, để từ đó có hướng điều trị phù hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.