Biến chứng của đái tháo đường rất đa dạng và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân rất cao. Trong số đó, biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường là một biến chứng xảy ra trên rất nhiều hệ cơ quan như mắt, thận và thần kinh. Đây là một trong những biến chứng của bệnh lý đái tháo đường mà bất cứ bệnh nhân nào cũng nên cẩn trọng và kiểm soát cơ thể để hạn chế tối đa tình trạng biến chứng này.
1. Biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường
Biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường bao gồm những bệnh lý liên quan đến các bộ phận trong cơ thể như mắt, thận và thần kinh. Loại biến chứng của đái tháo đường này bị gây ra do nồng độ đường máu của bệnh nhân tăng vượt quá mức cho phép, ảnh hưởng đến rất nhiều mô cơ quan. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân biết cách điều chỉnh và kiểm soát cũng như duy trì lượng đường trong máu của cơ thể một cách ổn định thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa được biến chứng này. Theo những nghiên cứu được thực hiện trên các bệnh nhân bị đái tháo đường thì đa số những bệnh nhân này sẽ có nguy cơ mắc phải ít nhất một trong ba loại biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường kể trên và phải sống chung với nó trong một thời gian dài.
Cơ chế của biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường được giải thích là do lượng đường huyết tăng quá cao một cách bất thường diễn ra đồng thời với tình trạng stress oxy hóa lòng mạch đã dẫn đến quá trình viêm cũng như tổn thương vi mạch. Kết quả là lưu lượng máu và mức độ thấm của những chất dinh dưỡng qua lớp tế bào nội mô bị giảm đi đáng kể khiến cho nồng độ protein ngoại bào bị lắng đọng tăng lên. Do vậy, tình trạng đông máu diễn ra kéo theo hàng loạt những rối loạn của các hệ cơ quan đích.
2. Biến chứng võng mạc mắt
Đây là biến chứng của bệnh đái tháo đường có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của bệnh nhân. Bệnh lý này bị gây ra do tình trạng đường máu tăng quá cao làm cho những mạch máu nhỏ nuôi dưỡng cơ quan đích là võng mạc bị viêm, co chặt dẫn đến quá trình đông máu xảy ra. Lúc này, cơ thể sẽ báo hiệu tình trạng thiếu máu đến cung cấp cho võng mạc và lập tức huy động các tế bào thực hiện quá trình sinh sản ra những mạch máu mới để đáp ứng nhưng những mạch máu này có cấu trúc khá yếu và dễ bị đứt hoặc vỡ gây ra bệnh chảy máu võng mạc trên bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh lý võng mạc khá khó phát hiện trên lâm sàng vì chỉ khi có tổn thương mức độ nặng thì mới biểu hiện ra bên ngoài nên bệnh nhân cần phải theo dõi tình trạng sức khỏe của mình thường xuyên để phát hiện ngay khi có thể.
3. Biến chứng thần kinh
Biến chứng thần kinh được xem như là một biến chứng nguy hiểm nhất trong bệnh đái tháo đường, có thể gặp cả biến chứng thần kinh cấp và mạn tính nhưng tỷ lệ bệnh lý thần kinh mạn tính thường cao hơn. Biến chứng thần kinh hay gặp nhất đó là biến chứng thần kinh tự động và biến chứng thần kinh ngoại biên, và thường xảy ra chủ yếu trên những bệnh nhân đái tháo đường type II:
Biến chứng thần kinh tự động:
- Tim mạch: nhịp tim nhanh kể cả khi nghỉ ngơi, tần số > 100 lần/phút, tình trạng nhồi máu cơ tim không có nhiều triệu chứng, hạ huyết áp tư thế, có thể gặp cả rối loạn nhiệt cơ thể.
- Hệ tiêu hóa: biến chứng gây nên một số tổn thương chức năng của đường tiêu hóa trên như nuốt nghẹn, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, tiêu chậm, hay ợ nóng, ợ chua, đau bụng nhiều vị trí thượng vị, buồn nôn hoặc nôn. Một số chức năng đường tiêu hóa dưới cũng bị ảnh hưởng như táo bón, tiêu chảy...
- Hệ tiết niệu, sinh dục: điển hình là bệnh lý thần kinh bàng quang, tăng hoạt hệ sinh dục biểu hiện bằng rối loạn cương dương, liệt dương với bệnh nhân nam, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, mất kinh nguyệt, mất cảm giác vùng bẹn... đối với bệnh nhân nữ.
- Thần kinh vận mạch: bệnh nhân thường có triệu chứng tăng tiết mồ hôi, nhất là ở vùng mặt, thân... và xảy ra nhiều khi bắt đầu vào những bữa ăn hoặc vào ban đêm. Ngoài ra, ở một số bộ phận khác lại có tình trạng giảm tiết mồ hôi như vùng xa gốc chi dưới khiến da khô, bong vảy, chai chân, loạn dưỡng móng...
- Hạ đường huyết không có dấu hiệu nhận biết: tình trạng tiết ra quá nhiều Catecholamine và Glucagon khiến đường máu giảm nhưng không thể biểu hiện trên lâm sàng để bệnh nhân có thể nhận biết được.
Biến chứng thần kinh ngoại biên: một số triệu chứng điển hình là cảm giác kiến bò, nóng rát vùng đầu ngón tay, nhón chân, giảm hoặc mất cảm giác nhiệt, cảm giác nông trên da, đau âm ĩ vùng chân, tay nhiều vào ban đêm...
4. Tiểu đường biến chứng suy thận
Đầy là biến chứng phổ biến nhất trong những loại biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường, nhất là trên những bệnh nhân đái tháo đường giai đoạn cuối, rất dễ dẫn đến tử vong bệnh nhân nếu không kiểm soát chặt chẽ bệnh lý này. Biến chứng suy thận mạn tính này thường xuất hiện trên những bệnh nhân không kiểm soát đường máu tốt, đặc biệt nếu bệnh nhân có bệnh lý nền là tăng huyết áp thì khả năng suy thận mạn là một điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, người bệnh cần đặc biệt lưu ý đến đường máu và chỉ số huyết áp của bản thân, luôn giữ 2 yếu tố này ở mức an toàn để làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh lý suy thận cũng như các biến chứng đái tháo đường khác.
Biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường để lại nhiều hậu quả đến cuộc sống của bệnh nhân, khiến chất lượng sống suy giảm trầm trọng. Vì vậy, trên những bệnh nhân đái tháo đường cần có một chế độ theo dõi và chăm sóc, dinh dưỡng đặc biệt để hạn chế đến mức tối đa các biến chứng của đái tháo đường xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.