Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Minh Phúc - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Khi mang thai cơ thể phụ nữ thường thay đổi nhiều về mặt tâm lý lẫn sinh lý. Một trong những điều gây lo lắng cho các bà bầu là tình trạng đông máu nội mạch khi mang thai với những biến chứng nguy hiểm với cả sản phụ và thai nhi.
1. Tổng quan
Khi cơ thể bị thương, quá trình đông máu lập tức xảy ra để bịt kín chỗ tổn thương, ngăn không cho máu thoát khỏi thành mạch.
Cơ chế đông máu được phân chia làm 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn thành mạch tiểu cầu (giai đoạn cầm máu ban đầu);
- Giai đoạn đông máu huyết tương;
- Giai đoạn tiêu sợi huyết.
Đông máu nội mạch lan tỏa (DIC) là một hội chứng mà quá trình đông máu bắt đầu trở nên mất kiểm soát và lan rộng. Nhiều cục máu đông bắt đầu hình thành trong các mạch máu nuôi của các cơ quan dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ.
Khi không còn đủ tiểu cầu trong máu, các phần khác của cơ thể sẽ bắt đầu chảy máu kể cả với tổn thương nhỏ nhất ở thành mạch. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nghịch lý: vừa có các cục máu đông làm tắc mạch máu (huyết khối), vừa có vấn đề trong việc khiến máu đông dẫn đến chảy máu.
2. Hiện tượng đông máu nội mạch ở bà bầu
Hiện tượng đông máu nội mạch ở bà bầu thường khó chẩn đoán, chỉ có thể biểu hiện ở một số dấu hiệu như:
- Đau tức ngực
- Khó thở
- Sưng hoặc đau đột ngột ở một chân.
Các nhà khoa học chứng minh nguy cơ hình thành các cục máu đông trong máu ở ngưỡng cao nhất trong khoảng thời gian mang thai của phụ nữ. Khi mang thai, do sự gia tăng của hormone estrogen và sự thay đổi trong tĩnh mạch phụ nữ, tình trạng đông máu nội mạch ở bà bầu có xu hướng cao hơn gấp 11 lần so với bình thường. Sau khi sinh từ 6 - 12 tuần, các hormone vẫn chưa thể bình thường nên nguy cơ hình thành máu đông vẫn rất cao ở phụ nữ và tình trạng này chỉ giảm dần đi kể từ tuần 13 - tuần 18 sau sinh.
Mặc dù đông máu nội mạch khi mang thai hiếm xảy ra nhưng nếu không được chẩn đoán và phát hiện sớm sẽ gây rối loạn đông máu nặng dẫn tới biến chứng và tỷ lệ tử vong cao.
3. Biến chứng đông máu nội mạch khi mang thai
Người bình thường thường có 12 yếu tố đông máu (đánh dấu I đến XII), nhưng nếu tình trạng đông máu nội mạch ở bà bầu xảy ra gây thiếu hụt yếu tố đông máu (đặc biệt là yếu tố VIII, IX, XI) thì sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.
- Tim đập nhanh, thở gấp, tím tái, động mạch phổi tăng, huyết áp tĩnh mạch tăng.
- Nhau bong non: chấm dứt thai kỳ sau khi bồi hoàn các yếu tố đông máu.
- Thuyên tắc ối
- Thai chết lưu: cần phải lấy thai càng sớm càng tốt.
- Sảy thai nhiễm khuẩn
- Choáng mất máu sau sinh (băng huyết)
- Thai trứng
- Bệnh phụ khoa ác tính:
Thậm chí có người còn bị đau tim, đột quỵ hoặc tình trạng huyết khối trong tĩnh mạch tăng cao. Đông máu nội mạch khi mang thai được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm cho chuyện sinh nở vì gây thiếu hụt máu và gây các biến chứng nặng nề liên quan. Khi xảy ra cần sự phối hợp giữa bác sĩ sản khoa, bác sĩ hồi sức gây mê và bác sĩ huyết học để cứu người bệnh.
Với những phụ nữ mắc bệnh đông máu nội mạch (DIC) mà chưa có thai thì nên tránh có thai, vì nếu để sảy thai rồi phá thai, thai chết lưu dễ dẫn đến nguy cơ băng huyết (chảy máu sau sinh) gây nguy hiểm đến tính mạng. Với phụ nữ đang mang thai thì nên đi khám thai định kỳ để được chẩn đoán, theo dõi thường xuyên và được tư vấn, hỗ trợ.