Ổ cặn màng phổi là hậu quả của viêm mủ màng phổi không được điều trị tích cực trong giai đoạn đầu. Nếu tiếp tục không được điều trị, ổ cặn màng phổi sẽ gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân.
1. Ổ cặn màng phổi là gì?
Viêm mủ màng phổi là tình trạng tích tụ mủ trong khoang màng phổi. Bệnh có thể xảy ra sau các bệnh lý nhiễm khuẩn ở màng phổi, phổi, trung thất, ổ bụng, nhiễm khuẩn huyết,... hoặc xảy ra sau các chấn thương, vết thương lồng ngực. Nếu không được điều trị triệt để ở giai đoạn đầu, viêm mủ màng phổi sẽ tiến triển thành mạn tính, tạo thành các ổ cặn màng phổi.
Ổ cặn màng phổi là khoang chứa mủ có thành dày và chắc chắn trên bề mặt màng phổi, có khi dày tới 2-3cm. Trên hình ảnh X-quang, ổ cặn thường nằm ở vùng dưới và sau của khoang màng phổi, có thể thấy hơi mức nước trong khoang cặn.
2. Biến chứng của ổ cặn màng phổi?
Ổ cặn màng phổi nếu không được điều trị sẽ gây các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân bị suy kiệt do nhiễm trùng, nhiễm độc kéo dài, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, gây áp xe ở các cơ quan khác như não, thận,... Quá trình xơ hóa tạo các dải xơ (để tạo ổ cặn màng phổi) lan vào nhu mô phổi làm khả năng giãn nở của nhu mô phổi giảm xuống, chức năng hô hấp giảm. Bệnh nhân có nguy cơ suy tim, trước hết là suy tim phải.
3. Phẫu thuật bóc vỏ màng phổi điều trị ổ cặn màng phổi
Để tránh các biến chứng của bệnh, hầu hết các trường hợp ổ cặn màng phổi cần được can thiệp sớm bằng phẫu thuật bóc vỏ màng phổi. Đối với các bệnh nhân ổ cặn màng phổi đang có kèm các bệnh lý khác như: nhiễm trùng ở các cơ quan khác, bệnh mãn tính nặng hoặc tổn thương nặng bên phổi đối diện,...cần điều trị nội khoa ổn định trước khi phẫu thuật.
3.1. Các bước chuẩn bị trước khi phẫu thuật bóc vỏ màng phổi điều trị ổ cặn màng phổi
- Nhân viên y tế sẽ giải thích cho người bệnh và gia đình mục đích của phẫu thuật, những tai biến, di chứng có thể gặp phải. Nếu đồng ý phẫu thuật, người bệnh hoặc người nhà phải ký vào giấy đồng ý phẫu thuật để hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
- Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao thể trạng, cân bằng rối loạn lo âu cho những bệnh nhân suy kiệt, mắc các bệnh mãn tính. Truyền máu cho bệnh nhân thiếu máu nặng.
- Bệnh nhân nhịn ăn, uống từ 8-12 giờ trước khi phẫu thuật. Trước cuộc mổ, nhân viên y tế sẽ vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân. Sử dụng kháng sinh dự phòng cho người bệnh nếu cần thiết.
3.2. Quy trình phẫu thuật bóc vỏ màng phổi điều trị ổ cặn màng phổi
Người bệnh nằm trên bàn mổ, tư thế nằm nghiêng 90 độ sang bên đối diện, độn gối ngang ngực. Kíp mổ tiến hành gây mê nội khí quản hai nòng, đặt đường truyền tĩnh mạch trung ương và ngoại vi, cho bệnh nhân thở máy có oxy, đặt thông tiểu. Các thông số điện tim và SpO2 được theo dõi liên tục qua màn hình.
Bác sĩ phẫu thuật mở ngực sau-bên qua khoang gian sườn V vào khoang màng phổi. Các bước phẫu thuật gồm:
- Dùng dao điện thực hiện phẫu tích dỡ dính tối đa phần phổi tiếp cận ổ cặn màng phổi. Khâu lại những phần chảy máu do rách nhu mô phổi lớn.
- Rửa màng phổi và khoang màng phổi, đặc biệt ở các vị trí ổ cặn. Gửi mẫu bệnh phẩm ổ cặn để xét nghiệm giải phẫu bệnh và vi trùng.
- Trường hợp màng phổi bị dày dính do ổ cặn màng phổi lâu ngày, bề mặt nhu mô phổi bị phủ bởi một lớp tơ tuyết đã hóa tổ chức dày, bác sĩ sẽ bóc tối đa các lớp này để giúp phổi nở.
- Sau khi bóc bỏ lớp sợi tơ huyết đã tổ chức hóa, tiến hành đổ huyết thanh vô khuẩn vào khoang màng phổi và phồng phổi để kiểm tra rò khí. Nếu có khí xì qua bề mặt nhu mổ phổi thì cần phải khâu lại.
- Cầm máu, bơm rửa ngực, rửa màng phổi, đặt dẫn lưu vào khoang màng phổi, hút dẫn lưu liên tục sau khi đặt để phòng tắc do cục máu đông.
- Đóng ngực sau khi phổi đã nở tốt.
4. Các tai biến sau phẫu thuật bóc vỏ màng phổi
Các tai biến thường gặp sau phẫu thuật bóc vỏ màng phổi điều trị ổ cặn màng phổi là chảy máu sau mổ và xẹp phổi sau mổ. Nếu máu chảy sau mổ >100ml/ giờ cùng với rối loạn huyết động hoặc máu chảy >200ml/ giờ trong 3 giờ liền, bệnh nhân sẽ được mổ lại để cầm máu cấp cứu.
Xẹp phổi sau mổ là tình trạng người bệnh không thở tốt và bít tắc đờm dãi sau mổ. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần ngồi dậy sớm, thực hiện vỗ rung và ho khạc đờm giãn. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh toàn thân và soi hút phế quản nếu cần.