Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh thường gặp ở trẻ sinh non tháng, gây suy hô hấp do phổi chưa phát triển đầy đủ, thiếu hoạt chất tạo tính bề mặt ( surfactant) dẫn đến giảm diện tích bề mặt phế nang dành cho việc trao đổi khí. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong hàng đầu ở trẻ sinh non tháng.
1. Nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Suy hô hấp là tình trạng hệ hô hấp không đủ khả năng duy trì sự trao đổi khí phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây ra suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, nhưng nguy nhân đầu tiên phải kể đến là do trẻ sinh non. Trẻ càng sinh thiếu tuần tuổi thì càng dễ bị suy hô hấp.
Trẻ đẻ non dưới 28 tuần, tỷ lệ mắc bệnh là 50 - 60%, nhất là cân nặng của trẻ dưới 1.000g hoặc trẻ sinh đôi.
Trẻ sơ sinh bị suy hô hấp chủ yếu là do tình trạng xẹp phổi do thiếu chất Surfactant - là chất giảm hoạt bề mặt có tác dụng duy trì tính ổn định của phế nang, giúp cho các phế nang không bị xẹp. Ở những trẻ sinh non, các cơ hô hấp cũng chưa phát triển đầy đủ, lồng ngực mềm nên phổi dễ bị xẹp.
Ngoài ra, suy hô hấp cũng có thể là do yếu tố di truyền liên quan đến sự phát triển phổi của trẻ. Bên cạnh trẻ sinh non, còn có một số yếu tố khác dẫn đến hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh như; mẹ bị xuất huyết trước sinh, trẻ bị ngạt, hạ thân nhiệt...
Nếu như mẹ sinh mổ mà chưa chuyển dạ, cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị suy hô hấp do quá trình chuyển dạ phóng thích các hooc môn kích thích sản xuất và phóng thích Surfactant, dẫn đến tăng tái hấp thu dịch phổi qua hệ bạch huyết phổi. Nếu được sinh mổ lúc thai phụ chưa chuyển dạ, trẻ dễ bị thiếu surfactant và có lượng dịch trong phổi cao.
Nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ còn có thể là do trẻ mắc một số tổn thương hệ thần kinh trung ương như trẻ bị viêm não, viêm màng não, sang chấn sọ não, xuất huyết não, bệnh tim bẩm sinh, viêm phế quản, viêm phổi, tắc lỗ mũi sau, có chướng ngại vật ở đường hô hấp như đờm dãi, sữa,...Những nguyên nhân này khiến khả năng thích ứng của các cơ quan nội tạng để duy trì chức năng hô hấp bị rối loạn gây ra hiện tượng suy hô hấp.
Ngoài ra còn một số yếu tố khác dẫn đến hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh như:
- Người mẹ bị đái tháo đường
- Mang đa thai
- Tổn thương chu sinh: ngạt và xuất huyết trước sinh
- Lượng máu cung cấp cho bé trong thai kỳ bị suy giảm.
2. Biến chứng của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Thông thường, sau khi sinh khoảng vài phút hoặc vài giờ sau khi sinh trẻ xuất hiện hội chứng suy hô hấp nặng mà không tìm thấy các nguyên nhân như nhiễm khuẩn, ngạt nước ối, hít phải phân su...với biểu hiện là khó thở nhanh nông, nhịp thở trên 60 lần/phút. Các khoang liên sườn, hõm trên ức, co kéo, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái. Cho thở oxy không đỡ...Nếu nặng, các dấu hiệu tím tái, khó thở tăng lên, huyết áp hạ, thân nhiệt hạ, trẻ có thể tử vong. Nếu nhẹ và được can thiệp kịp thời, điều trị đúng cách thì sau khoảng 72 giờ các triệu chứng giảm dần và trẻ có thể được cứu sống. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh có thể để lại di chứng như thiếu oxy não, xuất huyết não, hạ đường huyết...
Ngoài ra suy hô hấp ở trẻ sơ sinh còn có một số biến chứng khác như:
- Mù
- Nhiễm trùng máu
- Hình thành cục máu đông trong cơ thể
- Chậm phát triển trí tuệ
- Tích tụ không khí xung quanh phổi và tim
- Loạn sản phế quản phổi
- Viêm phổi
Suy hô hấp nặng cũng có thể dẫn đến suy thận và tình trạng các cơ quan khác phát triển không đúng cách. Nguyên tắc điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là dùng surfactant thay thế càng sớm càng tố, hỗ trợ hô hấp, thở oxy. Ngoài ra, cần áp dụng các phương pháp hỗ trợ như bảo vệ thân nhiệt, dinh dưỡng, hỗ trợ tuần hoàn và điều trị nhiễm trùng.
3. Phòng ngừa suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Để phòng tránh trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp nặng, điều đầu tiên rất quan trọng khi mang thai, thai phụ phải đảm bảo sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, lao động phù hợp, khám theo dõi thai đều đặn để được tư vấn chăm sóc tốt, phát hiện sớm những nguy cơ để hạn chế tối đa tình trạng sinh non, sinh con nhẹ cân.
Khi sinh, sản phụ phải đến cơ sở y tế, tuyệt đối không sinh con tại nhà mà cần được nữ hộ sinh hoặc bác sĩ chuyên sâu đỡ đẻ. Sau đẻ, sản phụ và người chăm sóc trẻ cần biết cách theo dõi trẻ, phát hiện những bất thường để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, các thai phụ có nguy cơ như phải mổ lấy thai, thời gian chuyển dạ quá lâu, băng huyết, mang đa thai, mắc bệnh đái tháo đường, sử dụng chất corticoid kéo dài trong thời gian mang thai, tiền sử gia đình có trẻ bị suy hô hấp,... cần được các bác sĩ chuyên khoa khám quản lý theo dõi chặt chẽ đẻ có biện pháp can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.