Bị viêm mũi dị ứng hắt xì ra máu nguyên nhân do đâu?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. BSCKI. Lê Văn Quảng là chuyên gia về lĩnh vực Tai Mũi Họng với 15 năm kinh nghiệm.

Bệnh viêm mũi dị ứng khá phổ biến ở người lớn, nó thường xuyên gây ra những triệu chứng khiến người bệnh khó chịu. Một số trường hợp người bệnh bị viêm mũi dị ứng hắt xì ra máu dẫn đến tâm lý lo lắng, vậy những nguyên nhân nào có thể dẫn đến tình trạng này?

1. Tổng quan bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là tình trạng hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với một dị nguyên nào đó gây ra tình trạng viêm mũi, dẫn tới các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa, chảy mũi, nghẹt mũi, ngứa họng, chảy nước mắt, ngứa quanh mắt...Trên một người có cơ địa dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên sẽ khởi phát bệnh viêm mũi dị ứng. Các dị nguyên có thể gây viêm mũi dị ứng như: Phấn hoa, lông động vật, bụi bẩn, nấm mốc...

Những người bị viêm mũi dị ứng còn có thể bị các bệnh liên quan tới dị ứng khác như: Hen phế quản, viêm kết mạc mắt dị ứng, viêm da dị ứng...

Khi bị viêm mũi dị ứng, điều trị chủ yếu là các biện pháp điều trị triệu chứng, nếu biết được tác nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc là biện pháp tốt nhất để tránh tái phát bệnh.

Một số trường hợp viêm mũi dị ứng có thể dẫn tới một số biến chứng như:

  • Ảnh hưởng tới giấc ngủ: Triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng thường có xu hướng nặng hơn về đêm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ, ngủ không đủ giấc.

Viêm mũi dị ứng khiến người bệnh ngủ không đủ giấc
Viêm mũi dị ứng khiến người bệnh ngủ không đủ giấc

  • Ảnh hưởng đến khứu giác: Bệnh viêm mũi dị ứng lâu ngày sẽ gây tổn thương nghiêm trọng niêm mạc mũi. Làm cho chức năng khứu giác bị suy giảm, nhiều trường hợp còn bị mất khứu giác tạm thời.
  • Các biến chứng ở đường hô hấp: Có thể dẫn đến viêm xoang, viêm họng, nặng hơn có thể viêm đường hô hấp dưới.

Video đề xuất:

Bệnh viêm mũi dị ứng có lây không?

2. Nguyên nhân viêm mũi dị ứng hắt xì ra máu

Viêm mũi dị ứng có một số người bị thường xuyên quanh năm, có người bị một thời điểm nào đó trong năm gây ra các triệu chứng khiến người bệnh khó chịu, Trong đó một số trường hợp người bệnh có thể bị hắt xì ra máu, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này:

  • Do vệ sinh mũi sai cách

Bệnh viêm mũi dị ứng thường xuyên gây ra các triệu chứng khó chịu ở người bệnh, lại chưa có biện pháp điều trị nguyên nhân. Nên các thuốc xịt mũi để điều trị các triệu chứng rất thường được sử dụng hoặc dùng các loại dung dịch để xịt mũi làm vệ sinh mũi, khi sử dụng người bệnh có thể xịt quá mạnh vào niêm mạc mũi dẫn đến xung huyết niêm mạc mũi dễ gây ra chảy máu mũi khi hắt hơi.

  • Do thói quen xì mũi và hắt xì mạnh

Người bệnh thường xuyên bị dịch nhầy ở mũi chảy ra rất khó chịu, nên thường có thói quen xì mạnh để đẩy dịch nhầy ra ngoài. Nhưng nếu thường xuyên xì quá mạnh làm tổn thương niêm mạc mũi dẫn tới chảy máu mũi ở những lần hắt xì sau.


Hắt xì quá mạch làm tổn thương niêm mạc mũi
Hắt xì quá mạch làm tổn thương niêm mạc mũi

  • Do yếu tố thời tiết

Thời tiết là một yếu tố thuận lợi gây ra bệnh lý viêm mũi dị ứng. Khi thời tiết hanh khô thì các triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng thường nặng nề hơn. Khi thời tiết hanh khô sẽ khiến cho niêm mạc mũi bị khô và khả năng kích ứng mạnh. Khi niêm mạc mũi khô tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập kết hợp làm các triệu chứng càng nặng hơn và niêm mạc mũi khô dễ bị tổn thương hơn, dễ dẫn tới tình trạng viêm mũi dị ứng hắt xì ra máu. Đặc biệt khi niêm mạc mũi khô lại kết hợp với xì mũi mạnh nguy cơ chảy máu càng cao.

  • Thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên

Khi khởi phát bệnh viêm mũi dị ứng, người bệnh phải cố gắng tránh xa các tác nhân có thể là dị nguyên, thì bệnh sẽ mau chóng bình phục. Nếu thường xuyên tiếp xúc dị nguyên gây ra phản ứng miễn dịch càng mạnh mẽ sẽ làm cho niêm mạc mũi bị kích ứng và tổn thương dẫn đến xì ra máu vì người bệnh thường xuyên phải xì mũi.

3. Cách khắc phục viêm mũi dị ứng hắt xì ra máu

Đa số các trường hợp viêm mũi dị ứng hắt xì ra máu không phải là tình trạng nguy hiểm và không đe dọa tính mạng người bệnh. Hầu hết chỉ cần chăm sóc tại nhà là có thể hết, các biện pháp khắc phục tình trạng hắt xì ra máu:

  • Khi thấy hắt xì ra máu người bệnh giữ tư thế ngồi thẳng, không ngửa đầu ra sau tránh máu vào họng không kiểm soát được số lượng máu chảy. Sau đó dùng 2 ngón tay cái và trỏ kẹp hai bên lỗ mũi lại từ 5-10 phút.

Dùng hai ngón tay kẹp cánh mũi để tránh máu chảy thêm
Dùng hai ngón tay kẹp cánh mũi để tránh máu chảy thêm

  • Nếu thấy kẹp vẫn chảy, có thể kết hợp với chườm đá bọc qua khăn sạch ở vùng gốc mũi.
  • Sau khi hết chảy mũi thì rửa lại mũi với nước muối sinh lý.
  • Tránh hắt xì hay xì mũi trong lúc này để tránh tái phát chảy máu.

Một số trường hợp chảy máu nặng nề, không khỏi sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà. Cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị phù hợp với tình trạng.

Nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị có thể được chỉ định liệu pháp miễn dịch, liệu pháp miễn dịch thường mất nhiều thời gian và tốn kém. Nên tốt nhất là tìm được kháng nguyên và tránh xa tác nhân gây dị ứng đó.

4. Các phòng tránh viêm mũi dị ứng hắt xì ra máu

  • Nếu biết dị nguyên gây bệnh, tránh xa nguồn gây dị ứng.
  • Khi thời tiết khô hanh, chuyển lạnh cần giữ ấm và ẩm cho vùng mũi họng. Để phòng các tác nhân gây bệnh xâm nhập.
  • Bảo vệ cơ thể tránh tác nhân gây bệnh: Đeo khẩu trang thường xuyên khi ra khỏi nhà, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh răng miệng, mũi họng bằng nước muối sinh lý.
  • Tránh thói quen xì mũi và hắt xì quá mạnh, gây tổn thương niêm mạc mũi.
  • Tránh hút thuốc lá chủ động hay thụ động.

Thường xuyên đeo khẩu trang để bảo vệ mũi mỗi khi ra ngoài
Thường xuyên đeo khẩu trang để bảo vệ mũi mỗi khi ra ngoài

Khi bị viêm mũi dị ứng hắt xì ra máu, không nên quá lo lắng nên tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó và tự phòng bệnh tránh tái phát. Khi tình trạng chảy máu nghiêm trọng cần tới cơ sở y tế ngay để tìm chính xác nguyên nhân và điều trị đúng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất:

Hướng dẫn rửa mũi đúng cách cho trẻ sơ sinh

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe